Sửa con đường “tệ nhất” TPHCM

(Dân trí) - Đường Nguyễn Hữu Cảnh luôn nằm trong danh sách những con đường ngập nặng nhất TPHCM và được xem là rốn ngập của thành phố. Nguyên nhân ngập được xác định là do đường bị lún. Dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ được thực hiện theo hợp đồng “chìa khóa trao tay”, UBND TPHCM chịu trách nhiệm về phương án bố trí vốn.

Lún, ngập suốt... 15 năm

Thi công từ năm 1997 và khi đưa vào khai thác năm 2002, đường Nguyễn Hữu Cảnh được kỳ vọng giải quyết bài toán giao thông cho thành phố và góp phần chỉnh trang đô thị nhưng thực tế khiến người dân thất vọng. Con đường này bị lún, ngập nước trong suốt 15 năm qua.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh cứ mưa là ngập (ảnh Đình Thảo)
Đường Nguyễn Hữu Cảnh cứ mưa là ngập (ảnh Đình Thảo)

Dự án đường Nguyễn Hữu Cảnh ban đầu được gọi tên là đường Lê Thánh Tôn nối dài, do công ty Thanh niên xung phong (thuộc Lực lượng TNXP TPHCM) làm chủ đầu tư.

Tuyến đường dài khoảng 3,7km, tổng vốn đầu tư là gần 420 tỷ đồng. Đây là tuyến đường huyết mạch, kết nối cửa ngõ phía Đông với khu vực trung tâm thành phố.

Sau khi đưa vào khai thác, tuyến đường này bị lún và ngập nặng, trong đó hư hỏng nặng nhất là hạng mục cầu Văn Thánh 2.

Theo kết quả thanh tra của Thanh tra TPHCM, cầu Văn Thánh 2 được đưa vào sử dụng năm 2002 thì đến tháng 8/2004 đã phát hiện hư hỏng một số đầu dầm, thân mố, tường cánh. Các mố cầu bị chuyển vị ngang hướng về lòng sông Sài Gòn.

Đến tháng 4/2006, kết quả quan trắc chuyển dịch ngang do Phân viện khoa học công nghệ xây dựng thực hiện cho thấy trục dầm ở một số mố cầu có sự chuyển dịch.

Đường đắp dẫn lên cầu lún ở mức 7-14 mm/tháng. Đoạn đắp cao hai đầu cầu đều thấp hơn cao độ thiết kế từ 40-70mm. Toàn bộ kết cấu tường chân đã bị nứt và xô nghiêng.

Để đảm bảo an toàn giao thông, tháng 10/2007, UBND TP phải chi hơn 141 tỷ đồng để sửa chữa cây cầu Văn Thánh 2.

Không những vậy, trong quá trình thi công dự án hầm chui, đường Nguyễn Hữu Cảnh còn gây ra lún, nứt hàng loạt nhà dân ven đường, ngân sách nhà nước phải bồi thường cho 57 hộ dân bị nứt nhà khoảng 4 tỷ đồng.

Còn phần đường thì ngay sau khi đưa vào sử dụng đã nhanh chóng lọt vào danh sách các điểm ngập nặng trên địa bàn thành phố. Nguyên nhân ngập được xác định là do đường bị lún.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nghe người dân kể chuyện ngập ở đường Nguyễn Hữu Cảnh trong chuyến đi thực tế chiều 29/5
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nghe người dân kể chuyện ngập ở đường Nguyễn Hữu Cảnh trong chuyến đi thực tế chiều 29/5

Theo kết quả đo đạc của Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng và Cục Giám định, năm 2004, độ lún lớn nhất của đường Nguyễn Hữu Cảnh là gần 60cm. Sang năm 2005, đường lún từ 70-80cm. Kết quả kiểm tra cho thấy có đoạn còn lún hơn 1m.

"Lún" từ khâu thiết kế

Theo chuyên gia giao thông – TS Phạm Sanh, đường Nguyễn Hữu Cảnh “lún” từ khâu thiết kế. Đường Nguyễn Hữu Cảnh có nền đất yếu rất phức tạp nhưng số liệu khảo sát thí nghiệm trong phòng và hiện trường không phản ánh được đầy đủ điều kiện thực tế nền đất. Giải pháp xử lý nền đất yếu chưa triệt để nên xảy ra hiện tượng lún về sau.

Ngoài nền đường bị lún, hệ thống thoát nước trên tuyến cũng bị lún theo. Nhiều đoạn cống bị hở mối nối, đất cát tràn vào cống làm thu hẹp lòng cống nên mỗi khi mưa lớn, triều cường, nước không thoát kịp gây ngập nặng ở một số đoạn.

TS Phạm Sanh cho rằng, những dự án bất động sản mọc lên 2 bên đường Nguyễn Hữu Cảnh góp phần làm đường ngập nặng hơn.

Để giải quyết tình trạng lún, ngày 10/4/2009 TPHCM đã ký Hợp đồng “chìa khóa trao tay” với Tổng Công ty Xây dựng số 1 để thực hiện dự án sửa chữa, khắc phục các hư hỏng tại công trình đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Tổng Công ty Xây dựng số 1 đã triển khai thực hiện và hoàn thành một số công việc theo hợp đồng đã ký kết. Tuy nhiên, vì các nguyên nhân khác nhau nên đến nay các bên chưa thể hoàn tất hợp đồng.

Để giải quyết ngập lụt trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, hầu như năm nào thành phố cũng phải chi tiền bù lún. Năm 2015, UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố chỉ định một tập đoàn tư nhân cải tạo đường theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT: xây dựng – chuyển giao). Dự án cải tạo gần 4km đường Nguyễn Hữu Cảnh này dự kiến tiêu tốn của ngân sách khoảng 526 tỷ đồng.

Cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh xuống cấp trầm trọng, đơn vị chức năng cho gia cố tạm thời, neo đỡ dầm ngang gối lên trụ bằng hệ thống dầm thép (ảnh Đình Thảo)
Cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh xuống cấp trầm trọng, đơn vị chức năng cho gia cố tạm thời, neo đỡ dầm ngang gối lên trụ bằng hệ thống dầm thép (ảnh Đình Thảo)

Riêng cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, sau hơn 13 năm đưa vào hoạt động đã xuống cấp, hư hỏng trầm trọng. Từ chỗ được khai thác với tải trọng 30 tấn, đến tháng 9/2016, xe ô tô tải có tổng tải trọng từ 1,5 tấn trở xuống mới được phép qua cầu. Sau đó, TPHCM phải bỏ ra gần 13 tỷ đồng để sửa chữa trong vòng 1 tháng.

Mới đây, UBND TPHCM tiếp tục báo cáo Chính phủ về hiện trạng đường Nguyễn Hữu Cảnh và cho biết cần phải tiếp tục thực hiện dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh theo hợp đồng “chìa khóa trao tay” vì đây là một trong những dự án cấp bách và có ý nghĩa quan trọng trong chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông của thành phố giai đoạn 2016-2020.

Bộ Xây dựng cũng thống nhất với kiến nghị của UBND TPHCM xin được tiếp tục triển khai thực hiện dự án theo hợp đồng “chìa khóa trao tay”.

Trước tính cấp bách của dự án, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao UBND TPHCM căn cứ các quy định của pháp luật để quyết định theo thẩm quyền việc tiếp tục giao nhà thầu thực hiện theo hợp đồng “chìa khóa trao tay” đã ký kết.

UBND TPHCM chịu trách nhiệm về phương án bố trí vốn thực hiện dự án, phù hợp với ngân sách của thành phố và theo quy định pháp luật về đầu tư công.

Quốc Anh