Quảng Trị:
Những vườn chè cổ thụ trăm tuổi ở xứ đất đỏ
(Dân trí) - Xứ Cùa thuộc tỉnh Quảng Trị hiện còn nhiều vườn chè cổ thụ có tuổi thọ trung bình từ 70-100 năm, nhiều cây được trồng cách đây hơn 150 năm, gắn bó với cả đời người.
Cùa là vùng đất đỏ bazan gồm 2 xã Cam Nghĩa và Cam Chính, thuộc huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Thế mạnh của vùng đất này là cây cao su, hồ tiêu với diện tích lớn hàng chục ha, mang lại sự đổi thay trong đời sống của người dân. Tuy nhiên, trước đây khi cây công nghiệp chưa phát triển mạnh trên vùng đất này, cây chè xanh cũng là cây chủ lực, tạo ra nguồn thu đáng kể cho bà con. Chính vì vậy, nơi đây còn lưu lại nhiều vườn chè xanh rộng gần 1 ha, có nguồn gốc hàng trăm năm.
Theo các bậc cao niên, cây chè xuất hiện ở Cùa từ mấy trăm năm trước, đã có một thời gian dài, người dân ở đây trồng chè chủ yếu chỉ để làm thức uống hàng ngày hoặc làm quà biếu họ hàng, người thân mỗi khi về thăm quê. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do nhu cầu sử dụng chè của thị trường ngày một tăng, chè Cùa lại có vị đặc trưng nên các hộ gia đình tiếp tục nhân rộng diện tích. Đặc biệt, chè là loại cây ít bị sâu bệnh, chè có thể sống phân tán dưới bóng cây khác. Lá chè cho nước thơm ngon, đậm đà thường có màu xanh đậm và rất giòn.
Cụ Trương Vĩnh Ký (94 tuổi, thôn Trung Chỉ, xã Cam Chính) hiện vẫn còn giữ lại hơn 200 gốc chè trong vườn. Nhờ có vườn chè này mà cụ có thêm nguồn thu nhập để sống lúc về già. Cụ Ký cho biết, vườn chè của cụ đã gắn liền với nhiều thế hệ. Khi cụ Ký được sinh ra thì cây chè đã được cha cụ trồng được hàng chục năm. Cây chè có tuổi thọ lớn hơn cả tuổi cụ.
“Trồng chè không tốn công chăm sóc hay bón phân gì cả. Mình chỉ làm vệ sinh gốc cây hoặc tỉa cành. Khi lá chè xanh tốt thì mới cắt lá đem bán, còn thân thì vẫn tồn tại từ đời này sang đời khác. Những năm trước tôi cũng phá bỏ một số cây để trồng hồ tiêu nhưng cũng thấy tiếc nên để vậy”, ông Ký nói.
Với một số hộ dân khác, dù cây chè không mang lại giá trị kinh tế cao, nhưng do đây là tài sản của thế hệ trước để lại nên họ vẫn quyết tâm giữ nguyên vẹn đến hôm nay. Ông Lê Quang Khai, 77 tuổi, hiện sở hữu khoảng 300 gốc chè xanh có tuổi thọ khoảng 80-100 năm. Ông Khai cho hay: Hầu hết các cây trong vườn là do bố ông trồng lúc còn sống và được ông giữ đến hôm nay.
Gốc chè lâu năm phủ rêu phong
Cây chè vươn cao tỏa bóng
Những cây chè có chiều cao hơn chục mét, đường kính gốc từ 20-30 cm, với vẻ ngoài sần sùi, rêu rong bám xung quanh đã phần nào nói lên tuổi thọ của cây. Ông Khai cho biết: “Dù có nhiều người hỏi mua cây với giá gần chục triệu đồng nhưng tui không bán. Đến kỳ thu hoạch chỉ bán lá, cành cho các thương lái. Bán hết cả vườn cũng được 15-20 triệu đồng. Cây chè đã tồn tại, gắn bó với mình cả đời người rồi, nay bán đi cũng tiếc lắm. Hơn nữa, vợ chồng tui già cả rồi nên cứ để vậy”.
Anh Nguyễn Ngọc Ký, thôn Mai Lộc cũng sở hữu vườn chè cổ thụ mà anh cho rằng cây có nguồn gốc cách đây gần 200 năm. Anh cho hay, thời gian qua, đã có rất nhiều người tìm đến tận vườn chè hỏi mua với giá gần chục triệu đồng/gốc nhưng anh quyết tâm giữ lại tài sản “cha truyền” của gia đình, để dành cho con cháu đời sau.
Hiện nay, vườn chè cổ này là nguồn thu nhập chính cho cả gia đình anh Ký. Trung bình mỗi năm anh thu hoạch được hai vụ chè chính, đó là vào tháng 4 và tháng 9, thu 20-30 triệu đồng.
Trong những năm chiến tranh, vùng Cùa cũng là địa phương hứng chịu nhiều bom đạn, chất độc do quân đội Mỹ rải xuống. Tất cả các loại cây đều bị giết chết, duy chỉ có cây chè vẫn tồn tại, xanh tốt đến ngày nay.
Những cây chè cổ thụ có giá tiền triệu được ông Khai chăm sóc bấy lâu nay
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, cán bộ địa chính, nông nghiệp xã Cam Chính cho biết, hiện toàn xã có khoảng 10 hộ còn lưu giữ lại các vườn chè cổ thụ như thế. Những vườn chè này có nguồn gốc hàng trăm năm. Sản phẩm chè xanh của địa phương cũng được nhiều nơi biết đến và lựa chọn vì có vị rất đặc trưng. Khi đến kỳ thu hoạch, các thương lái từ các nơi đến mua tận vườn rồi đi bán ở các chợ. Trung bình mỗi kg chè xanh cũng bán được 6.000-7.000 đồng. Dù giá trị kinh tế của cây chè mang lại không cao so với các cây khác, song nhiều hộ vẫn trân trọng công sức của thế hệ trước để lại và giữ đến ngày nay.
“Cây chè không nằm trong cơ cấu giống cây kinh tế chủ lực của địa phương, nhưng do văn hoá và truyền thống, nên hiện có 30 hộ dân vẫn trồng chè chuyên canh, diện tích từ 1.000-1.500 m2 mỗi hộ”, bà Hạnh nói.
Đăng Đức