“Đồi nhân tạo” gây ra cảnh ngập lụt ở Quảng Ninh?
(Dân trí) - Chuyên gia khí tượng thủy văn cho rằng, tại Quảng Ninh có nhiều bãi thải đất, đá, than lớn tạo lên những “quả đồi nhân tạo”; chúng có độ kết dính kém, gặp mưa lớn rất dễ bị sạt lở. Khi sạt lở, đất, đá… đó chặn các dòng chảy dẫn đến ngập lụt kéo dài.
Những ngày qua tại Quảng Ninh xuất hiện mưa rất lớn, có nơi đo được trên 1.000mm, gây ra cảnh ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, tập trung chủ yếu ở các huyện và thành phố ven biển. Trận ngập lụt kinh hoàng này đã làm 17 người chết, nhiều người bị thương và hàng nghìn ngôi nhà bị nhấn chìm trong “biển nước”.
Nhiều người thắc mắc, những vùng ngập úng của tỉnh Quảng Ninh như trên đã nói chủ yếu ở ven biển, lẽ ra khả năng thoát lũ ra biển rất thuận lợi, nhưng tại sao lại có tình trạng ngập lụt lâu đến như vậy. Để lý giải vấn đề này, PV Dân trí đã có cuộc trò chuyện với Tiến sỹ Bùi Minh Tăng – nguyên Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương (hiện ông vẫn phối hợp với trung tâm này để thực hiện công việc dự báo khí tượng).
Tiến sỹ Bùi Minh Tăng trong một cuộc họp báo tại Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia (ảnh: Nguyễn Dương)
Mấy ngày qua do mưa lớn, một số nơi ở Quảng Ninh đã xảy ra tình trạng ngập úng kéo dài. Nhiều người thắc mắc, khu vực này nằm gần biển thì khả năng thoát lũ rất nhanh. Vậy tại sao lại có tình trạng như vừa qua, thưa ông?
Các vùng trọng điểm kinh tế của Quảng Ninh chủ yếu tập trung ở ven biển từ Móng Cái cho đến Bãi Cháy. Những vùng này địa hình rất phức tạp. Ở các vùng mỏ có rất nhiều điều khác thường, có các moong mỏ sâu, các bãi thải rất lớn, như là quả đồi nhân tạo. Quả đồi tự nhiên có độ kết dính bền vững, trong khi đồi nhân tạo do đào chỗ nọ đổ chỗ kia, độ kết dính rất yếu và gặp lượng mưa như thế, sạt lở là điều không thể tránh khỏi.
Có những moong nằm sâu dưới 50-60m so với mặt nước biển, có hàng chục mét là bùn và khi sạt lở, bùn, chất thải sẽ trộn lại, làm tắc hệ thống cống thoát, sông suối đổ ra biển. Vì vậy ngập ở đó kéo dài và gây thiệt hại nặng nề.
Được biết, trong đợt mưa lũ lần này, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương đã phát hiện sớm và đã đưa ra bản tin cảnh báo. Nhưng tại sao bà con nhân dân tỉnh Quảng Ninh có vẻ vẫn bị động trong vấn đề đối phó với sạt lở đất, lũ quét và bị thiệt hại nặng nề như vậy?
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương đã phát hiện ra hình thế gây mưa nguy hiểm từ ngày 21/7 và đã ra thông báo vào ngày 22/7. Đến chiều ngày 23/7, Bắc Bộ bắt đầu mưa. Chúng tôi trên này chỉ cảnh báo được vùng này có mưa lớn, chứ để chỉ ra cụ thể quả đồi, ngọn núi nào có nguy cơ sạt lở hoặc dòng sông, con suối nào có nguy cơ xảy ra lũ quét thì thực sự không làm được. Điều này chỉ có người dân địa phương nếu quan tâm, theo dõi và bằng kinh nghiệm mới biết được.
Nhưng lượng mưa rơi xuống cũng chỉ là điều kiện cần, chứ không phải là điều kiện đủ để xảy ra lũ quét và sạt lở đất. "Đủ" có nhiều thứ như phụ thuộc vào độ dốc, thảm thực vật, kết cấu đất đá vùng đó như thế nào nữa. Có những trận mưa chỉ 50-70mm cũng có thể xảy ra lũ quét, nhưng có những điểm mưa tới 200-300mm nhưng không làm sao, vì dòng nước không bị chặn nên không thể xảy ra lũ quét. Tôi lấy ví dụ, 1 con suối ở 1 xã nào đó dài khoảng 3-4km, bình thường không làm sao, nhưng bất ngờ có 1 cái cây nào đó đổ xuống, hoặc do con người chặt phá rừng dẫn đến cây đổ xuống, khi mưa xuống nó chặn dòng, sau đó dồn ứ lại và phá ra là nguy cơ xảy ra lũ quét ngay.
Trong phòng chống lũ quét, chính người dân ở địa phương đó mới biết nguy cơ của mình đến mức nào. Mỗi một địa phương cần thành lập 1 nhóm, khi người ta báo mưa thì nhóm này sẽ đi rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét; chỗ nào tích nước rồi cần phá ra để khơi thông dòng chảy.
Trận mưa vừa qua có thể nói là trận mưa lớn lịch sử xảy ra ở tỉnh Quảng Ninh. Cá nhân ông đánh giá như nào về trận mưa này?
Có thể nói hình thế mưa đợt này là nguy hiểm. Nhưng rất may vùng thấp gây mưa lại nằm trọn trong Vịnh Bắc Bộ và phía tây chỉ “liếm” 1 chút vào ven biển Quảng Ninh. Chính vì vậy, Quảng Ninh phải hứng chịu chính đợt mưa này. Trong các ngày 26, 27,28/7, mưa tập trung ở các tỉnh ven biển của tỉnh Quảng Ninh. Lượng mưa đo được từ 500-800mm, có nơi trên 1.000mm, lượng mưa này đã vượt số liệu quan trắc lịch sử của cơ quan khí tượng Quảng Ninh từ trước đến nay.
Trong lịch sử chúng tôi thống kê có 2 trận mưa lớn, nhưng lượng mưa vẫn kém hơn nhiều so với đợt mưa này ở Quảng Ninh. Năm 1986, mưa lớn từ ngày 19-24/7, lượng mưa đo được là 300-600mm. Năm 1978, mưa lớn cũng kéo dài 3 ngày trong tháng 7 nhưng cũng chỉ đạt 200-300mm.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Dương (Thực hiện)