1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Tĩnh:

Quy hoạch cây xăng chồng lên khu nuôi tôm: Doanh nghiệp mạnh đến mức nào?

(Dân trí) - Dư luận thắc mắc, doanh nghiệp mạnh đến mức nào mà các cơ quan chức năng tại Hà Tĩnh lại duyệt quy hoạch cả cây xăng chồng lên mô hình nuôi trồng thủy sản đang là điểm sáng của cả huyện? Bất ngờ hơn, đây là doanh nghiệp dính nhiều bê bối, từng bị đình chỉ hoạt động khi ăn bớt đến 10% xăng dầu của khách hàng.

Cụ thể, vào đầu năm 2011 những người dân ở xã Phù Lưu hết sức bức xúc, nghi ngờ cây xăng dầu Cầu Trù (thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dũng Hường) đóng tại xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà) này bán xăng gian lận.

Cây xăng Cầu Trù ở xã Phù Lưu của Công ty TNHH Dũng Hường từng bị tạm đình chỉ vì gian lận trong kinh doanh xăng dầu
Cây xăng Cầu Trù ở xã Phù Lưu của Công ty TNHH Dũng Hường từng bị tạm đình chỉ vì gian lận trong kinh doanh xăng dầu

Sau khi liên tục nhận được phản ánh của người dân, các cơ quan chức năng đã bất ngờ kiểm tra.

Qua đó, đoàn phát hiện, cứ 100 lít xăng, dầu bán ra cho khách hàng, cây xăng trên ăn bớt từ 10-12 lít, tương đương trên 10%.

Ngoài rút ruột xăng dầu của khách hàng, cửa hàng xăng dầu này còn vi phạm nhiều quy định như: cự ly giữa các cột bơm xăng, dầu không đạt tiêu chuẩn, cây xăng gần với khu dân cư. Các tiêu chí bán hàng khác cũng vi phạm.

Lực lượng chức năng Hà Tĩnh sau đó đã lập biên bản, xử phạt hành chính và tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh của cây xăng dầu này.

Một lãnh đạo Sở Công Thương Hà Tĩnh cho biết, đây là lần thứ 2 doanh nghiệp này vi phạm, gian lận trong kinh doanh xăng dầu bị phát hiện.

Tiếp đến vào năm 2015, báo chí cũng đã nhiều lần phản ánh về cây xăng Cầu Trù (thuộc xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà) này nằm lọt thỏm giữa khu dân cư, thậm chí bồn xăng nằm cạnh móng nhà của một hộ dân thế nhưng đến bây giờ cây xăng này vẫn ngang nhiên hoạt động, không bị xử lý gì.

Anh Ân cũng như các hộ dân ở thôn An Lộc lo lắng nếu quy hoạch làm cây xăng chồng lên khu nuôi tôm thì các hoạt động nuôi tôm, làm muối sẽ phải dừng lại
Anh Ân cũng như các hộ dân ở thôn An Lộc lo lắng nếu quy hoạch làm cây xăng chồng lên khu nuôi tôm thì các hoạt động nuôi tôm, làm muối sẽ phải dừng lại

Điều khó hiểu là tại sao một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu từng có tiếng xấu về kinh doanh gian lận, trục lợi tiền của khách hàng lại được tỉnh Hà Tĩnh ưu ái như vậy.

Cụ thể, là mới đây UBND tỉnh Hà Tĩnh đã cấp phép cho đơn vị này làm cây xăng chồng lên khu nuôi trồng thủy sản- một mô hình được coi là điểm sáng của huyện Lộc Hà.

Việc làm này đã đẩy hàng chục người dân nuôi tôm và làm muối ở thôn An Lộc của xã Thạch Châu nguy cơ rơi vào cảnh trắng tay, phá sản.

Nhiều tháng nay, hàng chục người dân nơi đây đứng ngồi không yên, hoạt động sản xuất bị ngưng trệ gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Anh Trần Văn Ân, một thành viên của Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản Bình Định buồn bã nói: “Chính quyền đã thông báo cấm không cho chúng tôi thả giống mới để giải tỏa mặt bằng cho cây xăng mà bây giờ đã là chính vụ rồi. Nhiều hộ nuôi tôm sát dự án cũng lo lắng nên chưa dám thả giống mới”.

