1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ quy hoạch cây xăng chồng lên khu nuôi tôm:

Hết hất "nồi cơm" của người dân lại đến "phá" quy hoạch mạng lưới xăng dầu?

(Dân trí) - Việc quy hoạch cây xăng cho một doanh nghiệp tư nhân ngoài việc chồng lên mô hình nuôi trồng thủy sản đang là điểm sáng của cả huyện gây nhiều bức xúc cho người dân còn bị cho là quá dày, gây nguy cơ loạn cây xăng.

Bỏ lợi ích của hàng chục hộ dân để phục vụ 1 doanh nghiệp!

UBND tỉnh quy hoạch cây xăng chồng lên khu nuôi tôm của người dân ở xã Thạch Châu nhưng chính quyền và người dân không được biết
UBND tỉnh quy hoạch cây xăng chồng lên khu nuôi tôm của người dân ở xã Thạch Châu nhưng chính quyền và người dân không được biết

Đó là những thắc mắc chua chát, bất lực của hàng chục hộ dân nuôi tôm và làm muối ở thôn An Lộc, xã Thạch Châu khi UBND tỉnh Hà Tĩnh bất ngờ quy hoạch cây xăng chồng lên diện tích nuôi tôm.

Thời điểm này đã là chính vụ nhưng nhiều hồ tôm đang phải bỏ không vì dự án làm cây xăng này.

Anh Trần Văn Ân, một thành viên của Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản Bình Định buồn bã nói: “Chính quyền đã thông báo cấm không cho chúng tôi thả giống mới để giải tỏa mặt bằng cho cây xăng mà bây giờ đã là chính vụ rồi. Nhiều hộ nuôi tôm sát dự án cũng lo lắng nên chưa dám thả giống mới”.

Cũng theo anh Ân, từ khi thực hiện dự án nuôi tôm này, các hộ dân và chính quyền đã đầu tư vào đây hàng chục tỷ đồng. Thế nhưng sắp đến giai đoạn thu hồi vốn thì tỉnh lại quy hoạch cho làm cây xăng.

“Tôi đã phải vay ngân hàng hơn 5 tỷ đồng để đầu tư lại các hộ tôm, cũng như máy móc thiết bị, giờ mà phải giải tỏa để nhường cho cây xăng thì coi như trắng tay”.

“Tại sao từ một mô hình đang rất hiệu quả như vậy, mỗi năm lợi nhuận của 6 hộ dân nuôi tôm khoảng 10 tỷ đồng, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 30 lao động mà giờ lại phải giải tỏa để phục vụ lợi ích cho 1 doanh nghiệp tư nhân? Trong khi ngay trên địa bàn xã, trên trục Tỉnh lộ 9 đã có mấy cây xăng lớn rồi”, những thắc mắc, ấm ức của anh Ân cũng như những người dân nơi đây chẳng được các cấp chính quyền giải thích thỏa đáng.

Ông Nguyễn Đình Thiêm, Bí thư Chi bộ thôn An Lộc (xã Thạch Châu) cho biết: “Mô hình nuôi tôm này là một điểm sáng của huyện Lộc Hà. Giờ mà làm cây xăng thì 8ha nuôi tôm và 14ha làm muối của người dân bị ảnh hưởng”.

“Đã có nhiều cuộc họp, tiếp xúc cử tri nhưng người dân chúng tôi không đồng ý. Cây xăng đó một năm may lắm thì thu về lợi nhuận được khoảng 1 tỷ đồng, trong khi riêng các hộ nuôi tôm này đã đưa về 10 đến 12 tỷ đồng/năm. Mà cây xăng chỉ giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 5 lao động, trong khi đó thì khu nuôi trồng thủy sản này giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục người dân”, ông Thiêm nói.

Sẽ loạn cây xăng?

Văn bản của UBND xã Thạch Châu không đồng ý với chủ trương làm cây xăng dầu Dũng Hường
Văn bản của UBND xã Thạch Châu không đồng ý với chủ trương làm cây xăng dầu Dũng Hường

Theo một lãnh đạo huyện Lộc Hà thì từ trục Tỉnh lộ 9 xuống xã Thạch Kim dài khoảng 10km đã có đến 3 cây xăng lớn. Việc quy hoạch thêm cây xăng Dũng Hường là quá dày.

“Việc quy hoạch cây xăng như vậy là dày, chưa kể có nhiều vị trí khác phù hợp hơn để làm cây xăng này”, một lãnh đạo cho biết.

