1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Bình:

“Hái ra tiền” bằng nghề săn mật ong rừng

(Dân trí) - Với nhiều người dân ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Bình, ngoài thời gian dành cho ruộng vườn, nương rẫy thì vào rừng lấy mật ong đang là nghề “hái ra tiền”. Song, cái nghề “ăn lộc rừng” này cũng khiến không ít người phải “rưng rưng nước mắt”…

Vượt rừng, lội suối lần theo dấu chân ong

Một ngày giữa tháng bảy âm lịch, chúng tôi có dịp theo chân anh Cao Ngọc Khương, một tay săn mật ong rừng có tiếng ở vùng đất Quảng Bình. Dù mới 48 tuổi nhưng anh Khương đã có thâm niên hơn 30 năm sống bằng nghề săn mật ong rừng.

Sáng sớm, khi mặt trời vừa ló rạng, từ thị trấn Quy Đạt, huyện rẻo cao Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, chúng tôi vượt hàng chục ki-lô-mét đường rừng đèo dốc bằng xe gắn máy rồi sau đó cuốc bộ nhiều giờ đồng hồ trèo qua từng ngọn núi dựng đứng, băng qua cả chục con suối lớn nhỏ mới tiến được vào vùng Cá Bời thuộc địa phận xã Trung Hóa, nơi bắt đầu có dấu vết của ong rừng.

Công tác chuẩn bị để đánh ong rừng
Công tác chuẩn bị để đánh ong rừng

Cá Bời là một thung lũng rộng lớn, màu mỡ, có diện tích khoảng vài chục héc ta. Xung quanh thung lũng này được bao bọc bởi những ngọn núi đá vôi cao ngút mắt cùng những cánh rừng già nên ong mật thường hay về làm tổ.

Gắn bó với Cá Bời từ những ngày còn nhỏ nên ở vùng đất này, khu vực nào, cây nào ong mật hay về làm tổ anh Khương đều thuộc như lòng bàn tay. Theo anh Khương, muốn biết khu vực nào có ong mật chỉ cần đi dọc các khe nước lên phía thượng nguồn, tìm đến những chỗ có thác nước hay những bãi cát rộng, thoáng mát. Bởi ở đó, ong thường đến chấm nước (uống nước) rồi bay về hướng tổ.

Còn muốn tìm thấy tổ ong thì nhìn theo hướng ong bay, đến những cây to có nhiều nhánh nằm ngang, ít người qua lại và tránh được những trận gió lớn, gần cây có một khoảng trống để ong định hướng bay về tổ.

Đánh tổ ong “khủng” cao 30m (!)

Nói rồi anh Khương dẫn chúng tôi đi săn ong ở khu vực đầu nguồn khe Rục Trỏ. Nơi đây có bãi cát mịn nằm thoai thoải bên con nước mát lạnh. Dưới bãi cát, có hơn chục con ong mật đang đi chấm nước. Nhận định gần đây chắc chắn sẽ có một tổ ong mật, anh Khương lên một vị trí khá cao, thoáng để quan sát và thấy từng con ong bay ngược lên ngọn rừng có những cây to.

Lần theo hướng đàn ong bay, chúng tôi ngược lên con dốc cao chừng 2 km, mất gần một giờ đồng hồ cuốc bộ. Kết quả của hành trình gian nan ấy, anh Khương đã phát hiện ra một tổ ong mật có chiều dài khoảng 2 mét, rộng chừng 0,8 mét trên ngọn cây gỗ Trín. Vị trí tổ ong cách mặt đất chừng 30 mét, thân cây Trín có đường kính khoảng 0,8 mét.

Sau khi châm đuốc, anh Khương đeo một cái dao nhọn bên hông, lấy một sợi dây thừng dài bỏ vào gùi rồi bắt đầu buộc đầy từ gốc cây để lên
Sau khi châm đuốc, anh Khương đeo một cái dao nhọn bên hông, lấy một sợi dây thừng dài bỏ vào gùi rồi bắt đầu buộc đầy từ gốc cây để lên

Để đánh được tổ ong này, vợ chồng anh Khương và bạn đi rừng lấy từng que củi khô nhỏ bằng chiếc đũa, dài khoảng 1,2 mét bó thành ỏn (đuốc) to bằng bắp chân, xung quanh ỏn được bó thêm lá cọ để ỏn không bị cháy lửa ngọn, cháy chậm và nhiều khói. Bó ỏn xong, chúng tôi chia nhau đi cắt dây thừng để làm đầy (thang). Khi chọn dây thừng phải tìm những cây cùn Khét, cùn Căn hoặc dây lạt, bởi những dây này mềm, dẻo và chắc. Từ mặt đất lên đến vị trí tổ ong khoảng 30 mét nên phải cắt hơn 30 dây và mỗi mét thân cây buộc một đầy.

Sau khi châm đuốc, anh Khương đeo một cái dao nhọn bên hông, lấy một sợi dây thừng dài bỏ vào gùi rồi bắt đầu buộc đầy từ gốc cây để lên. Phải mất hơn một giờ đồng hồ, anh Khương mới tiến sát vị trí tổ ong. Nghe tiếng động, cả đàn ong bắt đầu rời tổ để tấn công người. Lúc này, anh Khương vẫn bình tĩnh quay ngược ỏn lại, xả làn khói nghi ngút vào tổ khiến hàng ngàn con ong say khói bay loạn xạ.

