1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

“Làm như chúng ta mà người dân không khiếu nại thì mới lạ”

(Dân trí) - Ông Võ Văn Đồng - Cục trưởng Cục III Thanh tra Chính phủ - cho biết: “Khiếu nại, tố cáo ở TPHCM có đến 83% liên quan đến đất đai, đền bù giải tỏa… Ở các nước, khi nghe mình nói như thế thì rất ngạc nhiên và cho rằng với cách làm như chúng ta mà người dân không khiếu nại thì mới lạ”.

Ông Võ Văn Đồng thông tin tại Hội nghị tổng kết 4 năm thi hành Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo trên địa bàn TPHCM, diễn ra ngày 4/11.

Theo ông, chính việc thay đổi luật khiếu nại, tố cáo rất nhiều dẫn đến sự chệch choạc giữa thực tiễn với quá trình giải quyết vụ việc. Luật ra đời thời gian rất ngắn phải sửa đổi gây khó khăn cho quá trình điều hành, xử lý các vấn đề xã hội.

“Ở các nước luật pháp rất ổn định, đặc biệt là trong khiếu nại, tố cáo. Tôi đi nhiều nước tham khảo, có thể nói rằng không có nước nào người ta làm như chúng ta. Khiếu nại tố cáo ở TPHCM có đến 83% liên quan đến đất đai, đền bù giải tỏa, các tỉnh khác cũng tương tự. Ở các nước, nghe mình như thế thì rất ngạc nhiên và cho rằng với cách làm như chúng ta mà người dân không khiếu nại thì mới lạ”, ông Đồng nói.

UBND TPHCM báo cáo kết quả 4 năm thi hành Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo
UBND TPHCM báo cáo kết quả 4 năm thi hành Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo

Theo ông Đồng, ở Nhật Bản chính quyền không bao giờ can thiệp vào việc thu hồi đất của dân, kể cả về giá cả. Họ có một hội đồng riêng gồm các tổ chức dân sự và luật sư tham gia. Khi người ta thu hồi đất thì không chỉ tính giá bằng thị trường (hoặc cao hơn thị trường) mà còn cả giá trị vô hình.

“Ví dụ như khu đất đó của cha ông người ta để lại và gắn với nhiều kỷ niệm thì sẽ được tính toán và có mức đền bù phù hợp. Hầu như khi nhận đền bù thì người dân không khiếu nại. Họ còn mừng vì sau khi đền bù đất đời sống khá lên”.

“Hay như nước Đức dự định triển khai xây dựng một số nhà máy điện hạt nhân nhưng người dân phản đối vì sợ xảy ra sự cố nổ nhà máy. Thế là Quốc hội không đồng ý và Chính phủ Đức chuyển sang làm nhà máy điện gió. Khi làm điện gió thì thu hồi đất, khi người nào được thu hồi đất thì giàu lên ngay”, ông Đồng nêu ra 2 dẫn chứng và cho biết ở nước ta thì tình hình khiếu nại tăng lên chứ không giảm và tính chất ngày càng phức tạp hơn, manh động hơn.

Ông Đồng cho rằng những yếu tố lịch sử để lại hậu quả rất lớn liên quan đến khiếu nại, nhưng trong quá trình giải quyết thì mỗi địa phương giải quyết một kiểu và cực kỳ phức tạp. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách, quy định bồi thường thay đổi liên tục khiến người dân so bì vì không công bằng dẫn đến khiếu nại.

“Người trước chấp hành tốt thì cảm thấy bị thiệt thòi. Còn người chây lì, cương quyết khiếu nại thì quyền lợi được đảm bảo hơn. Điều này dẫn đến sự so bì giữa người trước với người sau và gây ra nhóm khiếu nại đông người vô cùng phức tạp”, ông Đồng cho biết.

Cục trưởng Cục III Thanh tra Chính phủ cho rằng, có thể khẳng định dù có chính sách bồi thường thế nào đi nữa thì người dân trong diện thu hồi đất vẫn bị thiệt. Mà người dân cảm thấy bị thiệt thì đấu tranh quyết liệt, mà nhiều khi không phải vì tiền.

“Có người ở An Giang đi bán vé số nuôi con được đền bù gần 2 tỷ nhưng bà không nhận. Dù họ rất nghèo nhưng cho rằng bất công, so với người trước đó thì họ bị thiệt. Và liệu câu chuyện có chấm dứt?" - ông Đồng đặt vấn đề và cho rằng cơ quan chức năng phải giải quyết kịp thời, có trách nhiệm và công tâm thì người dân mới yên tâm.

Ông Đồng cho biết thêm, trong 4 năm qua, 20 tỉnh, thành phía Nam nhận 200.000 đơn liên quan đến khiếu nại, tố cáo thì TPHCM có 20.500 đơn (hơn 10%). Riêng trong năm nay, Thủ tướng Chính phủ giao cho Thanh tra Chính phủ xem xét, giải quyết 93 vụ khiếu nại, tố cáo phía Nam thì TPHCM có 43 vụ. Đó là chưa kể Thủ tướng giao TP và các bộ, ngành giải quyết.

Quốc Anh