1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Mong tạo nên cây cầu kỷ lục để có nhiều điều kể về nghề”

Đó là chia sẻ của người công nhân trẻ trên công trường thi công cầu Vũ Yên I tại Thuỷ Nguyên, Hải Phòng một ngày cuối năm, cận Tết. Cây cầu được mong chờ hoàn thành để nối những bờ vui xuân này sẽ tạo nên một kỷ lục mới trong ngành với thời gian thi công chỉ 127 ngày…

"Thế trận" trên sông

Tờ mờ sáng, cả khúc sông Ruột Lợn cạnh khu công nghệ cao VSIP Hải Phòng sáng rực đèn. Những chiếc sà lan siêu trọng hối hả thay phiên nhau cập bờ. Mỗi sà lan mang 5 phiến dầm lớn, mỗi phiến nặng 79 tấn, lần lượt được đưa lên đà, chuyển lên bờ đông dòng sông, phía đảo Vũ Yên.

Lòng sông Ruột Lợn lèn kín những khối, ụ được “bày binh bố trận”. Phía hạ lưu, trên một con tàu lớn là trạm trộn bê tông khủng với hệ thống ống, vòi bơm dẫn toả về 2 trụ mũ dựng giữa dòng sông. Xung quanh 2 mố cầu chính này, hệ thống cẩu, máy công trình… đều được đặt trên các tàu, ụ nổi khác nhau, ken dày cả khúc sông.

“Mong tạo nên cây cầu kỷ lục để có nhiều điều kể về nghề” - 1
Một sà lan siêu trọng mang 5 phiến dầm lớn tới bờ phía đảo Vũ Yên để thực hiện việc lao dầm nhóm trụ T9, T10.
Một sà lan siêu trọng mang 5 phiến dầm lớn tới bờ phía đảo Vũ Yên để thực hiện việc lao dầm nhóm trụ T9, T10.

Nhìn từ lòng sông về 2 bên bờ cũng là 2 “chiến trường” sáng rực ánh đèn, rầm rập tiếng máy, tiếng búa, tiếng cắt, tiếng hàn. Dãy dãy, hàng hàng những trụ, những cọc mọc lên, in hình trên nền trời bắt đầu he hé sáng…

Đó là những hình ảnh trên công trường xây dựng cầu Vũ Yên I (xã Lư, huyện Thủy Nguyên và đảo Vũ Yên, thành phố Hải Phòng). Tất cả đang nỗ lực, chạy đua với ánh sáng, chạy đua với thời gian vì phải tranh thủ con nước. Ca làm việc bắt đầu từ 2h đêm, khi thuỷ triều lên đủ mức để những con tàu, những sà lan trọng tải tới 1000-1.500 tấn có thể di chuyển vào công trường. Không chạy đua, không hối hả sao được khi rất có thể chỉ đến trưa, mực nước sông Ruột Lợn có thể giảm 2-2,5m.

Khi đó, nhiều phần việc có thể “bó tay” khi lối duy nhất vào công trường chính là đường thuỷ, từ phía lòng sông. Suốt nhiều tháng liên tục, từ tập kết vật liệu, máy móc, phương tiện cho việc làm cây cầu đều phải thực hiện theo cách đó. Cả bãi đất dài mấp mô, trồi sụt được gọi là “đường công vụ” dẫn vào chân công trường từ phía khu công nghiệp VSIP mới chỉ có được một vài ngày.

Cầu Vũ Yên I được xây dựng để tạo đường vượt sông Ruột Lợn, nối đảo Vũ Yên với huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Bên này sông là khu công nghiệp VSIP, bên kia sông là một khu vui chơi giải trí, nhà ở và công viên sinh thái với khu sân golf quy mô, bề thế trên đảo đã cơ bản hoàn thành. Rẻo đất đầy tiềm năng đó được bao bọc bởi hệ thống sông Bạch Đằng, sông Cấm và sông Ruột Lợn, hiện chưa có tuyến đường bộ nào kết nối với phần còn lại của TP Hải Phòng. Việc kết nối giữa đảo Vũ Yên với phần còn lại của thành phố chủ yếu bằng đường thủy, thông qua các bến đò. Cây cầu, theo đó, là đòi hỏi cấp thiết để khai mở Vũ Yên.


Cả lòng sông như một thế trận với đủ loại máy móc, trạm trộn cỡ khủng được tập kết phục vụ việc thi công 2 trụ cầu chính.

Cả lòng sông như một thế trận với đủ loại máy móc, trạm trộn cỡ "khủng" được tập kết phục vụ việc thi công 2 trụ cầu chính.

Với yêu cầu về tuyến giao thông thiết yếu, độc đạo cần có để kịp thời khớp nối với tiến độ hoàn thành công trình trên đảo, câu cầu được ấn định thời hạn gắt gao để thi công, bàn giao, vỏn vẹn 127 ngày (kể từ thời điểm bàn giao đầy đủ mặt bằng). Đó sẽ là thời gian thi công kỷ lục với một cây cầu bê tông cốt thép dự ứng lực dài gần 650m, rộng 20m với 4 làn xe và 2 làn đường đi bộ hai bên, một câu cầu với 2 mố, 9 trụ, hệ móng tới 91 cọc khoan nhồi đường kính 1,5m, tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng. Thông lệ, một cây cầu với quy mô như vậy, thời gian thi công hiện nay là 1 năm.

Những người đảm nhận việc xây cầu (Công ty CP Xây dựng và lắp máy Trung Nam – Trung Nam E&C) đã nhiều tháng “toát mồ hôi” khi quyết định cưỡi lên lưng hổ. Khó khăn dồn dập đổ tới khi thời gian thì ngặt nghèo như vậy mà thực tế công trường vướng mắc mặt bằng lại như vậy, điều kiện thi công gần như bất khả thi như thế.

