1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ít nhất 5 người chết trong lũ ở Quảng Nam

(Dân trí) - Hôm nay 17/12, mưa đã tạm ngớt, mực nước các sông của Quảng Nam đang xuống chậm, các địa phương đã bắt đầu giúp dân khắc phục hậu quả do lũ và thống kê tình hình thiệt hại ban đầu. Theo báo cáo ban đầu của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam, có ít nhất 5 người chết trong lũ, hàng ngàn ha rau màu bị thiệt hại nặng.

Sáng nay (17/12), lực lượng chức năng và người dân đã tìm thấy thi thể của ông Trần Văn Lại (63 tuổi, trú thôn Phong Thử 1, xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn) bị lũ cuốn trôi chiều tối ngày 15/12 khi ông đang trên đường về nhà cùng chị gái. Do chị gái ông làm rớt ví nên ông xuống xe máy nhặt hộ thì bị lũ cuốn trôi.

Lũ cuốn sạch rau màu ở cánh đồng Bàu Tròn (xã Đại An, Đại Lộc)
Lũ cuốn sạch rau màu ở cánh đồng Bàu Tròn (xã Đại An, Đại Lộc)

Cũng trong ngày hôm nay, lực lượng chức năng cũng đã tìm thấy thi thể của anh Nguyễn Đình Toàn (26 tuổi, công tác tại Công an TP Hội An). Anh Toàn về thăm nhà tại thôn Hạ Nông Đông, xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn) rồi lấy thuyền chèo với người em họ ra cánh đồng sau nhà thì thuyền bị nước xoáy xô lật cả hai.

Lúc 9h30 sáng 17/12, thi thể của anh Đỗ Hoàng Vũ (SN 1991, trú khối phố Ngọc Tứ, phường Điện An, thị xã Điện Bàn) cũng đã được tìm thấy. Tối qua, anh Vũ dùng ghe đưa một sản phụ hàng xóm đến bệnh viện sinh, khi quay về thì không may, ghe bị vào nước, anh Vũ bị nước lũ cuốn trôi.

Trước đó, ông Châu Thịnh (SN 1968, trú thôn Tịnh Yên, xã Bình Nam, huyện Thăng Bình) đi bắt ốc, thả lưới đã bị chết đuối. Ông Trần Văn Hùng (49 tuổi, ở thôn 8, xã Đại Cường, Đại Lộc) trong lúc di chuyển đàn lợn tránh lũ cũng điện giật tử vong.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam, từ ngày 14-16/12, mưa lớn với cường độ liên tục đã làm cho mực nước các sông dâng lên rất nhanh, gây ngập lụt diện rộng, sạt lở, bồi lấp nhiều diện tích ruộng, đất, gây ách tắc giao thông, thiệt hại rất lớn về nhà ở, cây cối, hoa màu và sản xuất nông nghiệp của người dân.

Những ruộng đậu phộng đã bị lũ muộn làm hư hại toàn bộ
Những ruộng đậu phộng đã bị lũ muộn làm hư hại toàn bộ

Theo đó, toàn tỉnh có hơn 15.000 nhà bị ngập tại các huyện Duy Xuyên, Quế Sơn, Đại Lộc, Hội An, Nông Sơn, Đông Giang... Trong đó, có 5 nhà (4 nhà ở xã Tiên Hiệp và 1 nhà ở xã Tiên Lãnh) bị đất đá sạt lở gây sụp đổ và hư hỏng nhà. Tất cả khu dân cư ở vùng Đông và vùng Tây Duy Xuyên bị ngập. Cầu tre và đường đất vừa đắp lại do lũ đợt 1 qua thôn Đông Bình (xã Duy Vinh, Duy Xuyên) bị cuốn trôi, cô lập 350 hộ dân. Các xã Đại An, Đại Cường, Đại Hòa (huyện Đại Lộc) bị ngập hoàn toàn.

Về giao thông, các tuyến đường QL1A, 14D, 14E, đường Hồ Chí Minh bị sạt lở hàng chục ngàn m3 đất đá gây ách tắc giao thông trên một số đoạn… Hiện các đơn vị đang tập trung nhân lực, máy móc để khôi phục các điểm sạt lở để xe cộ lưu thông an toàn.

Về nông nghiệp, 531ha lúa, 33ha mạ, 3.770ha hoa màu, 11 ha keo, 106ha đất sản xuất nông nghiệp bị xói lở và bồi lấp chủ yếu ở huyện Tiên Phước…

Theo người dân, trong đợt lũ này, ngành nông nghiệp bị thiệt hại nặng nhất. Trao đổi với PV Dân trí, ông Đỗ Văn Chung (trú thôn 8, xã Đại An, Đại Lộc) than thở: “Không có năm nào như năm nay. Lũ năm nay bất thường ở chỗ nó về quá muộn nên cuốn trôi toàn bộ giống má mà người dân trong xã cũng như các xã lân cận đã gieo trồng ở cánh đồng đất bãi bồi của xã. Toàn bộ khoảng 80ha rau màu, đậu phộng, ngô, ớt… đều bị cuốn trôi hết rồi”.

Theo ông Chung, sau đợt lũ lần 1, người dân đã mất trắng. Tưởng đã hết lũ, người dân tiếp tục chạy vạy mua giống, phân bón tiếp tục gieo để kịp thời vụ. Vừa xuống giống được vài ngày thì trời lại mưa lớn, nước lũ đổ về, coi như công sức của nông dân trong xã đổ sông đổ biển.

“Dân mất hết rồi, quan trọng nhất là lịch thời vụ bị trễ nên nếu có gieo trồng tiếp thì sẽ mất mùa; nhưng nông dân không làm ruộng thì làm gì bây giờ. Dù gì đi nữa thì hết lũ, bà con vẫn tiếp tục vay tiền mua phân, giống tiếp tục gieo trồng…”, ông Chung buồn bã nói.

Tại cánh đồng Bàu Tròn của xã Đại An – đây là cánh đồng rau cung cấp cho cả vùng và TP Đà Nẵng - cũng chỉ còn một màu bùn non, toàn bộ rau màu mà người dân gieo trồng chuẩn bị cho mùa Tết đã bị lũ vùi dập tơi bời.

Một người dân tên Nghĩa cho biết, toàn bộ cánh đồng rau này đã bị mất trắng sau hai đợt lũ. “Năm nay chắc chắn rau xanh cung cấp cho thị trường trong vùng sẽ khan hiếm vì đợt này trồng để phục vụ cho tết. Năm nay ông trời làm lũ muộn quá nên nông dân chúng tôi trắng tay mà thị trường cũng sẽ khan hiếm rau xanh và củ quả”, ông Nghĩa than thở.

Công Bính