1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Thành phố Thủ Đức

Ký ức của người cảnh vệ được Bác Hồ dạy chữ, đặt tên

(Dân trí) - Hơn 75 năm qua, ký ức về những năm tháng được kề cận, phục vụ Bác vẫn vẹn nguyên, sống động trong ông như ngày nào. Đối với ông, được phục vụ cho Bác đã là một niềm hạnh phúc, nhưng càng vinh dự hơn khi được Bác đặt tên - cái tên đã theo ông suốt phần đời còn lại.

Người cảnh vệ được Bác đặt tên

Chúng tôi tìm về vùng đất khô cằn nhất tỉnh Đắk Nông - xã Nam Dong, huyện Cư Jút - một ngày giữa tháng 5. Tháng 5 Tây Nguyên, trên vùng đất chỉ có đất bạc và đá ong, nắng nóng bỏng rát có một người cựu chiến binh đang ngồi ôn lại những kỷ niệm đẹp năm xưa. Đó là ông Nông Quốc Tuấn (thôn 8, xã Nam Dong, huyện Cư Jút), người cảnh vệ từng có 5 năm kề cận, phục vụ Bác trong những ngày đầu Bác trở về Việt Nam và sống tại hang Pác Pó (Cao Bằng).


Với ông Tuấn, 5 năm phục vụ Bác lã quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời ông

Với ông Tuấn, 5 năm phục vụ Bác lã quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời ông

Ông Tuấn tên thật là Nông Văn Sỹ (SN 1925, tại thôn Hòa Mục, xã Nà Sát, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng). Hơn 10 tuổi, ông cùng nhiều đứa trẻ khác trong bản xung phong tham gia tổ chức Nhi đồng cứu quốc Hội của huyện Hà Quảng. Tại đây, ông được giao nhiệm vụ bí mật đưa đón, dẫn đường cho những cán bộ cách mạng khi về công tác trên địa bàn, đồng thời đảm đương vai trò giao liên và tổ chức, tập hợp những thiếu niên, nhi đồng khác để bồi dưỡng, rèn luyện. Đến năm 1939, cậu thiếu niên Nông Văn Sỹ được giao thêm nhiệm vụ rải truyền đơn vào các đồn của thực dân Pháp.

Năm 1941, ngay khi đồng chí Nguyễn Ái Quốc về nước, Nông Văn Sỹ được giới thiệu với tổ chức để vào hang Pác Pó làm liên lạc viên và phục vụ Bác. “Có rất nhiều người, nhưng anh Lê Quảng Ba (nguyên Tư lệnh đầu tiên Quân khu Việt Bắc) chỉ chọn mình, có lẽ đó là sự may mắn lớn nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của tôi”, ông Tuấn chia sẻ.


Trở về cuộc sống đời thường, ông luôn ghi nhớ tám chữ mà Bác đã dạy: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”.

Trở về cuộc sống đời thường, ông luôn ghi nhớ tám chữ mà Bác đã dạy: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”.

Vinh dự hơn khi ông được Bác đặt cho tên mới là Nông Quốc Tuấn. Cái tên đó, ngoài mục đích bảo đảm bí mật thì ý của Bác muốn Nông Văn Sỹ noi theo tấm gương của vị tướng kiệt xuất Trần Quốc Tuấn - Hưng Đạo Vương. Cái tên đó đã theo ông cho đến ngày hôm nay.

“Ở cùng Bác sướng hơn ở nhà”

Đã hơn 75 năm trôi qua nhưng ông Tuấn vẫn còn nhớ như in về khoảnh khắc lần đầu tiên được gặp Bác. “Bác mặc bộ đồ dân tộc Nùng cũ kỹ, đi dép cao su. Ánh mắt của Bác rất hiền từ, thân thiện. Khi đó Bác hơi gầy nhưng thần thái rất linh hoạt”.

Công việc chính của ông Tuấn khi ấy là cảnh giới, lo cơm nước, giặt giũ quần áo, dọn dẹp nơi ở. Thế nhưng, theo ông Tuấn, rất ít khi ông phải giặt giũ quần áo cho Bác bởi hầu như mọi sinh hoạt cá nhân Bác đều tự tay làm.

“Chỉ trừ những lúc Bác quá bận thì tôi mới được giặt quần áo cho Bác. Sau này, một thời gian hai Bác cháu phải rời hang Pác Pó đi nơi khác sống, tôi mới giặt quần áo cho Bác vì nguồn nước ở xa”, ông Tuấn kể lại.

