1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội: Đề xuất hạn chế ô tô con theo giờ, cấm xe máy ngoại tỉnh

(Dân trí) - Dự kiến từ năm 2021, Hà Nội sẽ cấm xe máy biển kiểm soát ngoại tỉnh vào khu vực nội đô (Vành đai 1) từ 7h đến 19h hàng ngày. Đối với ô tô con, Hà Nội cũng tính đến phương án dừng hoạt động theo giờ tại một số tuyến đường, khu vực.

Sở GTVT Hà Nội vừa xin ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, tổ chức nghề nghiệp, chuyên gia và các đơn vị liên quan để xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Nội dung cơ bản của đề án đưa ra lộ trình hạn chế tiến dần đến cấm đối với xe máy trên một số tuyến trục chính và một số khu vực trong vành đai 3, được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, dự kiến trong năm 2020 sẽ hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ vào các ngày cuối tuần và lễ tết.

Hà Nội đang tìm các giải pháp cấm xe máy hoạt động trong nội thành
Hà Nội đang tìm các giải pháp cấm xe máy hoạt động trong nội thành

Đến năm 2021, dự kiến sẽ dừng hoạt động đối với xe máy không đăng ký tại Hà Nội (biển kiểm soát ngoại tỉnh) vào khu vực nội đô Vành đai 1 từ 7h đến 19h hàng ngày, đồng thời mở rộng thời gian hạn chế xe máy trong khu vực phố cổ 7 ngày/tuần và 24 giờ/ngày.

Trong giai đoạn 2, dừng hoạt động đối với xe máy không đăng ký tại Hà Nội (biển kiểm soát ngoại tỉnh) trong Vành đai 2, đồng thời mở rộng khu vực hạn chế ra khu vực phố cũ với thời gian cấm 7 ngày/tuần và 24 giờ/ngày vào năm 2023.

Đến giai đoạn 3, từ năm 2025 sẽ mở rộng khu vực hạn chế hoạt động của xe máy tại một số khu vực trong Vành đai 3. Đồng thời, hoàn thành Quy hoạch hệ thống các điểm trung chuyển, điểm, bãi đỗ xe và Quy hoạch vận tải đa phương thức nhằm hỗ trợ tối đa cho người dân tiếp cận tốt nhất với hệ thống vận tải hành khách công cộng vào khu vực trung tâm thành phố.

Đối với xe ô tô con (xe cá nhân), Sở GTVT Hà Nội cũng tính đến việc tổ chức dừng hoạt động theo giờ tại một số tuyến đường, khu vực; Một số khu vực theo lộ trình cho phép xe ô tô cá nhân đi vào giờ cao điểm nhưng có thu phí.

Để hạn chế được phương tiện cá nhân, Sở GTVT Hà Nội cũng đưa ra lộ trình cụ thể phát triển vận tải hành khách công cộng. Trong đó, đến năm 2020, vận tải hành khách công cộng đáp ứng 25% tương đương 5,78 triệu chuyến đi/ngày đêm; vận tải cá nhân đáp ứng 75% tương ứng 17,35 triệu chuyến đi/ngày đêm.

Sở GTVT Hà Nội cũng tính toán đến việc thu phí hoạt động của ô tô trên một số tuyến đường trong giờ cao điểm
Sở GTVT Hà Nội cũng tính toán đến việc thu phí hoạt động của ô tô trên một số tuyến đường trong giờ cao điểm

Đối với xe buýt sẽ được tối ưu mạng lưới, mở mới trung bình 15-20 tuyến buýt/năm tương ứng đầu tư mới 500-550 phương tiện buýt/năm với các chủng loại đa dạng (gồm cả mini buýt). Đến năm 2020, thêm 2.100 km buýt mới với tổng số lượng xe buýt khoảng 3.100 xe.

Đến năm 2020, Hà Nội cũng sẽ hoàn thiện theo quy hoạch 3 tuyến xe buýt nhanh gồm: Kim Mã - Lê Văn Lương - Yên Nghĩa (14km); tuyến đi theo Vành đai 3 từ Mai Dịch - Dương Xá (25km); tuyến đi theo Vành đai 2,5 và Quốc lộ 5 kéo dài (54km).

Trong giai đoạn này, Sở GTVT Hà Nội cũng đặt mục tiêu, hoàn thiện theo quy hoạch 5 đoạn tuyến đường sắt đô thị bao gồm: Tuyến số 1 đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên (26km); tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (12km) và đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình (6km); tuyến số 2A đoạn Cát Linh - Hà Đông (14km); tuyến số 3 đoạn Nhổn – Ga Hà Nội (13km); tuyến số 5 đoạn Văn Cao – vành đai 4 (14km).

Quang Phong - Như Quỳnh