1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đơn phương cấm amiăng trắng – Việt Nam sẽ tự cô lập mình?

Nhiều câu hỏi liên quan đến việc “cấm” amiăng trắng tại Việt Nam đang đặt ra mà chưa có hướng trả lời, tháo gỡ thoả đáng, từ vấn đề vật liệu thay thế cho hàng nghìn sản phẩm đang dùng loại vật liệu này tới khả năng vi phạm các điều ước, hiệp định thương mại quốc tế đã ký kết...

Theo nhiều tài liệu đang được công bố rộng rãi, con người đã biết khai thác và sử dụng amiăng từ khoảng hơn 4000 năm trước nhưng việc thương mại hóa loại vật liệu này mới phát triển mạnh từ thế kỷ 19. Theo thống kê của Viện nghiên cứu vật liệu, có khoảng 3000 loại sản phẩm vẫn có chứa amiăng.

Số lượng amiăng được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới ở giai đoạn 1960 – 1970. Từ năm 1980, việc khai thác, thương mại hóa và sử dụng amiăng giảm sút bởi nhiều nước đã cấm hoặc hạn chế sử dụng loại vật liệu này do trong quá khứ, việc sử dụng nhóm sợi amiăng nâu, xanh không đúng cách, cùng điều kiện làm việc không đảm bảo an toàn đã gây ra những hệ luỵ bệnh tật về phổi cho công nhân. Những bệnh nhân mắc bệnh bụi phổi được phát hiện ngày hôm nay chính là kết quả của việc tiếp xúc với amiăng xanh và nâu từ 20 - 40 năm trước.


Sản xuất tấm lợp fibro ximăng trong dây chuyền khép kín, tự động có thể kiểm soát, tránh sự phát tán sợi amiăng trắng ra ngoài môi trường.

Sản xuất tấm lợp fibro ximăng trong dây chuyền khép kín, tự động có thể kiểm soát, tránh sự phát tán sợi amiăng trắng ra ngoài môi trường.

Trước những ý kiến cho rằng amiăng trắng là nguyên nhân gây bệnh ung thư và cách tốt nhất là cấm sử dụng toàn bộ các loại sợi amiăng, nhiều nghiên cứu khoa học tại Việt Nam đã thực hiện bởi các bộ ngành.

Kết quả, Bộ Y tế khẳng định “không tìm thấy trường hợp nào bị ung thư trung biểu mô phổi” do liên quan đến amiăng mà hầu hết các trường hợp bệnh đều liên quan đến hút thuốc lá.

Báo cáo này phù hợp với nhiều nghiên cứu quốc tế đã được tiến hành hàng chục năm qua của các nhà khoa học ở Anh, Mỹ, Thuỵ Điển, Úc, Đức… được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín có hệ thống bình duyệt (peer-reviewed). Theo đó, các nghiên cứu đều có chung kết luận, không tìm thấy bằng chứng về bệnh tật do amiăng gây ra nếu loại vật liệu này được sử dụng có kiểm soát.

Không giống như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam chỉ sử dụng amiăng trắng với khoảng 60.000 tấn loại vật liệu này được nhập khẩu hàng năm, chủ yếu từ Nga, Kazakhstan và Brazil. Mặc dù có cùng chung tên thương mại là amiăng, nhưng sợi khoáng amiăng trắng hoàn toàn khác sợi amiăng nâu và xanh về thành phần hoá học, màu sắc, tính chất cơ lý, ứng dụng và mức độ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.

Hiện nay amiăng trắng vẫn đang được cho phép sử dụng có kiểm soát tại 172 quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó có những nước như Mỹ, Liên bang Nga, Mexico, Brazil, Ukraine, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia…

90% lượng sợi amiăng nhập khẩu về được sử dụng để làm các sản phẩm tấm lợp fibro xi măng được hầu hết các gia đình Việt Nam sử dụng phổ biến hàng chục năm qua. Không chỉ bền chắc trong các điều kiện thời tiết khắc nghiệt, với giá thành thấp, tấm lợp fibro xi măng còn là mặt hàng phù hợp cho người dân nghèo và người dân vùng thường xuyên gặp thiên tai.

3000 sản phẩm có amiăng trắng, thay thế như nào?

Nhiều câu hỏi liên quan đến việc “cấm” amiăng trắng đang đặt ra mà chưa có hướng trả lời, tháo gỡ thoả đáng.

Loại bỏ amiăng trắng, cũng là loại bỏ ngành sản xuất tấm lợp fibro xi măng là buông bỏ một thị trường rộng lớn phục vụ nhu cầu của đa phần những người dân nghèo để mở cửa cho những sản phẩm thay thế của Trung Quốc, Thái Lan... tràn vào?

Bên cạnh đó, việc “cấm cửa” amiăng trắng sẽ tác động thế nào tới nhiều ngành công nghiệp khác khi trên thực tế, các sản phẩm từ má phanh máy bay, ô tô, xe tải, quần áo chống cháy, các loại vật liệu cách điện, cách nhiệt trong các nhà máy điện, xi măng, ngành đóng tàu biển… đều đang có sử dụng loại vật liệu này?

Ngoài ra, đề xuất ban hành lệnh cấm amiăng trắng đã tính đến những ảnh hưởng thương mại liên quan đến nhiều công ước, hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

WTO được xem như một ví dụ. Tham gia tổ chức Thương mại thế giới, Việt Nam bắt buộc đảm bảo nguyên tắc, không có sự phân biệt đối xử giữa hàng hóa của các nước khác nhau giữa các nước thành viên. Các biện pháp hạn chế số lượng xuất khẩu - nhập khẩu bị cấm trong WTO.

Việc Việt Nam đơn phương cấm nhập khẩu amiăng trắng mà không có bằng chứng khoa học, không tiến hành đàm phán với các thành viên của WTO được cảnh báo là có thể dẫn đến vi phạm các Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) đã ký kết khi gia nhập WTO.

Việt Nam cũng là một thàn viên của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu (VN-EAEU FTA). Theo đó, các nước thành viên, bao gồm Việt Nam đều phải tuân thủ nguyên tắc, có thông báo, tham vấn và đàm phán trước cho ý định cấm bất cứ chất nào và phải có các bằng chứng khoa học cho lệnh cấm đó.

Trong chuyến thăm Nga mới đây của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, cả Nga và Kazakhstan đã bày tỏ quan ngại về ý định thực hiện lộ trình hạn chế, tiến dần đến cấm nhập khẩu, sử dụng amiăng trắng.

Khi đó, Bộ trưởng Bộ thương mại UB kinh tế Á-Âu Veronica Nikishina đã nghiêm túc bày tỏ sự không đồng tình về việc Việt Nam áp đặt lệnh cấm này khi không có bằng chứng cụ thể về việc loại vật liệu này gây ra gánh nặng bệnh tật cho người dân Việt Nam trong khi chúng đã được sử dụng phổ biến trong 60 năm qua.

Theo Hội Vật liệu Xây dựng, hiện nay vẫn còn 147 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 6 tỷ người đang cho phép sử dụng amiăng trắng và các sản phẩm có chứa amiăng trắng trong đó có các nước lớn như Mỹ, Nga, Ấn Độ Trung Quốc và Brazil. Đặc biệt, các nước lân cận trong khu vực với nền kinh tế và điều kiện xã hội tương tự Việt Nam đều đang cho phép sử dụng loại vật liệu này. Vì vậy, Việt Nam cần cân nhắc kỹ lưỡng khi ban hành lệnh cấm amiăng trong khi loại sợi này chưa gây ra trường hợp bệnh tật nào tại Việt Nam.

Kiều Anh