Cũng theo anh Ân, từ khi thực hiện dự án nuôi tôm này, các hộ dân và chính quyền đã đầu tư vào đây hàng chục tỷ đồng. Thế nhưng sắp đến giai đoạn thu hồi vốn thì tỉnh lại quy hoạch cho làm cây xăng.

“Tại sao từ một mô hình đang rất hiệu quả như vậy, mỗi năm lợi nhuận của 6 hộ dân nuôi tôm khoảng 10 tỷ đồng/năm, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 30 lao động mà giờ lại phải giải tỏa để phục vụ lợi ích cho 1 doanh nghiệp tư nhân? Trong khi ngay trên địa bàn xã, trên trục Tỉnh lộ 9 đã có mấy cây xăng lớn rồi”, anh Ân buồn bã nói.

Một khu nuôi tôm hiệu quả đang đứng trước nguy cơ phải dẹp bỏ để nhường cho một doanh nghiệp tư nhân làm cây xăng
Một khu nuôi tôm hiệu quả đang đứng trước nguy cơ phải dẹp bỏ để nhường cho một doanh nghiệp tư nhân làm cây xăng

Ông Nguyễn Đình Thiêm, Bí thư Chi bộ thôn An Lộc (xã Thạch Châu) cũng cho biết, mô hình nuôi tôm của Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản Bình Định này là một điểm sáng của huyện Lộc Hà.

“Đã có nhiều cuộc họp, tiếp xúc cử tri nhưng người dân chúng tôi không đồng ý. Cây xăng đó một năm may lắm thì thu về lợi nhuận được khoảng 1 tỷ đồng, trong khi riêng các hộ nuôi tôm này đã đưa về 10 đến 12 tỷ đồng/năm. Mà cây xăng chỉ giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 5 lao động, trong khi đó thì khu nuôi trồng thủy sản này giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục người dân”, ông Thiêm nói.

Khi nói về mô hình sản xuất tôm của Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản Bình Định này, chính quyền xã Thạch Châu, cũng như nhiều lãnh đạo huyện Lộc Hà đánh giá rất cao mô hình này về cách làm cũng như hiệu quả mà nó mang lại.

“Thời gian đầu để vận động được người dân ra đây đầu tư sản xuất rất khó khăn. Khi mô hình bắt đầu hiệu quả, đưa lại thu nhập cao cho người dân thì lại cho một doanh nghiệp làm cây xăng chồng lên khu nuôi tôm này. Vừa rồi xã đã có văn bản không đồng ý chủ trương làm cây xăng ở đây”, một lãnh đạo xã Thạch Châu cho biết.

Chính vì dám “chống” lệnh cấp trên này mà nhiều cán bộ, nhân viên xã Thạch Châu nguy cơ bị kỷ luật.

Ngoài việc dự án cây xăng sẽ khiến mô hình nuôi tôm cũng như làm muối sẽ bị phá sản, người dân sẽ trắng tay thì nhiều ý kiến cho rằng việc quy hoạch cây xăng như hiện tại là quá dày.

“Việc cấp phép như thế sẽ gây ảnh hưởng quá lớn đối với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh còn lại. Trước khi đầu tư người ta đã tính toán sẽ bán cho khách hàng, địa phương nào, giờ anh cứ thấy người ta xin là cấp phép thì những anh đầu tư trước sẽ đổ bể”, một lãnh đạo Sở Công Thương Hà Tĩnh cho hay.

Cũng theo vị này, nếu không cẩn thận trong việc quy hoạch, cấp phép các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, mà trường hợp cấp phép cho cây xăng Dũng Hường (chồng lấn đất thủy sản, nằm trong quy hoạch đô thị, không đảm bảo khoảng cách) sẽ dẫn tới nguy cơ loạn cây xăng như từng xảy ra ở nhiều nơi.

Xuân Sinh - Tiến Hiệp