Làm rõ việc TPHCM trả trước cho chủ đầu tư bãi rác Đa Phước 9 triệu USD

(Dân trí) - Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan xem xét mức độ sai phạm trong việc TPHCM trả trước cho nhà đầu tư Dự án Bãi xử lý chất thải rắn Đa Phước 9 triệu USD và kiến nghị biện pháp xử lý phù hợp theo quy định của pháp luật.

Bãi rác Đa Phước (Ảnh: Pháp luật TPHCM).
Bãi rác Đa Phước (Ảnh: Pháp luật TPHCM).

Ngoài những nội dung mà Dân trí đã phản ánh qua bài viết “Dự án bãi rác Đa Phước: Đô la hoá quan hệ kinh tế trên lãnh thổ Việt Nam”, Thanh tra Chính phủ còn chỉ rõ nội dung tố cáo của công dân liên quan đến khoản tiền 9 triệu USD mà TPHCM đã trả trước cho nhà đầu tư bãi rác này.

Báo cáo giải trình của UBND TPHCM cho thấy khoản tiền 9 triệu USD là chi phí xử lý rác mà thành phố trả trước cho nhà đầu tư, đồng thời để làm giảm chi phí xử lý rác lẽ ra là 17,77 USD/tấn xuống còn 16,4 USD/tấn. Đây không phải là số tiền thành phố hỗ trợ cho nhà đầu tư và việc ứng tiền sẽ thực hiện theo lộ trình tương ứng với kết quả xây dựng cơ sở hạ tầng như xây dựng cầu vào khu liên hợp, san lấp nền, đê bao chống lũ,… mà chủ đầu tư cam kết thực hiện.

Căn cứ hợp đồng giao nhận và xử lý chất thải rắn ký năm 2006 giữa Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM với Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS), “khoản tiền trả trước” có nghĩa là số tiền thanh toán trước 9 triệu USD đã được đưa vào tính và khấu trừ trong giá xử lý rác theo tấn lúc ban đầu để đi đến giá thoả thuận là 16,4 USD/tấn do UBND TPHCM trả trước cho Công ty VWS cho các khoản phí xử lý rác và được thanh toán cho VWS theo phụ lục hợp đồng.

Kiểm toán Nhà nước cho rằng việc sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường để thực hiện tạm ứng cho Công ty VWS (doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài) thực hiện đầu tư dự án Bãi xử lý chất thải rắn Đa Phước là chưa phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Năm 2010 UBND TPHCM đã có văn bản đề nghị Kiểm toán Nhà nước xem xét điều chỉnh nội dung thông báo kết luận theo hướng không xem đây là khoản tạm ứng xây dựng cơ bản cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên cho đến nay, các cơ quan liên quan ở TPHCM chưa nhận được thông tin chỉ đạo về các bước xử lý tiếp theo của Kiểm toán Nhà nước.

Chính vì thế, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Kiểm toán Nhà nước xem xét mức độ sai phạm và kiến nghị biện pháp xử lý phù hợp theo quy định của pháp luật.

Loại bỏ những bất hợp lý trong hợp đồng

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TPHCM tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra một số thiếu sót trong việc tham mưu đề xuất và triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu liên hợp xử lý rác thải Đa Phước; tổ chức đàm phán, thương thảo lại hợp đồng để loại bỏ những bất hợp lý và có biện pháp xử lý nghiêm việc gây ô nhiễm môi trường đối với Công ty VWS.

“Xây dựng, công bố rộng rãi lộ trình hạn chế, tiến tới áp dụng mô hình giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải (3R) để giảm tỷ lệ chôn lấp rác so với hiện nay. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc trồng cây xanh tạo hành lang phân cách giữa khu dân cư và bãi chôn lấp rác của Công ty VWS. Nghiên cứu áp dụng công nghệ đốt rác phát điện thay thế cho công nghệ chôn lấp để tiết kiệm tài nguyên đất đai do hạn chế chôn lấp”- Thanh tra Chính phủ kiến nghị.

Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị chỉ đạo Công ty VWS tích cực, khẩn trương khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường theo giải pháp do Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu ra.

“Nghiêm túc hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ mô trường, công khai, minh bạch các mặt hoạt động để nhân dân giám sát, tránh để dư luận hiểu lầm gây bất lợi cho doanh nghiệp”- cơ quan thanh tra nêu quan điểm.

Thế Kha