1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nhận tiền đền bù từ Formosa sẽ nâng cấp tàu thuyền để vươn khơi

(Dân trí) - Sau sự cố môi trường biển do Công ty Formosa gây ra, rất nhiều ngư dân tại Quảng Bình đã lựa chọn phương án nâng cấp tàu cá để vươn khơi đánh bắt, đồng thời họ cũng đang mong ngóng từng ngày để được nhận tiền bồi thường thiệt hại.

Video: Ngư dân Quảng Bình mong muốn sớm nhận tiền đền bù để nâng cấp tàu cá

Là một xã thuần ngư của huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình với hơn 70% người dân sống bằng nghề biển và là địa phường có số lượng tàu thuyền nhiều nhất tỉnh Quảng Bình, nhưng do sự cố môi trường, nhiều tháng qua, Cảnh Dương lâm cảnh ngư dân neo thuyền, treo lưới.

Để tiếp tục bám biển mưu sinh, rất nhiều ngư dân đã lựa chọn phương án nâng cấp, đóng mới tàu cá với công suất lớn để có thể đánh bắt xa bờ, với họ đây là biện pháp hữu hiệu nhất trong thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, việc đóng mới hay nâng cấp tàu cá mất chi phí rất lớn, để nâng cấp máy cũng phải hết trên 500 triệu đồng, chưa kể muốn đóng mới tàu phải mất đến vài tỷ đồng. Trước những khó khăn chồng chất, ngư dân Cảnh Dương đang từng ngày trông ngóng vào số tiền đền bù thiệt hại cũng như những chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Anh Lê Văn Huệ (SN 1969), một ngư dân tại xã Cảnh Dương cho biết, đã nhiều tháng nay, tàu anh phải neo ở cảng không thể ra khơi. “Tui có một tàu cá công suất 60 CV, với tàu này thì chỉ hoạt động gần bờ thôi, những năm trước cũng kiếm được thu nhập. Nhưng giờ đi lộng chẳng có cá, mấy tháng không ra khơi được, ở nhà chẳng có việc gì làm. Vừa qua gia đình tui cũng cố vay mượn, mua một tàu cá công suất trên 400 CV để đánh bắt xa bờ, quyết bám biển mà kiếm sống thôi chứ không biết làm nghề gì khác nữa”, anh Huệ chia sẻ.

Anh Trần Anh Tuấn đã quyết định nâng cấp tàu cá của mình lên 430CV để có thể đánh bắt xa bờ
Anh Trần Anh Tuấn đã quyết định nâng cấp tàu cá của mình lên 430CV để có thể đánh bắt xa bờ

Cũng như anh Huệ, gia đình ngư dân Trần Anh Tuấn (SN 1978), tại thôn Trung Vũ, xã Cảnh Dương, chủ một tàu cá có công suất 120 CV cũng đã quyết định nâng cấp con tàu của mình lên 430 CV để có thể ra khơi đánh dài ngày, để làm được việc này, gia đình anh đã phải vay mượn hơn 500 triệu đồng. Như những năm trước, mỗi tháng tàu của anh Tuấn ra khơi 2 lần, trừ mọi chi phí cũng thu được gần 50 triệu, các lao động trên tàu của anh cũng có thu nhập trên 10 triệu. Thế nhưng từ tháng 3 đến nay, tàu của gia đình anh phải nằm bờ, chủ tàu và các lao động đều không có việc làm.

“Như mọi năm thì tui với mấy anh em lao động trên tàu đều có thu nhập khá, mùa biển lặng chúng tôi đánh bắt trong khoảng 30 đến 40 hải lý, lúc biển động chúng tôi về đánh gần bờ. Thế nhưng, giờ gần bờ không có cá nữa, buộc phải ra khơi thôi. Mà muốn ra xa bờ thì phải nâng cấp tàu để đi biển được an toàn hơn”, anh Tuấn cho biết.

Xã Cảnh Dương hiện có khoảng 400 tàu cá loại dưới 90 CV, trong đó có khoảng 120 chiếc đánh bắt trong khoảng 20 hải lý. Với việc không thể đánh bắt gần bờ khiến nhu cầu nâng cấp công suất tàu cá lên để ra khơi tại xã biển Cảnh Dương tăng đột biến, đây có lẽ là phương án mà nhiều ngư dân lựa chọn trong thời kỳ “biển khó” như hiện nay.

Những tháng gần đây, ông Cao Xuân Đố (SN 1962), chủ một doanh nghiệp sửa chữa tàu đã nhận nâng cấp rất nhiều tàu cá của ngư dân tại Cảnh Dương. Ông Đố cho biết chưa bao giờ cơ sở của ông lại nhận được nhiều hợp đồng nâng cấp tàu đến thế, chỉ trong vòng 3 tháng, cơ sở này đã nhận sửa chữa, nâng cấp máy cho gần 100 tàu cá.

“Những năm trước cũng có nhiều ngư dân nâng cấp máy hoặc sửa chữa, bảo dưỡng máy nhưng 1 tháng chỉ được 5 đến 7 chiếc, những tháng qua chúng tôi đã hoạt động hết công suất mà cũng không kịp, phần lớn các chủ tàu nâng cấp công suất lên trên 90 CV, nhiều nhất là từ 400 đến 650 CV, ngoài ra họ còn tu sửa, gia công lại thân tàu để có thể đẩy biển xa”, ông Đố nói.

