Thứ trưởng Bộ GTVT: Hà Nội điều chuyển luồng tuyến hơi nóng vội
(Dân trí) - Ông Nguyễn Hồng Trường – Thứ trưởng Bộ GTVT đánh giá quá trình sắp xếp, điều chuyển luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh của thành phố Hà Nội trong thời gian qua hơi nóng vội, cần phải rút kinh nghiệm.
Chiều 1/3, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện cùng các đơn vị liên quan đã trực tiếp đối thoại với hàng trăm nhà xe bị sắp xếp điều chuyển luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh dịp trước Tết Âm lịch vừa qua.
"Đói" khách, hàng trăm nhà xe lo phá sản, bán xe
Báo cáo tại cuộc đối thoại, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Hà Huy Quang cho biết, đến ngày 12/2, đã thực hiện điều chuyển 623 lốt/628 lốt tuyến, chiếm trên 99%. Còn 5 lốt còn lại do doanh nghiệp không thực hiện điều chuyển, Sở GTVT đã có văn bản phối hợp với Sở GTVT Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Gia Lai xử lý theo quy định.
Với việc điều chuyển trên, ông Hà Huy Quang cho biết, việc này đã đảm bảo trật tự an toàn giao thông và phục vụ nhân dân trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán. “Điều đó cho thấy việc tổ chức thực hiện phương án sắp xếp chuyển luồng tuyến xe khách liên tỉnh đảm bảo đúng mục đích và yêu cầu. Tình hình ùn tắc trên trục đường Vành đai 3, khu vực bến xe Mỹ Đình được cải thiện hơn. Các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm hoạt động ổn định, an ninh trật tự xã hội được đảm bảo”, ông Hà Huy Quang đánh giá.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Sơn La - Giám đốc Công ty Vận tải Mạnh La (tỉnh Thái Bình) cho biết, trong quá trình điều chuyển (gần 60 ngày) doanh nghiệp này gặp vô vàn khó khăn vì bến xe Nước Ngầm không có khách. Ông La phản ánh không chỉ doanh nghiệp mình mà hàng loạt doanh nghiệp khác đều bị lỗ vốn, dẫn đến nguy cơ phá sản.
Theo ông La việc điều chuyển cần phải có lộ trình, doanh nghiệp cần được hoạt động theo khoảng thời gian nhất định. Ngoài ra, nếu trong quá trình điều chuyển như vậy mà từ khu vực bến xe Mỹ Đình vẫn còn xe khách chạy tuyến xuống Nam Định, Thái Bình thì không “dại gì” hành khách về bến xe Nước Ngầm.
“Các doanh nghiệp vận tải hành khách thuộc diện điều chuyển chúng tôi đang chịu lỗ to vì không có khách vẫn phải trả lãi ngân hàng, trả tiền cầu đường, trả tiền nhân viên… Do vậy, tôi đề nghị thành phố đưa ra lộ trình điều chuyển luồng tuyến cho phù hợp hơn với điều kiện thực tế”, ông Nguyễn Sơn La nói.
Ông Nguyễn Văn Thạc - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Nam Định thống nhất về chủ trương điều chuyển luồng tuyến nhằm đảm bảo giảm ùn tắc giao thông cho Hà Nội. Tuy nhiên, sau gần 2 tháng thực hiện kế hoạch, ông Thạc nhận thấy việc điều chuyển hành khách từ bến xe Mỹ Đình về Nước Ngầm là không hợp lý. Điều này gây khó khăn cho người dân đi lại, làm cho doanh nghiệp có tuyến điều chuyển bị thua lỗ nặng nề.
Ông Thạc đưa ra con số cụ thể với doanh nghiệp của mình có 10 đầu xe bị điều chuyển luồng tuyến, qua 2 tháng đã bị lỗ hơn 500 triệu đồng. Ngoài ra, hiện tỉnh Nam Định có số lượng hàng trăm xe hoạt động tuyến Hà Nội – Nam Định, thì việc điều chuyển này gây ảnh hưởng nghiệm trọng cho các doanh nghiệp, đến công ăn việc làm của người dân.
Đại diện doanh nghiệp vận tải Nam Định đánh giá việc điều chuyển như vậy là chưa công tâm, chưa công bằng trong quá trình khai thác vận tải. Điều này, gây bức xúc cho nhân dân và đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến các doanh nghiệp vận tải đình công trong ngày 28/2.
Tại hội nghị, ông Thạc đề nghị Bộ GTVT, TP Hà Nội quy hoạch lại việc điều chuyển luồng tuyến cho phù hợp, tránh thiệt hại cho các doanh nghiệp. Ông Thạc nêu mong muốn TP Hà Nội cho phép các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động ổn định ở bến xe Mỹ Đình cho đến năm 2020. Theo ông Thạc có làm được như vậy thì mới chấm dứt được bức xúc của doanh nghiệp.
Cũng tại hội nghị, ông Trần Hữu Quảng, đại diện Công ty vận tải Hà Xuân Hải (tỉnh Thanh Hóa) cho biết, ông đã tham gia nhiều cuộc họp về điều chuyển luồng tuyến của Sở GTVT, nhưng kết quả không mang lại như mong muốn. Qua báo cáo của Sở GTVT được ông Hà Huy Quang trình bày, ông Quảng nhận thấy không phản ánh đúng thực tế những khó khăn của doanh nghiệp gặp phải trong thời gian qua.
“Sau 2 tháng điều chuyển, hành khách không chịu về bến Giáp Bát, Nước Ngầm. Vậy, hành khách ở bến xe Mỹ Đình trước đây đã đi đâu?”, ông Quảng nói và tự trả lời luôn: Hiện nay các xe dù, bến cóc hoạt động quanh bến xe Mỹ Đình và các tỉnh nhiều hơn. Thậm chí có lại xe còn về tận thôn, làng, khu dân phố đưa đón khách. Vì vậy, ông Quảng lo ngại nếu để các loại xe khách trá hình hoạt động như vậy thì xe khách sẽ bị "chết yểu" trong thời gian tới.
Theo ông Quảng, việc giảm ùn tắc cho thành phố Hà Nội là trách nhiệm chung của nhân dân của Thủ đô, cũng như cả nước. Do vậy, ông Quảng cho rằng, cách làm như hiện nay là đúng nhưng phương pháp làm chưa đúng, chọn việc điều chuyển như hiện nay là chưa có căn cứ khoa học.
“Sau 2 tháng thực hiện điều chuyển, các anh không thấy cảnh khổ cực của người dân trong việc đi lại và cũng làm cho doanh nghiệp chúng tôi điêu đứng, nguy cơ phá sản thì liệu có phù hợp không”, ông Quảng bức xúc nói.
"Mong doanh nghiệp thông cảm"
Làm rõ ý kiến các nhà xe, ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định việc các doanh nghiệp đề xuất được quay trở lại bến xe Mỹ Đình hoạt động như cũ cho đến năm 2020 là không phù hợp. Bởi theo ông Viện, việc điều chuyển như vậy là nhằm đảm bảo giảm ùn tắc giao thông cho thành phố Hà Nội. Theo ông Viện đó cũng là nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ GTVT và Hà Nội đang tập trung giải quyết. Cũng vì vậy, thời gian tới Hà Nội đang tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ để giảm ùn tắc, trong đó có việc xây dựng cơ sở hạ tầng, điều chuyển luồn tuyến, hạn chế phương tiện giao thông…
Trước hàng trăm nhà xe, ông Viện nêu rõ thực trạng năng lực kết cấu hạ tầng của Hà Nội hiện nay không đáp ứng so với sự phát triển của phương tiện giao thông. Vì vậy, ùn tắc trên một số tuyến đường của Hà Nội ngày càng nghiêm trọng. Riêng tuyến đường Vành đai 3 thường xuyên ùn tắc nặng nề, Bộ GTVT cùng Hà Nội rà soát để giảm ùn tắc đường Vành đai 3 này. Một trong những biện pháp đó là phân lại luồng tuyến vận tải để không có tình trạng chạy vòng vèo từ Mỹ Đình ra Giáp Bát đến Pháp Vân.
Quá trình ông Viện nói luôn bị các doanh nghiệp ngắt lời, đề nghị trả lời trực tiếp vào các câu hỏi mà họ nêu ra. “Nếu ông Viện trả lời lòng vòng như đọc báo cáo thì chúng tôi sẽ ra về. Nghe báo cáo như vậy thì không giống như cuộc đối thoại, các bức xúc của chúng tôi sẽ không được giải đáp”, ông Nguyễn Sơn La - một doanh nghiệp ở tỉnh Thái Bình nói. Đáp lại ý kiến của các doanh nghiệp, ông Viện cho biết, mình vẫn đang trả lời trực tiếp vấn đề của các doanh nghiệp.
Để làm dịu tình hình, ông Nguyễn Hồng Trường – Thứ trưởng Bộ GTVT đề nghị ông Viện nói ngắn gọn hơn. Ông Trường cho biết, trong cuộc họp thì “người nói phải có người nghe”. Sau đó, ông Trường hứa với các doanh nghiệp, các ý kiến sẽ được tiếp thu đầy đủ, những gì giải đáp được thì sẽ giải đáp ngay, còn chưa thể giải đáp thì sẽ báo cáo cấp trên.
Ông Nguyễn Hồng Trường mong các doanh nghiệp thông cảm và phân tích rõ lý do vì sao phải điều chuyển nhà xe khỏi bến xe Mỹ Đình. Một trong những nguyên nhân cơ bản đó là do tình trạng quá tải ở bến xe Mỹ Đình, dẫn đến phải điều chuyển lại luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh. Ngoài ra, ông Trường cũng thừa nhận dẫn đến tình trạng đó là có lỗi do quy hoạch quá chậm, không đáp ứng quá trình phát triển của các doanh nghiệp vận tải.
Với mong muốn được quay trở lại hoạt động tại bến xe Mỹ Đình, ông Trường cho rằng, nếu làm như vậy thì tình trạng lộn xộn như trước đây lại tái diễn. “Thực hiện điều đó rất khó, bởi đưa một bộ phận nào về Mỹ Đình thì không công bằng. Làm như vậy sẽ tại diễn tình trạng lộn xộn, ùn tắc giao thông như trước đây”, ông Trường nói.
Kết lại vấn đề, ông Trường đánh giá cách điều chuyển như vừa qua của Hà Nội có hơi nóng vội, vấn đề này Bộ GTVT sẽ ngồi với Hà Nội để rút kinh nghiệm. Ngoài ra, Bộ GTVT sẽ cùng với Hà Nội tìm cách kéo khách về bến xe Nước Ngầm. Ông Nguyễn Hồng Trường cũng đề nghị các đơn vị liên quan xử lý nghiêm xe dù bến cóc và xe hợp đồng.
Quang Phong - Tiến Nguyên