“Để phá kỷ lục thì phải thế thôi”

Đứng giữa công trường rầm rập tiếng máy, Phó Tổng Giám đốc Trung Nam E&C Nguyễn Ngọc Thắng - người kỹ sư không nhớ hết nổi hàng trăm cây cầu anh đã từng chỉ huy, thi công, khoát tay chỉ: “40 ngày trước, toàn bộ bãi công trình này vẫn là đầm, ao sâu 2,5-3m nước. Đường công vụ dẫn vào công trường thì chúng tôi mới nhận bàn giao 2 ngày trước. Chúng tôi phải bơm cát, vận chuyển đất đá từ phía sông vào để san lấp, làm mặt bằng thi công. Điều đặc biệt khác là toàn bộ dự án đến lúc này hoàn toàn không có điện, mọi hoạt động của công trường đều phải sử dụng máy phát điện”.


Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Ngọc Thắng và các kỹ sư điều hành công việc trên công trường

Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Ngọc Thắng và các kỹ sư điều hành công việc trên công trường

Trong điều kiện mặt bằng thi công khó khăn như vậy, để đảm bảo tiến độ, mỗi con người, ekip thi công đều phải cố gắng vượt lên, khắc phục thách thức khách quan để thực hiện phần việc của mình. Lượng vật tư, thiết bị, con người huy động được cho là… khủng khiếp. Kỹ sư Nguyễn Ngọc Thắng kể, có 2 bãi đúc để phục vụ việc làm cầu thì đều phải bố trí xa chân công trình, một bãi cách 3km, một bãi thậm chí phải đặt tận Hưng Yên, hàng trăm phiến dầm, vì thế, phải vượt đường sông cả trăm cây số đưa về.

“Công trình này sẽ tạo nên kỷ lục mới, không chỉ với tập đoàn Trung Nam chúng tôi mà chắc chắn còn là kỷ lục mới với nghề làm cầu ở Việt Nam về tiến độ thi công” – kỹ sư Thắng hào hứng chia sẻ.

“Từng chai oxy, bình gas cho công trình đều phải đi bằng phà ra đây. Nhìn qua thì khó hình dung về sức lực con người. Để phá kỷ lục thì phải thế thôi” – Giám đốc Ban điều hành cầu Vũ Yên Nguyễn Hữu Giang giải thích.

Bên bờ đảo Vũ Yên, từng tốp thợ vẫn hối hả đưa từng phiến dầm nặng gần 80 tấn từ sà lan lên thanh đà, di chuyển về phía các trụ cầu, cẩu lên để thực hiện việc lao dầm. Đến nay, hơn một nửa trong số 40 chuyến sà lan chở dầm từ bãi đúc tại Hưng Yên đã hoàn thành sứ mệnh của mình.

Công nhân đội kích kéo bắt đầu ca làm việc từ nửa đêm để tận dụng được con nước trên sông, đưa những phiến dầm lớn đúc từ Hưng Yên chở tới lên các trụ cầu.
Công nhân đội kích kéo bắt đầu ca làm việc từ nửa đêm để tận dụng được con nước trên sông, đưa những phiến dầm lớn đúc từ Hưng Yên chở tới lên các trụ cầu.

Nhóm công nhân đội kích kéo (phụ trách công đoạn quan trọng nhất, cũng là phần việc khó, nặng, phức tạp nhất: lao dầm) cho biết, dù ở trên đảo liên tục đã hơn 1 tháng nhưng anh em được tạo điều kiện bảo hộ, ăn ở tốt nhất để làm việc. Thời gian gấp rút nên anh em công nhân cũng phải cố gắng hết sức để đạt yêu cầu. Dù chưa có kế hoạch cụ thể nhưng nhóm công nhân chia sẻ, cần thiết thì sẵn sàng ở lại công trường làm xuyên Tết.

Nguyễn Thành Long - công nhân thuộc đội sắt hàn, mới được điều động từ công trình cầu Mương Chuối (huyện Nhà Bè, TPHCM), một công trình thuộc dự án chống ngập trị giá 10.000 tỷ đồng do Trung Nam E&C thực hiện - nhận xét: “Vừa làm xong cầu Mương Chuối đã thấy đó là một kỷ lục về tiến độ thi công, về tới đây thì hiểu công trường cầu Vũ Yên này còn gấp rút hơn”.


Toàn bộ máy móc, thiết bị phục vụ công trường đều phải vận chuyển, tập kết bằng đường sông.

Toàn bộ máy móc, thiết bị phục vụ công trường đều phải vận chuyển, tập kết bằng đường sông.

Anh Long đang thi công tại trụ T2, T3. Do vị trí này chỉ mới được bàn giao mặt bằng ít ngày nên giờ mới triển khai, một trụ đã đổ xong bệ, một trụ mới đang đóng cọc, làm cốp-pha. Anh Long nhẩm tính, từ nay đến Tết chỉ còn 20 ngày nữa, tiến độ căng, gấp, anh em đều đang rất nỗ lực. Tiến độ thông thường thì 1 tháng làm được 1 trụ, nay trong chưa đầy 1 tháng phải xong được 2 trụ cầu, công việc rõ ràng… găng hơn.

“Em cũng nghĩ đây sẽ là một công trình tạo nên kỷ lục mới. Trước đây em đã từng làm nhiều dự án nhưng chưa thấy cây cầu nào găng, phải căn ke từng ngày, từng buổi như vậy. Cũng hào hứng khi nghĩ mình góp phần tạo nên một kỷ lục, để sau này có nhiều điều kể lại về nghề của mình” - người công nhân trẻ cười xoà nói.

P.Thảo