Nghệ An:
Sau mưa lũ, hàng chục hộ dân “chênh vênh” trên miệng Hà Bá
(Dân trí) - Kè sông Đào sạt lở đã "kéo" đường giao thông và một số công trình phụ của các hộ dân xuống nước. Hàng chục hộ dân đang sống thẩp thỏm trên miệng Hà Bá.
Mực nước sông Đào đoạn qua cống bara Nam Đàn (khối Sa Nam, thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn, Nghệ An) ngày 21/10 đã xuống ở mức thấp, tốc độ dòng chảy không còn mạnh như mấy ngày trước. Ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch UBND thị trấn Nam Đàn cho biết, hiện địa phương vẫn đang chờ nước rút hẳn để đánh giá mức độ thiệt hại do sạt lở hai bờ sông. “Đợt mưa lũ kéo dài từ ngày 14-17/10, hai bên bờ sông Đào có khoảng 20 hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở, trong đó có 5 hộ bị ảnh hưởng nặng, 4 hộ nằm trong diện phải di dời tái định cư”, ông Tuấn thông tin.
Đoạn đường bê tông đi qua nhà bà Nguyễn Thị Thanh và bà Đặng Thị Nhuần (khối Yên Khánh, thị trấn Nam Đàn) chỉ còn lớp mặt đường nhựa. Toàn bộ phần nền đường cùng bờ rào xây kiên cố và cổng bằng bê tông của gia đình bà Thanh đã bị cuốn xuống sông. Có đoạn nền đất dưới mặt đường đã bị “ăn” sâu hết chiều ngang của đường, sát vào sân nhà. Trước tình thế đó, hai hộ dân này phải dùng cột chống đỡ dưới nền đường, lót các tấm gỗ để đi lại, làm giảm tác động lên nền đường.
Một đoạn đường bê tông bị trôi hết đất nền, trơ lại mặt đường. Các hộ dân phải dùng cọc chống đỡ để giữ đường đi lại.
Bà Nguyễn Thị Thanh nói: “Hôm xảy ra mưa lớn, cả nhà phải đi sơ tán vào nhà hàng xóm ở phía trong. Đây là đất mượn (hình thành do quá trình nạo vét lòng sông – PV) nên mưa lớn, nước chảy xiết là bị kéo ụp xuống sông hết. Sống ở đây thấp thỏm như “trứng quảy đầu gánh”, không biết bị kéo xuống sông lúc nào”.
Mưa lũ cũng làm hư hỏng toàn bộ hệ thống đường ống dẫn nước sạch vào nhà bà Thanh, bà Nhuần. “Gần 1 tuần nay chưa có nước sạch trở lại nên chúng tôi phải đi xin về dùng. Nấu nướng thì được chứ xin về tắm giặt cũng phiền lắm. Ở đây cứ mưa xuống là sợ sạt lở, trôi nhà cửa, công trình phụ xuống sông. Chúng tôi mong được di dời tái định cư đến nơi khác để đảm bảo an toàn mỗi mùa mưa bão, có thế mới yên tâm sinh sống, làm ăn được”, bà Nhuần nói.
Trận mưa lũ vừa qua cũng khiến phần bờ kè cao đến hơn chục mét sau nhà ông Quách Văn Thọ (khối Sa Nam, thị trấn Nam Đàn) bị sạt lở, kéo theo chuồng gà 60 con của gia đình ông xuống dòng nước đục ngầu. Từ trên nền công trình phụ của gia đình ông Thọ nhìn xuống chỉ thấy 1 con dốc sâu hun hút với đất đá đỏ quạch. Trên bờ, một số thân cây lớn vẫn “trụ vững” khi nền đất đã bị kéo xuống sông, chỉ trơ ra những đoạn rễ đang trơ trọi không biết bám vào đâu.
“Lo lắm. Cứ mỗi mùa mưa lũ về là không dám ngủ, sợ nhà cửa bị trôi xuống sông mà người không kịp chạy. Mấy hôm trước mưa to, nước sông Đào dâng cao, chảy xiết, UBND xã cho người vào giúp vận chuyển đồ đạc đến nơi an toàn. Hết mưa, nước rút mới dám về ở. May bão số 7 không vào chứ vào chắc nhà cửa, tài sản trôi xuống sông hết rồi. Hết mưa, nắng lên rồi mà nước vẫn rỉ từ trên xuống sông, ngấm vào chỗ đất vừa mới sạt lở, không biết chuyện gì sẽ xảy ra”, ông Thọ lo lắng.
Nguyện vọng của các hộ dân là được di dời đến nơi an toàn hoặc khu vực bị sạt lở, có nguy cơ bị sạt lở được xây kè để không phải thấp thỏm lo sợ mỗi khi mùa mưa lũ về.
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch UBND thị trấn Nam Đàn cho hay: “Thời điểm xảy ra mưa lớn, chúng tôi huy động lực lượng, phương tiện tối đa hỗ trợ, di dời người dân khu vực có nguy cơ sạt lở hai bên sông Đào đến nơi an toàn. Thị trấn cũng đã có báo cáo gửi các cơ quan có thẩm quyền về việc có phương án đảm bảo an toàn lâu dài cho các hộ dân.
Hoặc là di dời đến nơi khác hoặc có phương án xây bờ kè hai bên sông Đào, vừa tránh sạt lở, không ảnh hưởng đến dòng chảy cung cấp nước tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp vừa đảm bảo an toàn cho các hộ dân. Cả hai phương án này đều đòi hỏi mức kinh phí rất lớn, vượt quá khả năng của địa phương, nên vẫn đang phải chờ ý kiến của cấp trên”.
Hoàng Lam