1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Nam:

Huyện vùng cao Nam Trà My bị cô lập do mưa lũ

(Dân trí) - Do ảnh hưởng mưa lớn nên từ ngày 1-2/11, trên địa bàn huyện miền núi Nam Trà My xảy ra đợt mưa rất lớn kéo dài, lượng mưa lớn đã làm thiệt hại rất lớn đối với địa phương. Hiện huyện Nam Trà My đã bị cô lập hoàn toàn do đất đá sạt lở.

Chiều ngày 2/11, trao đổi với PV Dân trí, ông Hồ Quang Bửu – Chủ tịch huyện Nam Trà My – cho hay, lãnh đạo UBND huyện, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã cử cán bộ đến từng xã để nắm tình hình và giúp nhân dân triển khai ứng phó với mưa lũ.

Cầu treo bị sạt lở do mưa lũ
Cầu treo bị sạt lở do mưa lũ

Theo ông Bửu, tại xã Trà Dơn có 2 ngôi nhà bị ngập nước tại khu vực Nước Xa. UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Trà Dơn triển khai di dời 2 hộ dân ra khỏi vùng bị ngập. Tại thôn 5 xã Trà Dơn có 1 hộ bị sạt lở nhà, tuy nhiên không ảnh hưởng đến tính mạng cũng như tài sản.

Nước lũ tràn qua cầu
Nước lũ tràn qua cầu

Tại xã Trà Tập, có 3 hộ dân đang sinh sống tại nóc Tak Rối (thôn 4) có nguy cơ bị lũ quét, nếu lượng mưa kéo dài sẽ thiệt hại lớn về tài sản và tính mạng của người dân. Do địa hình phức tạp, nước tại sông Tranh đang dân cao nên BCH PCTT&TKCN xã chưa thể liên lạc được qua điện thoại và tiếp cận với các hộ dân trên.

Ngoài ra, trên địa bàn xã còn hàng chục điểm sạt lở với khối lượng ước tính hàng trăm mét khối.

Xã Trà Mai cũng bị sạt lở làm 4 hộ dân bị ảnh hưởng. Sạt lở đất vào nhà ông Hùng Định làm bể tường bê tông, hư hỏng nhà vệ sinh. Hiện nay UBND xã đang vận động nhân dân tại chỗ vận chuyển đồ đạc và chuyển đất ra ngoài.

Cây cối ngã đổ trên đường
Cây cối ngã đổ trên đường

Chủ tịch huyện Nam Trà My cũng thông tin: QL40B đoạn qua Tắc Pỏ - Nước Xa bị ách tắc giao thông hoàn toàn từ 10 giờ ngày 1/11. Hiện nay huyện đang lập chốt chặn không cho người và phương tiện qua lại do có nhiều vị trí có nguy cơ sạt lở rất lớn ảnh hưởng đến tính mạng con người.

Theo thống kê sơ bộ trên tuyến có 12 vị trí sạt lở với khối lượng ước tính 35-40 ngàn m3, có 5 vị trí sạt lở lớn tại Km98+200; Km93+750; Km99; Km98 và Km98+850, nhất là điểm sạt lở tại Km 98+850 làm trôi hoàn toàn mặt đường, chiều dài khoảng 250m.

QL40B lên huyện bị ách tắc do sạt lở
QL40B lên huyện bị ách tắc do sạt lở

Từ cầu Nước Xa vào UBND xã Trà Leng có 12 điểm sạt lở lớn nhỏ, khối lượng khoảng 1.500 m3. Đoạn đường đi xã Trà Linh từ Km 05+015 bị xói lở mặt đường nhựa 200m; Km11+700 sạt lở taluy dương khoảng 5m3; Km13+50 sạt lở taluy dương khoảng 30m3; Km13+800 sạt lở taluy dương khoảng 225m3.


Lực lượng chức năng đang giải tỏa đường bị ách tắc

Lực lượng chức năng đang giải tỏa đường bị ách tắc

Đường đi thôn 2 xã Trà Nam, đoạn Km 0+600 bị sạt lở taluy dương khoảng 30m3; Km 0+900 bị sạt lở taluy dương khoảng 30m3; Km 1+100 bị sạt lở taluy dương khoảng 750m3. Theo thông tin, đoạn từ Bắc Trà My đến Nước Xa đường Quốc lộ 40B sập cầu tại bãi đá Trà Giác.

Công trình nước sinh hoạt trung tâm huyện bị hỏng đoạn tuyến đường ống dẫn nước sinh hoạt về trung tâm huyện tại vị trí suối Đôi dài 230m làm mất nước cung cấp cho khu vực Tắc Pỏ.

Sạt lở trên QL40B làm tắc đường lên huyện Nam Trà My

“Mạng viễn thông Vinaphone, Mobifone đã mất liên lạc hoàn toàn trên địa bàn huyện, còn mạng viễn thông Viettel chỉ mất liên lạc ở xã Trà Dơn. Mạng lưới điện quốc gia trên địa bàn huyện bị mất từ 15h ngày 1/11 đến 6 giờ ngày 2/11”, ông Bửu thông tin.

Theo Chủ tịch huyện Nam Trà My, trong thời gian xảy ra mưa lũ, UBND huyện và BCH PCTT&TKCN huyện trực tiếp đi kiểm tra tình hình thiệt hại do mưa gây ra trên địa bàn; chỉ đạo ngành chức năng liên quan tổ chức triển khai phương án san ủi đất, đá nhằm giải phóng thông suốt trên tuyến đường giao thông huyết mạch. UBND huyện, BCH PCTT&TKCN huyện tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện đưa phương tiện san ủi khối lượng sạt lở để thông đường cho nhân dân, cán bộ và học sinh thuận lợi việc đi lại.

Công Bính