Theo dõi việc Trung Quốc xả nước về Đồng bằng sông Cửu Long
(Dân trí) - Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) vừa có công văn yêu cầu Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam theo dõi diễn biến nguồn nước về đồng bằng sông Cửu Long sau khi hồ Thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) tăng lượng xả để giúp Việt Nam chống hạn hán và xâm nhập mặn.
Theo Tổng cục Thủy lợi, phía Trung Quốc tăng nguồn xả nước từ Nhà máy Thủy điện Cảnh Hồng để bổ sung nước cho hạ du sông Mê Kông, thời gian từ 15/3 đến ngày 10/4 với lưu lượng xả là 2.190m3/giây.
Tổng cục Thủy lợi đề nghị Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến nguồn nước, xâm nhập mặn và đánh giá tác động của việc xả nước từ Nhà máy Thủy điện Cảnh Hồng đến đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là thu thập thông tin, tình hình nguồn nước tại các điểm đo trên sông Mê Kông. Tính toán hiệu quả việc xả nước của Nhà máy Thủy điện Cảnh Hồng, xác định cụ thể thời gian nước đến đồng bằng sông Cửu Long, sau khi có xả tăng cường của hồ thủy điện Cảnh Hồng. Tiếp tục tổ chức giám sát, đo đạc, dự báo tình hình nguồn nước và xâm nhập mặn, thường xuyên báo cáo cho các địa phương trong vùng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trước đó, thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, thông qua các kênh ngoại giao, Việt Nam đã đề nghị phía Trung Quốc gia tăng lưu lượng xả nước từ đập Cảnh Hồng, tỉnh Vân Nam, xuống lưu vực sông Mê Kông để góp phần khắc phục hạn hán cũng như xâm nhập mặn của một số tỉnh ĐBSCL của Việt Nam.
“Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, ngày 14/3, đại diện Bộ Thủy lợi Trung Quốc đã gặp đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, thông báo rằng từ ngày 15/3-10/4/2016, phía Trung Quốc sẽ tăng lưu lượng xả nước từ đập thủy điện Cảnh Hồng xuống khu vực hạ lưu sông Mekong từ 1.100 m3/s lên 2.190m3/s, gấp đôi so với mức trung bình cùng kỳ nhiều năm trước” – ông Lê Hải Bình, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết.
Cũng theo Người Phát ngôn, trước khi đề nghị phía Trung Quốc, các cơ quan chức năng Việt Nam đã phối hợp rất chặt chẽ để lên các phương án cụ thể nhằm khắc phục hạn hán và xâm nhập mặn tại một số tỉnh ĐSBCL. Đối với các đánh giá cụ thể về tác động, các cơ quan chức năng liên quan sẽ có những phân tích sâu sâu và chi tiết hơn.
Ông Lê Hải Bình cho biết thêm, Bộ Ngoại giao Việt Nam đang tiếp tục tích cực trao đổi với phía Trung Quốc cũng như các quốc gia sông Mê Kông để cùng nhau sử dụng bền vững sông Mê Kông, đảm bảo hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông, cũng như người dân sinh sống trong khu vực này.
Đợt hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra tại các tỉnh vùng ĐBSCL được cho là nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm qua. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tình trạng này được dự báo còn kéo dài đến tháng 6/2016; sẽ ảnh hướng tới 160.000ha lúa. Đến nay, có tới 155.000 hộ gia đình ở khu vực ĐBSCL đang thiếu nước sạch sinh hoạt trầm trọng, người dân phải mua nước ngọt với giá “cắt cổ” 60-80.000 đồng/m3.
Nguyễn Dương