Những điều chưa biết về chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump tới Việt Nam

(Dân trí) - Năm 2017, Tổng thống Donald Trump tới Việt Nam trong một chuyến đi dài ngày nhất trong lịch sử các chuyến thăm nước ngoài của Tổng thống Mỹ suốt hơn 1/4 thế kỷ. Ông Trump đã có 2 điểm dừng chân tại Việt Nam là Hà Nội và Đà Nẵng, điều mà ngay cả nhiều quan chức Mỹ cũng không dám tin là thực hiện được.

Nói về chuyến thăm đặc biệt của vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ tới Việt Nam năm 2017, ông Phạm Quang Vinh - Đại sứ Việt Nam tại Mỹ - đã chia sẻ và hé lộ về những những quyết định lịch sử, điều chưa từng biết về chuyến thăm này.

- Phóng viên: Đại sứ vui lòng chia sẻ về quá trình chuẩn bị của Đại sứ quán cho chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Donald Trump và những dấu ấn đặc biệt đối với Đại sứ?

- Đại sứ Phạm Quang Vinh: Nên nhìn lại cả quá trình cả năm, kể từ sau khi Tổng thống Trump đắc cử tháng 11/2016. Đó là nỗ lực của cả hai bên. Từ cuộc điện đàm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tháng 12/2016, rồi hai chuyến thăm cấp cao và các cuộc trao đổi giữa lãnh đạo hai bên trong 2017.

Chúng ta đã rất chủ động trong năm APEC Việt Nam, trong đó có trao đổi với phía Mỹ. Qua đó, hai bên đã tiếp cận, thể hiện coi trọng và mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ và mở rộng hợp tác trong bối cảnh Chính quyền mới ở Mỹ, kể cả có cách tiếp cận phù hợp với những điều chỉnh mới và những vấn đề nảy sinh, trên cơ sở cùng nhìn nhận lợi ích của cả hai phía.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam năm 2017 (ảnh: AP)
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam năm 2017 (ảnh: AP)

Đại sứ quán đã chủ động nắm tình hình, kịp thời tham mưu và có những kiến nghị phù hợp trong quá trình này. Riêng về chuyến thăm, điều lớn nhất có lẽ là có được sự nhất trí về việc Tổng thống Trump đi cả Hà Nội và Đà Nẵng để vừa thăm song phương vừa dự Cấp cao APEC, trong một chuyến đi 5 nước khu vực, dài ngày nhất trong lịch sử các chuyến thăm nước ngoài của Tổng thống Mỹ trong hơn 1/4 thế kỷ. Ngay cả nhiều quan chức phía Mỹ cũng không dám tin là thực hiện được.

Thực sự, đó là quá trình phải trao đổi thường xuyên, vận động trúng, kiên trì và nhấn mạnh được lợi ích của cả hai bên.

- Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Việt Nam đã để lại ấn tượng sâu sắc với người dân Việt Nam. Xin Đại sứ cho biết nhận định của mình về ý nghĩa chuyến thăm trong quan hệ hai nước?

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo đầu tiên của Đông Nam Á thăm Mỹ khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống. Tổng thống Trump cũng chọn Việt Nam là nước Đông Nam Á đầu tiên thăm và là Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam ngay trong năm đầu nhiệm kỳ.

Phía Mỹ cho biết, trong chuyến thăm 5 nước châu Á lần này, Việt Nam là nước Tổng thống Trump dành thời gian thăm lâu nhất và duy nhất đi hai nơi, Hà Nội và Đà Nẵng, chọn Việt Nam để công bố chiến lược mới với khu vực.

Tổng thống Trump cũng có ấn tượng rất tốt đẹp về chuyến đi Việt Nam tháng 11/2017 và đã trả lời phỏng vấn, đăng trên mạng Twitter của mình như sau: “Tôi đã có chuyến thăm tuyệt vời tới Việt Nam và có những ngày quan trọng đầy ắp sự kiện và các cuộc hội đàm cùng với lãnh đạo cấp cao Việt Nam”.