Tổ ong khủng này làm ở độ cao khoảng 30 mét
Tổ ong "khủng" này làm ở độ cao khoảng 30 mét

Ở dưới đất, vợ anh đã núp vào một bụi cây cách đó khoảng trăm mét. Để ghi lại được những ảnh thực lúc anh đang đánh ong, chúng tôi đã dựng một cái màn chống muỗi ngay cạnh gốc, khoét một lỗ vừa lọt ống kính máy ảnh nhưng vẫn nổi hết da gà dù trời nắng như đổ lửa.

Phía trên ngọn cây, anh Khương đã đuổi được đàn ong rời khỏi tổ, sau đó dùng dao cắt thơờng (phần tổ nơi ong non ở) gác lên một nhánh cây bên cạnh. Còn phần đầu (nơi chứa mật), anh nhẹ nhàng cắt từng lát đưa vào gùi đã treo sẵn bên cạnh. Do đây là tổ ong lớn, nhiều mật nên anh phải cắt tới 5 lần mới lấy hết được đầu tổ ong.

Xong xuôi, anh Khương dùng sợi dây thừng quấn vào cành cây, buộc gùi mật nặng trĩu vào một đầu dây rồi từ từ thả xuống. Ở phía dưới, vợ anh và người bạn đi cùng cầm một bó ỏn đến gốc cây lấy gùi mật rồi tiếp tục thả dây để chồng kéo lên tiếp tục thả phần thơờng xuống.

Sau khi hoàn thành công việc lấy tổ ong được khoảng 20 lít mật, anh Khương chọn một ví trí đất bằng phẳng đặt cả tổ ong vừa đánh lên, đốt 3 que hương rồi vái lạy. Vái xong, anh nói lời cảm ơn thần rừng, thần sông, thần suối, thần thổ địa... đã phù hộ cho anh tìm thấy được tổ ong to, lấy mật suôn sẻ, rồi mời các vị thần đến dùng những giọt mật đầu tiên. “Lộc của rừng nên mình phải cúng các vị thần linh chứ”, anh Khương tâm niệm. Anh Khương cho biết thêm, với giá mật ong rừng thời điểm hiện tại, 20 lít cũng được khoảng chục triệu đồng.

Cũng theo anh Khương, để phân biệt được mật ong rừng và mật ong nuôi chỉ có cách dựa vào khứu giác, vì ong ở rừng sâu thường ăn được nhiều loại hoa nên có mùi thơm hơn. Còn để phân biệt mật ong pha đường và mật ong nguyên chất chỉ cần cho một giọt mật ra tờ giấy, nếu giọt mật thấm nhanh qua tờ giấy hoặc tan ra thì đó là mật ong “dởm”.

Những chai mật ong rừng nguyên chất vừa được anh Khương đánh trong rừng mang về
Những chai mật ong rừng nguyên chất vừa được anh Khương đánh trong rừng mang về

Nguy hiểm luôn rình rập

Trong hành trình săn ong rừng, chúng tôi được anh Khương kể về những vất vả và hiểm nguy luôn rình rập, và chỉ cần một chút chủ quan, thiếu cẩn thận là có thể trả giá bằng cả tính mạng. Và theo anh Khương đã có không ít trường hợp do bất cẩn nên đã tử vong khi bị ong cắn và rơi từ trên những ngọn cây cao xuống.

Anh Khương chia sẻ: “Làm nghề săn ong cần phải có bản lĩnh và gan dạ. Nếu gặp trường hợp bị tổ ong dữ đốt cũng phải hết sức bình tĩnh chịu đau đớn để xử lý chứ nhất định không được buông tay. Nhiều lần gặp tổ ong dữ không đánh được ban ngày nên tôi phải đánh ban đêm. Mà đánh đêm lại càng khó khăn hơn, vì sợ đạp vào những cành cây khô dễ gãy hoặc rắn rết cắn”.

Sau khi lấy mật, những mảng thơờng này cũng được bán với giá 100 ngàn đồng/kg
Sau khi lấy mật, những mảng thơờng này cũng được bán với giá 100 ngàn đồng/kg

Theo kinh nghiệm của anh Khương, ban đêm, những cành cây khô không thấy được bằng mắt nên phải sờ bằng tay để nhận biết. Khi sờ vào cành nghe nhám, nóng hơn thì đó là cành cây khô cần phải bẻ hoặc chặt mới tiếp tục leo. Còn những cành cây tươi thì sờ vào nghe trơn và mát hơn.

Sợ nhất trong nghề đánh ong vẫn là chuyện gặp rắn độc trên cây. Bởi trên những cây to thường có dây leo, hay các loại cây sống ký sinh, đó chính là môi trường thuận lợi cho các loại rắn sinh sống. Và trong những năm tháng săn ong rừng, anh Khương đã không ít lần bị rắn cắn hoặc nhờ mưu trí mới thoát khỏi sự tấn công của những con rắn độc, rắn hổ mang.

Nghề săn ong rừng tuy vất vả, nguy hiểm nhưng với anh Khương và những người dân sống ở miền núi rừng đó là “cứu cánh” để họ có thể lo được miếng cơm manh áo hằng ngày của gia đình những năm mất mùa, thiên tai. “Mùa ong năm nay vợ chồng tui cũng kiếm được khoảng 50 triệu đồng từ tiền bán mật. Nhờ thế tui mới mua được vườn tược để làm nhà và nuôi con cái ăn học”, anh Khương tâm sự.

Đinh Vương – Đặng Tài