1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Những lá thư nối dài yêu thương của người lính trận

(Dân trí) - Những phút giây bình yên hiếm hoi giữa trận chiến, những phút dừng chân trên đường hành quân, người lính trẻ Nguyễn Văn Thiềng tranh thủ biên ít dòng gửi về cho người yêu. Những bức thư ấy được bà chép vào cuốn nhật ký – điểm tựa để bà kiên tâm chờ đợi người lính trận trở về.

Người cựu binh Nguyễn Văn Thiềng và vợ bên những bức thư được bà Hồ Thị Thắng chép vào cuốn nhật kí cách đây hơn 40 năm.
Người cựu binh Nguyễn Văn Thiềng và vợ bên những bức thư được bà Hồ Thị Thắng chép vào cuốn nhật kí cách đây hơn 40 năm.

“Rồi đây tình cảm chúng ta sẽ gặp phải nhiều khó khăn song chúng ta cần phải vượt qua thước đo lòng người là từ chỗ đó. Để rồi đây, tình chung thủy chúng ta được trong trắng, tình yêu chúng ta được trọn vẹn… Anh đã đặt mạnh niềm tin tưởng đó ở em và gửi gắm vào em bao tình cảm của đời anh”. Đó là những dòng thư của người lính Nguyễn Văn Thiềng gửi yêu quê ở quê nhà - cô thôn nữ Hồ Thị Thắng.

Những lá thư người yêu gửi về từ chiến trường sợ bị mất mát, thất lạc, bà Thắng đã chép lại vào cuốn sổ - phần thưởng mà người yêu bà nhận được trong quá trình chiến đấu, gửi về quê tặng. Cuốn nhật ký đã ố vàng nhưng tình cảm thiết tha sôi nổi, sự tin tưởng vẫn luôn tươi mới như ngày hôm qua. Để rồi, qua nhiều biến cố thăng trầm, qua nhiều mất mát chiến tranh và những khó khăn của cuộc sống, cô thôn nữ ấy vẫn một lòng một dạ với tình yêu của mình. Giờ đây, bà là vợ, là đôi mắt, là đôi bàn tay, là từng bước đi của ông – người lính đã để lại đôi mắt ở chiến trường.

18 tuổi, vừa nhận được giấy báo vào Trường ĐH Tổng hợp khoa Văn, anh thanh niên Nguyễn Văn Thiềng (SN 1949, trú xã Quỳnh Châu, Quỳnh Lưu) quyết định xếp bút nghiên lên đường tòng quân đánh giặc. Năm 1969, anh lính đặc công Nguyễn Văn Thiềng (Tiểu đoàn 31, QK 4) trực tiếp tham gia chiến đấu ở mặt trận Bình – Trị - Thiên. Năm 1971, Nguyễn Văn Thiềng được điều ra Bắc tiếp tục huấn luyện trước khi vào chiến trường Tây Nam Bộ.

Với bà Thắng, những lá thư gửi từ chiến trường của người yêu giúp bà vững tin vào tình yêu đôi lứa, vào thắng lợi cuối cùng cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc
Với bà Thắng, những lá thư gửi từ chiến trường của người yêu giúp bà vững tin vào tình yêu đôi lứa, vào thắng lợi cuối cùng cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc

Trong thời gian này, Nguyễn Văn Thiềng quen biết cô thôn nữ Hồ Thị Thắng (SN 1953) cùng quê ở xã Quỳnh Châu. Thời gian ngắn ngủi cũng kịp để đôi trẻ bén duyên, hai gia đình cũng đồng ý đi lại. Sau khóa huấn luyện, Nguyễn Văn Thiềng vào chiến trường Tây Nam Bộ cùng với lời hẹn ước: hòa bình sẽ làm đám cưới.

“Anh ấy đi đến mô cũng viết thư về. Hồi năm 1971, tập bắn súng được 27 điểm, thủ trưởng đơn vị tặng cho quyển sổ tay, anh ấy lại gửi về tặng cho tôi. Những bức thư anh ấy gửi về, sợ bị thất lạc, tôi đều chép hết vào đây. Vừa chép thư người yêu, tôi vừa viết nhật ký để tâm sự với chính mình về tình yêu của chúng tôi, về ngày thống nhất non sông, anh ấy sẽ về”, bà Thắng chia sẻ.

Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại cuốn lớp lớp thanh niên lên đường. Cô thôn nữ Hồ Thị Thắng cũng xung phong đi dân công hỏa tuyến ở Quảng Trị. Bên cạnh nhiệm vụ đối với Tổ quốc, Hồ Thị Thắng mang theo mong ước được gặp lại người yêu trên đường ra trận nhưng ông Thiềng đã vào Nam chiến đấu.

Tình yêu và sự tin tưởng của họ đối với nhau, niềm tin về thắng lợi của cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc được nuôi dưỡng và nối dài bằng những bức thư. Những bức thư rất ngắn được anh Thiềng viết sau mỗi trận đánh, trong những lần nghỉ trên đường hành quân luôn chứa chan tình yêu và sự lạc quan, tin tưởng.