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch nước Trần Đại Quang (ảnh: Reuters)
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch nước Trần Đại Quang (ảnh: Reuters)

Đó là những kết quả thực sự ý nghĩa. Nhưng cũng phải thấy rằng, vẫn còn nhiều việc đang đặt ra và phải giải quyết, nhất là trong bối cảnh Chính quyền mới ở Mỹ đã và đang tiếp tục điều chỉnh các chính sách và quan hệ với các nước, theo hướng đặt lợi ích Mỹ lên trên hết, nhất là về kinh tế, thương mại, giành lại công ăn việc làm, xử lý thâm hụt thương mại. Theo đó, cần bàn bạc, xử lý theo hướng công bằng, hai bên cùng có lợi, trên cơ sở thúc đẩy các lợi ích song trùng và với nỗ lực của cả hai phía.

- Trong bài phát biểu tại Đà Nẵng khi tham dự Tuần lễ cấp cao APEC Việt Nam ngày 10/11/2017, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra khái niệm “Indo-Pacific” (tức là khu vực liên Ấn Độ - Thái Bình Dương). Đại sứ có thể làm rõ khái niệm này cũng như tầm quan trọng của khu vực trong chính sách đối ngoại Mỹ?

Tổng thống Trump lần đầu tiên công bố tầm nhìn khu vực “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp (CEO Summit) APEC tại Đà Nẵng tháng 11/2017, và tiếp tục được phía Mỹ nhắc lại trong các dịp sau đó. Điều này cho thấy Mỹ tiếp tục coi trọng quan hệ với khu vực và cùng các nước phấn đấu vì một khu vực hòa bình và thịnh vượng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là khái niệm rất chung, còn nhiều điều cần được cụ thể hóa và làm rõ thêm, như việc gắn kết với các tiến trình hiện có trong khu vực và ASEAN, hay việc gắn kết với khu vực về kinh tế, thương mại khi Mỹ đã rút khỏi TPP sẽ như thế nào.

Các nước cho rằng cần theo dõi thêm. Sơ bộ, theo phía Mỹ, có một số điểm đáng chú ý sau: Là khu vực rộng lớn về địa lý, nối hai bờ Thái Bình Dương và với Ấn Độ Dương, có tầm quan trọng về chiến lược và kinh tế phát triển năng động; Mỹ khẳng định gắn kết và quan hệ lâu dài với khu vực, cùng phấn đấu vì một Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương tự do, rộng mở, hòa bình và thịnh vượng; nhấn mạnh nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có tự do hàng hải, hàng không, giao thương trên biển; thúc đẩy thương mại tự do nhưng phải cùng có lợi; sẵn sàng cùng World Bank và ADB thúc đẩy phát triển hạ tầng chất lượng cao phục vụ phát triển trong khu vực.

- Nhân dịp Tết đến Xuân về, Đại sứ có thông điệp gì gửi đến người dân hai nước?

Năm 2017, hai nước đã làm được nhiều việc và hai bên có lợi ích để thúc đẩy hơn nữa quan hệ. Nhưng cũng cần phải thấy rằng, Mỹ hiện nay đã và đang có những điều chỉnh rất khác. Do đó, cần luôn chú ý, có cách tiếp cận và xử lý phù hợp, nhất là với các vấn đề nảy sinh, để tiếp tục phát huy đà quan hệ, vì lợi ích của cả hai bên.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh

Nước ta, dân tộc ta có vị trí rất được trân trọng. Chính sách đối ngoại, công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của ta được các nước đánh giá cao. Đây là điều mà mỗi người làm đối ngoại, cũng như trong quan hệ Việt – Mỹ đều cần nhận thức sâu sắc và phát huy.

- Xin cảm ơn Đại sứ và chúc Đại sứ cùng toàn thể gia đình năm mới an khang - thịnh vượng!

Châu Như Quỳnh (ghi)