Gần 5 năm được sống gần gũi bên Bác đã để lại cho ông Tuấn rất nhiều kỷ niệm đẹp. Một trong những kỷ niệm mà ông Tuấn không bao giờ quên, đó là việc ông được Bác dạy chữ.

70 năm tuổi Đảng, ông Tuấn còn được tặng nhiều huân, huy chương
70 năm tuổi Đảng, ông Tuấn còn được tặng nhiều huân, huy chương

Người cảnh vệ năm xưa nhớ lại: “Trước khi được làm cảnh vệ cho Bác, tôi cũng được đi học 15 ngày. Hôm ấy, Bác đưa cho tôi một tờ giấy bảo tôi đọc thử nhưng tôi chỉ đọc được từng chữ cái một. Thấy tôi ham học nên hàng ngày Bác nhận luôn việc dạy tôi tập đọc, tập tính. Hầu như ngày nào trên chiếc bàn đá cũng để một chồng tài liệu của Bác, bên cạnh đó là quyển vở cho tôi luyện chính tả. Nhờ cách dạy, cách truyền đạt kiến thức nhẹ nhàng, ân cần và rất dễ hiểu mà chỉ trong một thời gian ngắn, từ chỗ chưa biết chữ, tôi đã đọc thông, viết thạo, biết tính toán một cách thuần thục”.

Thời kỳ ở Pác Bó, cuộc sống vô cùng khó khăn gian khổ nhưng Bác lúc nào cũng lạc quan, không bao giờ ủ rũ hay mệt mỏi. Việc ăn uống của hai Bác cháu do bên ngoài tiếp tế và ông Tuấn nhận nhiệm vụ đi vận chuyển về. Đồ tiếp tế chủ yếu là gạo, muối, ớt, rau củ và 6 lạng thịt để cải thiện bữa ăn. Mỗi bữa ăn, hai Bác cháu chỉ được 2 miếng thịt bò và 1 miếng thịt lợn, còn đâu là ăn rau với măng.

Theo ông Tuấn, cuộc sống ở hang Pác Pó thời điểm ấy tuy khó khăn, thiếu thốn nhưng so với cuộc sống ở thôn bản thì tốt hơn nhiều.

Một kỷ niệm đáng nhớ khác, ông Tuấn kể, vào một buổi sáng, sau khi ăn cơm xong, Bác gọi ông đến bàn làm việc và đưa cho ông một bức thư. Bác dặn: “Cháu cầm bức thư này đến đưa cho đồng chí Trường Chinh và nói đồng chí ấy về gặp Bác gấp!”.

Lần đầu tiên được Bác giao nhiệm vụ giao liên quan trọng, ông sung sướng, hồi hộp lắm. “Nhận được chỉ thị của Bác, tôi chạy một mạch. Hôm ấy tôi suýt bị giặc bắt lại, nhưng nhờ tôi nhỏ con, giỏi luồn lách nên thoát được vòng kiểm tra, lục soát của giặc. Tôi cũng đã nghĩ, nếu bị bắt thì “tao chết, chúng mày cũng chết” vì lúc đó tôi mang phòng trong người hai quả lựu đạn”, ông Tuấn nhớ lại.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Bác Hồ chuyển về Hà Nội, ông Tuấn được cử lên Thái Nguyên nhận công tác khác. Lúc chia tay, Bác dặn dò ông Tuấn cố gắng phát huy bản thân để phục vụ cách mạng tốt như đã phục vụ Bác. Phải đến tận năm 1961, trong một lần về công tác tại Cao Bằng, gia đình ông Tuấn mới có cơ hội gặp lại Bác, và đó cũng là lần cuối cùng người cảnh vệ Nông Quốc Tuấn được gặp lại người thầy của mình.

Đầu năm 1980, ông Tuấn cùng một số người bạn vào Tây Nguyên khai hoang làm ăn. Sau một thời gian lập nghiệp, đến năm 1990, ông Tuấn đưa cả gia đình vào xã Nam Dong và sinh sống ổn định cho đến nay.

Ông Bùi Đình Tăng, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Dong cho biết, tính tới năm 2017, ông Tuấn đã có hơn 70 năm tuổi Đảng. Là lão thành cách mạng, ông luôn là người mẫu mực, cởi mở, hiền lành, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ của xã. Trong những năm qua, ông đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều huân, huy chương cùng nhiều, bằng khen, giấy khen khác của các cấp ủy Đảng, chính quyền.

Dương Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm