1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Lãnh đạo Việt Nam - Trung Quốc trao đổi gì về vấn đề Biển Đông?

(Dân trí) - Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2017, lãnh đạo cấp cao hai nước trao đổi thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhất trí vấn đề Biển Đông tuy không phải là toàn bộ quan hệ hai nước nhưng là vấn đề hết sức hệ trọng...

Lần đầu tiên kể từ sau chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam và dự Hội nghị cấp cao APEC của ông Tập Cận Bình, giới chức ngành ngoại giao Việt Nam đã chia sẻ về những dấu ấn đậm nét và mối quan hệ hai nước Việt Nam - Trung Quốc hiện nay.

Dấu ấn ngoại giao cấp cao

Theo ông Đặng Minh Khôi - Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền của Việt Nam tại Trung Quốc - năm 2017, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc mang đậm dấu ấn ngoại giao cấp cao với việc lãnh đạo cấp cao của hai Đảng, hai nước thường xuyên đi thăm, gặp gỡ, tiếp xúc với nhau. Đây là năm đầu tiên cả Tổng Bí thư hai Đảng, Chủ tịch nước hai nước thăm lẫn nhau trong cùng một năm.

Cụ thể, đầu năm 2017 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm cấp chính thức tới Trung Quốc. Tháng 5/2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm cấp Nhà nước và tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường”. Tháng 11/2017, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam và tham dự Hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng.

Cuối năm 2017, đầu năm 2018, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hai lần hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Manila - Philippines và tại Phnom Penh - Campuchia.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Tập Cận Bình trong chuyến thăm chính thức tới Việt Nam năm 2017 (ảnh: Trọng Trinh)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Tập Cận Bình trong chuyến thăm chính thức tới Việt Nam năm 2017 (ảnh: Trọng Trinh)

“Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam đầu tiên ngay sau Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc cho thấy Đảng, Nhà nước Trung Quốc và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình hết sức coi trọng Việt Nam và quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong tổng thể chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc. Đây cũng là kết quả của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình của Việt Nam và Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh trong việc triển khai quan hệ với các nước lớn, các đối tác quan trọng và các nước láng giền.” - ông Đặng Minh Khôi cho hay.

Cũng theo Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Trung Quốc, chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đã được cả hai bên chuẩn bị chu đáo, tính toán trong tổng thể quan hệ Việt-Trung và thành công tốt đẹp, để lại nhiều dấu ấn đậm nét cả về nội dung trao đổi giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, cả về nghi lễ đón tiếp hết sức trọng thị, thân tình, phù hợp với đặc thù quan hệ truyền thống và văn hóa tương đồng Việt Nam-Trung Quốc, cả về sự đón nhận của người dân hai nước đối với những bước phát triển mới của quan hệ Việt-Trung.

Kết quả của chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được thể hiện đầy đủ, rõ nét trong Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc. Lãnh đạo cấp cao hai nước một lần nữa khẳng định “hai bên sẽ luôn nhìn nhận và phát triển quan hệ Việt - Trung từ tầm cao chiến lược và tầm nhìn lâu dài, kiên định thực hiện chính sách hữu nghị đối với nhau”; Nhất trí cho rằng “sự phát triển bền vững của mỗi nước và quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp giữa hai nước có ý nghĩa quan trọng đối với cả hai nước”.

“Biển Đông là vấn đề hết sức hệ trọng”

Ông Nguyễn Minh Khôi thông tin, trong chuyến thăm của Tổng Bí thư - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam năm 2017, lãnh đạo hai nước đã trao đổi thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhất trí cùng nhau kiểm soát tốt tình hình trên biển, từng bước giải quyết ổn thỏa bất đồng tại Biển Đông.

Ông Nguyễn Minh Khôi - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Trung Quốc
Ông Nguyễn Minh Khôi - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Trung Quốc

Trong tất cả các chuyến thăm và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, lãnh đạo cấp cao của ta đều đề cập đến những tồn tại, vướng mắc trong quan hệ hai nước, khẳng định rõ ràng, thẳng thắn lập trường và chủ trương nhất quán của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông.

„Hai bên nhất trí vấn đề Biển Đông tuy không phải là toàn bộ quan hệ hai nước nhưng là vấn đề hết sức hệ trọng, nếu xử lý không tốt sẽ ảnh hưởng đến sự tin cậy chính trị giữa hai bên, đến sự ổn định của quan hệ hai nước, chất lượng hợp tác cũng như tình cảm của người dân, đến môi trường phát triển của mỗi nước và sự ổn định của cả khu vực“ - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nguyễn Minh Khôi nhấn mạnh.

Vấn đề cấp thiết hiện nay là hai bên cần thể hiện rõ quyết tâm cùng nhau kiểm soát tốt tình hình trên biển, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, tập trung nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trên biển để ưu tiên nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Hai bên tiếp tục cùng nhau tiến hành trao đổi thẳng thắn, trên cơ sở luật pháp quốc tế nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, từng bước tìm kiếm giải pháp phù hợp giải quyết thỏa đáng bất đồng trên biển; đồng thời cùng với ASEAN thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), sớm tiến hành đàm phán thực chất để xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC); cùng với các bên thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm