Khánh Hòa:

Luật sư nói gì về vụ "chồng chết đột ngột, vợ khó chứng tử"?

(Dân trí) - Liên quan đến sự việc anh Nguyễn Văn Nhờ (SN 1985, trú TP Cam Ranh, Khánh Hòa) đã chết 19 ngày mà gia đình vẫn chưa thể làm được giấy chứng tử cho anh, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với luật sư về sự việc này.

Gia đình chị Phan Thị Thơ (áo trắng) trình bày sự việc với báo chí, chiều 29/8
Gia đình chị Phan Thị Thơ (áo trắng) trình bày sự việc với báo chí, chiều 29/8

Nói về sự việc này, luật sư Vũ Như Hảo (Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa) nhận định: Giấy chứng tử đơn thuần là một giấy tờ hành chính ghi nhận một sự kiện khách quan, xác nhận một người đã chết vào thời điểm nào đó, còn chuyện chết vì lý do gì, do ai gây ra thì cơ quan công an sẽ điều tra.

“Giấy chứng tử đơn thuần là một thủ tục hành chính, chỉ hiểu là như vậy thôi. Với thẩm quyền của mình (tức UBND phường-PV) xác nhận một sự kiện liên quan đến nhân thân của một người là người đó đã chết”, luật sư Vũ Như Hảo nói.

“Chuyện chết vì điện giật hay vì một nguyên nhân nào đó mà cho rằng có hành vi tội phạm thì cơ quan công an sẽ điều tra. Hai việc đó hoàn toàn khác nhau, không liên quan gì đến nhau”, luật sư Vũ Như Hảo nhấn mạnh.

Luật sư Vũ Như Hảo lập luận: “Lật ngược lại vấn đề nếu anh ký chứng tử thì anh có sai gì đâu? Nếu mà họ còn sống mà anh khai tử mới là sai. Trường hợp này, tôi cho rằng, trái với chủ trương cải cách hành chính của Nhà nước”.

Trong khi đó, luật sư Tạ Quang Tòng, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắc Lắc, cho rằng, theo tinh thần của Luật Hộ tịch thì việc xử lý của UBND phường Cam Nghĩa là “làm khó người dân”.

Luật sư Tạ Quang Tòng nhấn mạnh: “Chết do cái gì đó thì do cơ quan công an họ làm, chứ bản thân người nhà không thể biết được. Họ chỉ biết là người thân chết thôi. Đáng lẽ ra, UBND xã (phường) phải liên hệ ngay với cơ quan công an đến khám nghiệm xin ý kiến của họ về việc cấp giấy chứng tử để xác định cái chết như thế nào, chứ không thể bắt người dân đi làm chuyện đó được. Việc bắt người dân làm chuyện đó là vi phạm quy định về việc cấp giấy chứng tử, tức là vi phạm quy định của Nhà nước về công tác Hộ tịch”.

Theo luật sư Tạ Quang Tòng, trong trường hợp này, gia đình chị Thơ có quyền làm đơn khiếu nại gửi đến Chủ tịch UBND phường nơi cư trú và nếu thấy không được trả lời thỏa đáng thì có thể khiếu nại đến UBND TP Cam Ranh. Nếu khiếu nại lên UBND TP Cam Ranh mà gia đình cũng thấy không thỏa đáng thì có thể khởi kiện ra tòa án về hành vi hành chính.

“Vì người ta đã chết rồi thì chính quyền địa phương phải chứng thực người ta chết rồi để xóa tên trong sổ hộ tịch hộ khẩu, chứ không phải đợi cho công an điều tra xong. Dù thế nào thì UBND xã (phường) vẫn phải xác nhận đã có cái chết xảy ra, nếu không rõ nguyên nhân thì ghi chết không rõ nguyên nhân”, luật sư Tạ Quang Tòng nói.


Luật sư Vũ Như Hảo (Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa) cho rằng, việc xử lý cấp chứng tử tại phường Cam Nghĩa là trái với chủ trương cải cách hành chính của Nhà nước”.

Luật sư Vũ Như Hảo (Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa) cho rằng, việc xử lý cấp chứng tử tại phường Cam Nghĩa là "trái với chủ trương cải cách hành chính của Nhà nước”.

Trước đó, như đã đưa tin, gia đình chị Phan Thị Thơ (SN 1984, trú Hòa Tiến, phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh) phản ánh, chồng chị chết đột ngột vào sáng ngày 10/8 bên hồ nuôi tôm, nghi bị điện giật. Sau đó gia đình báo cơ quan chức năng và cơ quan pháp y đã đến hiện trường thực hiện thủ tục khám nghiệm tử thi.

Từ đó đến nay, đã 19 ngày trôi qua, gia đình chị Thơ đã vài lần lên phường làm thủ tục chứng tử nhưng chưa được do phường yêu cầu phải có kết quả xác định nguyên nhân tử vong của bên pháp y thì mới cấp giấy chứng tử.

Gia đình chị Thơ cho rằng bị phường "làm khó" nhưng bà Huỳnh Thị Thanh Thủy, Phó Chủ tịch UBND phường Cam Nghĩa (TP Cam Ranh), khẳng định phường giải quyết đúng quy định của pháp luật.

Phường khẳng định “không dám cấp khai tử cho anh Nhờ chết bởi lý do gì”.

Cán bộ tư pháp phường Cam Nghĩa là bà Lê Thị Hà cho rằng, căn cứ theo Nghị định 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch” thì trường hợp này buộc phải có biên bản giám định pháp y thì UBND phường Cam Nghĩa mới cấp được giấy chứng tử, với nguyên nhân chết là như thế nào.

Điều 73. Nhiệm vụ, quyền hạn của công chức làm công tác hộ tịch (theo Luật Hộ tịch năm 2014)

1. Trong lĩnh vực hộ tịch, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

đ) Chủ động kiểm tra, rà soát để đăng ký kịp thời việc sinh, tử phát sinh trên địa bàn.

Đối với địa bàn dân cư không tập trung, điều kiện đi lại khó khăn, cách xa trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã cho tổ chức đăng ký lưu động đối với việc khai sinh, kết hôn, khai tử;

g) Chủ động báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân cùng cấp phối hợp với cơ quan, tổ chức kiểm tra, xác minh về thông tin hộ tịch; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin để xác minh khi đăng ký hộ tịch; phối hợp với cơ quan Công an cùng cấp cung cấp thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Viết Hảo