Cũng theo khảo sát của PV Dân trí, trên trục Tỉnh lộ 9 (từ xã Hộ Độ xuống xã Thạch Kim dài 10km) đã có 3 cây xăng. Và đặc biệt, tại xã Thạch Châu nơi quy hoạch thêm cây xăng dầu Dũng Hường chồng lên khu nuôi tôm này đã có một cây xăng. Và khoảng cách giữa 2 cây xăng này chưa đến 2km.

Ông Lê Hồng Cơ, Trưởng phòng KT-HT huyện Lộc Hà cho biết đang kiến nghị điều chỉnh lại diện tích cây xăng.

“Vừa rồi Sở KH-ĐT đã chủ trì họp, trước mắt sẽ điều chỉnh lại diện tích cây xăng nhưng vị trí vẫn nằm ở vị trí cũ. Khi nào các hộ hết thời gian hợp đồng nuôi tôm thì sẽ mở rộng diện tích cây xăng”, ông Cơ cho biết.

Còn về vấn đề dư luận cho rằng quy hoạch cây xăng quá dày thì ông Cơ cho biết là hiện nay chỉ mới có quy định khoảng cách giữa các cây xăng trên quốc lộ!

“Kinh doanh xăng dầu là nghề phục vụ ở nơi đông người. Tuyến huyện, Tỉnh lộ không có quy định về khoảng cách giữa các cây xăng, khoảng cách 10m cũng được miễn là thuận tiện cho người dân là được?!”, ông Cơ nói.

Tuy nhiên, trả lời của ông Cơ là không nắm được nội dung Quyết định số 2745/QĐ-UBND do Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ký ngày 30/9/2016 về việc phê duyệt quy hoạch bổ sung mạng lưới bán lẻ xăng dầu tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Theo nội dung quyết định này, khoảng cách giữa các cây xăng được duyệt đặt theo các quy định hiện hành, trong đó có quy định khoảng cách tối thiểu giữa 2 cây xăng cùng chiều và ngược chiều.

Quyết định số 2745/QĐ-UBND do Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ký ngày 30/9/2016 về việc phê duyệt quy hoạch bổ sung mạng lưới bán lẻ xăng dầu tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020
Quyết định số 2745/QĐ-UBND do Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ký ngày 30/9/2016 về việc phê duyệt quy hoạch bổ sung mạng lưới bán lẻ xăng dầu tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020

“Ông ấy trả lời như thế là không nắm rõ các quy định hiện nay về cấp phép hoạt động kinh doanh xăng dầu. Ngoài ra việc cấp phép như thế sẽ gây ảnh hưởng quá lớn đối với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh còn lại. Trước khi đầu tư người ta đã tính toán sẽ bán cho khách hàng, địa phương nào, giờ anh cứ thấy người ta xin là cấp phép thì những anh đầu tư trước sẽ đổ bể”, một lãnh đạo Sở Công thương Hà Tĩnh cho hay.

Cũng theo vị này, nếu không cẩn thận trong việc quy hoạch, cấp phép các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, mà trường hợp cấp phép cho cây xăng Dũng Hường (chồng lấn đất thủy sản, nằm trong quy hoạch đô thị, không đảm bảo khoảng cách) sẽ dẫn tới nguy cơ loạn cây xăng như từng xảy ra ở nhiều nơi.

Một điều kỳ lạ là việc điều chỉnh quy hoạch làm cây xăng chồng lên một phần diện tích đất của xã Thạch Châu nhưng đến khi doanh nghiệp triển khai dự án thì chính quyền địa phương cũng như người dân mới biết sự việc.

Trong Công văn số 06 ngày 04/05/2017 của UBND xã Thạch Châu gửi sở Kế hoạch và Đầu tư và UBND huyện Lộc Hà có nêu rõ “không đồng ý chủ trương đầu tư dự án xăng dầu Dũng Hường”.

Một trong những lý do không đồng ý, bởi việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng Cửa hàng xăng dầu trên diện tích đất UBND xã Thạch Châu quản lý nhưng địa phương chưa được tỉnh thông báo.

Bởi vì điều này mà cán bộ, nhân viên xã Thạch Châu có nguy cơ bị kỷ luật vì dám "chống" lệnh trên.

“Cả xã chúng tôi có nguy cơ bị kỷ luật vì chậm bàn giao mặt bằng cho dự án theo yêu cầu của tỉnh”, một cán bộ xã Thạch Châu cho biết.

Dân trí sẽ tiếp tục làm rõ sự việc này.

Xuân Sinh – Tiến Hiệp