​Theo dấu chân đàn voọc xám lớn nhất Việt Nam

(Dân trí) - Sau 2 năm điều tra với hàng trăm ngày ăn ngủ trong các cánh rừng, cán bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (Thanh Hóa) đã xác định được 7 đàn voọc xám Đông Dương với khoảng 200 cá thể sinh sống tại 8 tiểu khu thuộc 2 xã Bát Mọt và Yên Nhân (Thường Xuân).

Vừa qua, thông tin từ Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Xuân Liên (huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) cho biết tại KBT đang có 7 đàn voọc xám Đông Dương (VXĐD) sinh sống với khoảng 192 đến 212 cá thể được ghi nhận. Đây là loài động vật đang bị đe dọa tuyệt chủng được ghi trong sách đỏ Việt Nam và trên thế giới. Ngoài ra, loài này còn có tên trong Nhóm IB của Nghị định 32/2006/NĐ-CP và trong “Danh sách các loài nguy cấp, quý, hiếm ưu tiên bảo tồn” của Nghị định 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo các nhà khoa học, ở Việt Nam VXĐD phân bố ở 11 tỉnh gồm Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Phú Thọ, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Thế nhưng tình trạng săn bắt động vật hoang dã chưa được kiểm soát và mất rừng trên diện rộng trong các thập kỷ gần đây đã làm cho VXĐD không còn tồn tại ở nhiều khu vực.

Đến nay rất ít tư liệu về số lượng cá thể VXĐD trong thiên nhiên ở Việt Nam. Gần đây nhất vào năm 2008, tại Khu bảo tồn loài sinh cảnh Mù Cang Chải (Yên Bái) và khu rừng lân cận thuộc huyện Mường La (Sơn La), các nhà khoa học đã ghi nhận được 9-12 đàn với tổng số ước tính khoảng 50-80 cá thể, nên đàn VXĐD mới phát hiện ở KBTTN Xuân Liên được coi là nơi có quần thể Voọc xám lớn nhất ở nước ta hiện nay.

Số cá thể voọc xám Đông Dương được ghi nhận tại Thanh Hóa có một ý nghĩa rất lớn về khoa học, tuy nhiên loài linh trưởng này cũng đang đối mặt với cuộc chiến sinh tồn khốc liệt khi nạn săn bắt và phá rừng vẫn diễn ra.

Voọc xám Đông Dương được phát hiện tại KBTTN Xuân Liên
Voọc xám Đông Dương được phát hiện tại KBTTN Xuân Liên

Hành trình phát hiện voọc quý

Ông Nguyễn Đình Hải, Giám đốc KBTTN Xuân Liên, cho biết trong quá trình điều tra, lập danh lục khu hệ động, thực vật rừng tại vườn các cán bộ của khu cùng với các nhà khoa học đã phát hiện ghi nhận có hàng trăm loài động vật nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ trong đó có VXĐD. Tuy nhiên, theo ông Hải sự tồn tại của VXĐD trong KBTTN Xuân Liên đã được ghi nhận từ những năm 1998, nhưng chưa có các nghiên cứu chi tiết về tình trạng quần thể và vùng cư trú của loài này trong KBT, gây khó khăn cho công tác bảo tồn loài. Chính vì thế từ năm 2013 đến 2015, KBT đã tiến hành nhiều đợt điều tra khảo sát nhằm xác định kích thước quần thể và vùng phân bố của loài này làm cơ sở xây dựng các giải pháp quản lý bảo tồn loài hiệu quả hơn.

Để đánh giá được chính xác nhất số lượng đàn, và nơi sinh sống của loài này, các cán bộ KBTTN Xuân Liên và đích thân ông Hải đã đi tới những nơi từng ghi nhận có VXĐD để phỏng vấn người dân bản địa và hỏi những kiểm lâm viên địa bàn đã và đang công tác tại các chốt bảo vệ rừng trong KBT. Từ đó, các cán bộ hình dung được các khu vực phân bố và các sinh cảnh rừng mà VXĐD thường hoạt động.

“Trong 2 năm từ 2013 – 2015 chúng tôi đã thiết lập 20 tuyến điều tra với tổng chiều dài các tuyến khoảng 200km). Các tuyến có khả năng gặp voọc được khảo sát 3-4 lần. Khi gặp được đàn voọc, chúng tôi tiến hành đếm số cá thể nhìn thấy được và ước tích số cá thể của cả đàn dựa vào các tiếng kêu do voọc phát ra và phạm vi khu vực cây rung do Voọc hoạt động. Từ đó, tiến hành ghi nhận tọa độ vị trí đàn rồi chụp ảnh, quay video để kiểm tra lại” – ông Hải kể.

Sau 2 năm điều tra với hàng trăm ngày ăn ngủ trong các cánh rừng các cán bộ nơi đây đã xác định được 7 đàn VXĐD với khoảng 200 cá thể sinh sống tại 8 tiểu khu xa dân cư thuộc 2 xã Bát Mọt và Yên Nhân (huyện Thường Xuân). Trong số đó có 5 đàn được các cán bộ phát hiện ghi nhận trực tiếp, 2 đàn phát hiện qua qua lời kể của người dân địa phương và kiểm lâm viên. Những đàn Voọc được phát hiện đều có con cái và đực trường thành, các cá thể gần trưởng thành và con non, trong đó có 4 đàn được ghi nhận có cá thể non.

“Những đàn voọc quý được tìm thấy chủ yếu sống ở vùng núi cao, hiểm trở nơi con người ít đặt chân đến. Đây cũng là những khu vực giáp với KBT thiên nhiên Pù Hoạt (Nghệ An) có diện tích 90.000 ha và KBT thiên nhiên Nậm Xam (tỉnh Hủa Phăn – Lào) rộng 74.000 ha, đã tạo ra một tam giác khu động, thực vật rộng lớn trên 160.000 ha giúp cho nhiều loài động vật nguy cấp tại đây có không gian phát triển phong phú, đa dạng” – ông Hải cho hay.

Đối mặt với nguy cơ săn bắt

Trên thực tế quần thể VXĐD tại KBTTN Xuân Liên hiện đang đối mặt với tình trạng săn bắt động vật hoang dã, tình trạng khai thác gỗ trộm và sự mất an toàn sinh cảnh do sự xâm nhập trái phép của người dân vào KBT để khai thác lâm sản ngoài gỗ, chăn thả gia súc. Trong đó, nạn săn bắt động vật hoang dã và sự suy thoái sinh cảnh là những đe dọa lớn nhất.

“Mặc dù KBT đã có nhiều nỗ lực, tình trạng săn bắt động vật hoang dã đã được hạn chế. Tuy nhiên nó vẫn còn diễn ra vì trong quá trình điều tra khảo sát, chúng tôi đã bắt gặp nhiều lán săn và các dàn bẫy động vật được cài trong rừng. Để bảo tồn quần thể linh trưởng đang nguy cấp này, chúng tôi đã đưa ra hàng loạt các giải pháp, trong đó chú trọng đến việc tăng cường tuần tra kiểm soát tình trạng săn bắt động vật hoang dã, ngăn chặn, nghiêm cấm khai thác trộm gỗ, chăn thả gia súc tự do, xâm nhập trái phép vào KBT, thực hiện các biện pháp lâm sinh thúc đẩy tái sinh tự nhiên rừng, đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân vùng đệm...” - ông Hải cho biết.

Nguyễn Thùy