Nâng cấp công suất tàu để đẩy biển xa là lựa chọn của nhiều ngư dân
Nâng cấp công suất tàu để đẩy biển xa là lựa chọn của nhiều ngư dân

Việc đẩy biển xa chính là giải pháp mà rất nhiều ngư dân lựa chọn, tuy nhiên khó khăn nhất với họ là việc nâng cấp, làm mới tàu mất chi phí rất lớn. Do vậy các ngư dân đều bày tỏ mong muốn các cấp, chính quyền có thể nhanh chóng giải ngân, giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại để họ có chi phí thực hiện sớm việc nâng cấp tàu. Đồng thời các ngư dân cũng mong muốn, Nhà nước sẽ có những chính sách hỗ trợ vay vốn để họ có nguồn kinh phí thực hiện công việc sửa chữa hay đóng mới tàu cá, phục vụ việc vươn khơi đánh bắt.

Tại Quảng Bình, công tác đền bù thiệt hại cho người dân chịu ảnh hưởng do sự cố môi trường biển dự kiến sẽ hoàn thành đợt một vào cuối tháng 11 năm nay. Theo đó, người dân sẽ nhận được nhận trước 50% tiền đền bù. Tuy nhiên với định mức đền bù được áp dụng, nhiều ngư dân cho rằng, cần có sự điều chỉnh hợp lý để đảm bảo quyền lợi cho bà con, vì những lao động hoạt động trên tàu cá có công suất dưới 90CV có mức đền bù lớn hơn nhiều so với các lao động hoạt động trên tàu cá có công suất trên 90CV.

Rất nhiều ngư dân mong muốn sớm nhận được tiền đền bù để có chi phí sữa chữa tàu, nâng cấp ngư cụ
Rất nhiều ngư dân mong muốn sớm nhận được tiền đền bù để có chi phí sữa chữa tàu, nâng cấp ngư cụ

Theo khảo sát của phóng viên, hầu hết các ngư dân, chủ tàu có công suất dưới 90 CV hài lòng với mức đền bù thiệt hại, họ chỉ mong muốn được nhanh chóng nhận tiền bồi thường để tu sửa ngư cụ, nâng cấp thêm máy để sớm ra khơi trở lại.

“Với mức đền bù cho tàu cá và lao động trên tàu dưới 90 CV như chúng tôi thì cũng đã thỏa đáng, tuy nhiên hiện nay chúng tôi mong muốn Chính phủ, các cấp ban ngành có thể giải ngân sớm nhất, chi trả đền bù, ngoài ra cũng có thể hỗ trợ những tàu cá công suất thấp để nâng cấp, đánh bắt xa bờ”, ngư dân Phạm Duy Thanh (SN 1968) bày tỏ.

Còn đối với các tàu cá trên 90 CV, nhiều chủ tàu và lao động lại cho rằng, mức đền bù cho họ còn thấp, ngoài ra việc thiệt hại của lao động trên tàu có công suất trên 90 CV được tính chúng trong thiệt hại của mỗi tàu cũng làm các chủ tàu khó xử.

Với chiếc tàu cá trên 90 CV, gia đình chị Nguyễn Thị Hiền (SN 1981) được nhận số tiền đền bù là hơn 54 triệu đồng, bao gồm cả thiệt hại cho lao động trên tàu.

“Tàu của gia đình tui có công suất 90 CV nên được áp giá công suất từ 90 đến 250 CV, với số tiền hơn 18 triệu đồng/tháng, ngoài ra không có thêm tiền đền bù cho lao động như các tàu dưới 90 CV. Chính vì thế nếu tính cả tiền cho lao động thì mức đền bù này thấp quá. Các lao động tàu nhỏ thấp nhất cũng được hơn 3,5 triệu, nếu chúng tôi chi trả cho các lao động tàu mình mức đó thì cũng hết cả 100 triệu, trong khi tàu chỉ nhận được 109 triệu trong 6 tháng”, chị Hiền phân trần.

Các chủ tàu trên 90 CV chưa hài lòng với mức đền bù hiện tại
Các chủ tàu trên 90 CV chưa hài lòng với mức đền bù hiện tại

Chung ý kiến với chị Hiền, anh Nguyễn Trung Nghĩa (SN 1971), chủ một tàu cá có công suất 230 CV tại xã Cảnh Dương cũng cho rằng, giá đền bù này còn thấp.

“Biết là chúng tôi chỉ được hỗ trợ theo diện thiệt hại do giá cả, tuy nhiên việc chúng tôi không ra khơi hoặc nhiều chuyến đi về không có lãi thì cũng chẳng khác gì các tàu nhỏ nằm bờ. Ngoài ra nhiều tàu chỉ có công suất đúng 90 CV hoặc công suất cao hơn một tý, hoạt động chung với các tàu 50 đến 90 CV, nhưng lại nhận được tiền đền bù thấp hơn rất nhiều”, anh Nghĩa cho hay.

Được biết, sau sự cố môi trường biển, tổng thiệt hại của tỉnh Quảng Bình theo định mức ban hành tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là hơn 2.138 tỷ đồng. Trong đó số tàu thuyền là gàn 7.600 chiếc, lao động trên tàu không lắp máy và lắp máy dưới 90 CV là gần 14.400 người, gần 1.600 ha nuôi trồng thủy sản và gần 77 ha muối bị thiệt hại. Ngoài ra còn ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến hơn 36.000 lao động.

Bài, ảnh: Tiến Thành – Đặng Tài