Cô dân công hỏa tuyến Hồ Thị Thắng cũng thầm nhủ trong những trang nhật ký: “Em vẫn nhớ anh, nhưng vui thật nhiều cho anh vừa lòng, và em ngoan mãi, cho chúng ta thương nhiều nghe anh. Em hứa với anh, hoa còn gặp bướm trao tình, cô gái này mãi yêu anh. Đóa hoa trắng đợi chờ anh”.

Những trang giấy úa màu thời gian nhưng những dòng chữ vẫn dạt dào yêu thương, tin tưởng
Những trang giấy úa màu thời gian nhưng những dòng chữ vẫn dạt dào yêu thương, tin tưởng

Nhưng rồi, những lá thư bỗng nhiên ngưng bặt. Một nỗi dự cảm mơ hồ ập đến… “Người ta bảo anh ấy bị địch bắt rồi hi sinh nhưng chưa có giấy báo của đơn vị nên tôi không tin, tôi vẫn chờ”, bà Thắng kể.

“Năm 1972, trong một trận đánh vào căn cứ địch ở Hiệp Hòa (Long An) tôi bị thương nặng vào đầu, mắt dính hơi cay, không kịp rút quân cùng đồng đội và bị địch bắt. Thời gian là tù binh trong tay giặc, bị tra tấn, đánh đập chết đi sống lại để khai thác thông tin nhưng không được, chúng nhốt tôi vào phòng biệt giam ở xà lim Hố Nai, Biên Hòa”, ông Nguyễn Văn Thiềng kể.

Năm 1973, sau khi hiệp định Pari được ký kết, ông Thiềng được thả theo diện trao trả tù binh với sức khỏe bị tổn hại 95%, đôi mắt mù hẳn. Hơn 1 năm chờ đợi, bà Thắng nhận được tin báo, ông Thiềng được chuyển ra Bắc điều dưỡng. Bà Thắng nhảy xe khách đi tìm. Tìm hết các bệnh viện vẫn không tìm thấy người nào tên Thiềng đang điều trị ở đấy.

“Nói thật, lúc đó tôi cũng buồn lắm, nhớ nhà, nhớ quê, nhớ người yêu nhưng đôi mắt mù lòa, tương lai chẳng biết đi về đâu. Thế nên tôi không dám viết thư về nhà. Mãi đến khi có người báo tin gia đình ở quê vẫn an toàn, người yêu đang đợi… tôi vừa mừng, vừa tủi, cứ thế mà khóc”, ông Thiềng kể.

Ông Thiềng nhờ người viết thư về nhà. “Em đi lấy người khác đi. Anh biết em thương anh, đợi chờ anh đến giờ dù biết anh thương tật, nhưng đừng lấy anh mà khổ cả đời…”, ông cố cứng cỏi dù trong lòng đang nổi bão giông.

Vợ chồng ông Thiềng và niềm vui quây quần bên con cháu
Vợ chồng ông Thiềng và niềm vui quây quần bên con cháu

Bà Thắng lại rơm rớm nước mắt: “Anh khuyên tôi đi lấy người khác, đừng phí hoài tuổi xuân vì anh. Yêu nhau, hẹn ước với nhau, giờ anh đi làm nhiệm vụ bị thương thì mình chăm sóc, bỏ làm sao được”. Bà kiên trì thuyết phục, nguyện làm đôi mắt cho công suốt quãng đời còn lại. Tháng 8/1975, hai người chính thức về chung một nhà, dẫu bao nhiêu khó khăn đang bủa vây.

Cưới xong, ông Thiềng trở lại viện điều dưỡng, bà ở quê một tay chăm sóc, lo toan công việc 2 bên gia đình. Lại xa cách biền biệt, bà quần quật làm lụng, thay chồng nuôi các con khôn lớn.

Năm 1991, ông Thiềng được chuyển về Trung tâm điều dưỡng tâm thần kinh thương binh Nghệ An. Trước tình cảnh 5 đứa con thơ dại, một mình vợ lo toan, không đành lòng, ông xin về nhà. Đôi mắt mù lòa, vết thương trong cơ thể mỗi khi trái gió trở trời lại hành hạ, điều duy nhất ông có thể giúp vợ là động viên tinh thần bà bằng những vần thơ mộc mạc chân tình. Bà cũng chẳng bao giờ nề hà hay tủi phận, vẫn lặng lẽ với bổn phận làm vợ, làm mẹ của mình.

Thỉnh thoảng, bà lại giở cuốn nhật ký, đọc lại cho chồng những dòng thư hơn 40 năm về trước. Ông tặng bà một bản trường ca 300 câu thơ “Đường trường nghìn dặm con đi” bởi trong mỗi chặng đường đời của ông, luôn có bà bên cạnh. Hạnh phúc với họ giản dị như thế…

Hoàng Lam