Hà Tĩnh:
Doanh nghiệp nuôi tôm khẩn cấp kêu cứu tỉnh
(Dân trí) - Trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp vẫn cố gắng nộp đủ hơn 9,5 tỷ đồng cho tỉnh với hi vọng sớm nhận được đất để đầu tư nuôi tôm, thế nhưng đã hơn một năm đóng tiền, doanh nghiệp này vẫn chưa được bàn giao đất như kế hoạch.
Tiền trao, cháo không múc
Công ty Công ty TNHH Growbest Hà Tĩnh là doanh nghiệp nuôi tôm công nghệ cao có quy mô lớn ở Hà Tĩnh. Cho đến thời điểm này, công ty này đã bỏ ra hơn 100 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng cho cả 3 khu nuôi với tổng diện tích 36,8 ha ở hai xã Kỳ Phương, Kỳ Nam, thuộc thị xã Kỳ Anh.
Những thắng lợi bước đầu của các vụ nuôi cho phép Công ty Growbest Hà Tĩnh quyết định trình BQL KKT Vũng Áng (nay là BQL khu kinh tế tỉnh), tỉnh Hà Tĩnh xin mở rộng diện tích nuôi.
Đề xuất của Công ty Growbest Hà Tĩnh đã được tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt. Sau khi thu hồi hơn 90ha đất từ Công ty Việt Anh tại xã Kỳ Nam, tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định bàn giao khu đất nói trên cho Công ty Growbest.
Để tiếp quản khu đất này, ngoài số tiền thuê đất hàng năm (50 năm), Công ty Growbest phải thay tỉnh Hà Tĩnh chi trả đền bù tài sản trên đất cho Công ty Việt Anh tổng số tiền hơn 9,5 tỷ đồng.
Thực hiện đúng cam kết với BQL khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh, dù gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là hậu quả sự cố môi trường biển (tháng 4/2016) khiến hoạt động sản xuất của công ty gần như bị tê liệt, Công ty TNHH Growbest vẫn chi trả toàn bộ số tiền đền bù nói trên cho Công ty Việt Anh.
Sau khi chi trả hơn 917 triệu đồng vào ngày16/3/2016, số còn lại Công ty Growbest đã hoàn tất đền bù cho Công ty Việt Anh vào ngày 8/3/2017.
Ngay sau đó, vào tháng 4/2017, BQL KKT tỉnh Hà Tĩnh đã ký hợp đồng cho Công ty Growbest thuê khu đất 90ha nói trên trong thời hạn 50 năm.
Sau sự cố môi trường biển, việc phải đóng cửa khu nuôi 38 ao ở xã Kỳ Phương, đóng cửa phân nửa diện tích nuôi ở xã Kỳ Nam khiến Công ty Growbest thiếu diện tích nuôi thả trầm trọng. Thế nên, sau khi có trong tay đầy đủ các thủ tục pháp lý về khu đất 90ha vừa kí hợp đồng, được sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền, Công ty Growbest đã đầu tư vốn, huy động nhân lực, máy móc triển khai tu sửa, nâng cấp hệ thống ao nuôi. Thế nhưng, khi doanh nghiệp này vừa triển khai thi công, một bộ phận người dân Kỳ Nam đã ra ngăn cản không cho triển khai dự án.
Lý do mà người dân đưa ra là 60 trong tổng số 90 ha đất mà UBND tỉnh Hà Tĩnh thu hồi của Công ty Việt Anh cho Công ty Growbest thuê là đất Công ty Việt Anh thuê của dân, hết hợp đồng phải trả lại cho người dân.
Ngoài ra, lấy lí do chưa giải quyết xong số 60ha nói trên một bộ phận người dân Kỳ Nam tiếp tục ngăn cản không cho công ty Growbest triển khai dự án ở diện tích 30ha còn lại.
Ông Đặng Văn Thành – Phó Giám đốc Công ty TNHH Growbest Hà Tĩnh cho biết, việc một bộ phận người dân Kỳ Nam ngăn cản Công ty Growbest triển khai dự án đã khiến công ty này thiệt đơn thiệt kép, khó khăn thêm chồng chất, phân nửa cán bộ, công nhân đã tạm nghỉ việc.
“Sau sự cố môi trường biển chưa kịp gượng dậy, thì cơn bão số 10 vừa qua lại khiến công ty chúng tôi thiệt hại trên 40 tỷ đồng. Nếu giờ công ty không được bàn giao đất đúng cam kết, đúng với tiền của, công sức mà bỏ ra, công ty chỉ còn nước phải đóng cửa, phá sản hoàn toàn”- ông Thành nói.
Ông Thành phản ánh, chính quyền xã Kỳ Nam và huyện Kỳ Anh chưa quyết liệt trong việc giải thích, tuyên truyền vận động nhân dân là một nguyên nhân khiến đến nay doanh nghiệp vẫn chưa được bàn giao mặt bằng.
“Người dân làm thế, doanh nghiệp ai người ta vào đầu tư”
Làm việc với PV Dân trí, ông Nguyễn Đình Vin, Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam thừa nhận, nhà đầu tư- Công ty TNHH Growbest- đã thiệt đơn, thiệt kép khi chưa thể triển khai dự án nuôi tôm trên khu đất được tỉnh chấp thuận cho đầu tư nói trên.
“Họ đã rất dày công, đã chi trả tiền thuê đất, rồi gần chục tỷ đồng tiền đền bù cho công ty Việt Anh. Bỏ chi phí đầu tư rất lớn mà không được triển khai dự án như kế hoạch thì rõ ràng thiệt hại nhiều đường. Chỉ tính riêng chi phí lãi vay, chi phí cho công nhân cũng đã rất lớn” – ông Vin nói.
Ông Vin cho biết, nếu chiếu theo luật đất đai, các văn bản mà tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành, những đòi hỏi của người dân là không có cơ sở để giải quyết. Cụ thể, theo ông Vin, toàn bộ 60 ha đất của của công ty Việt Anh thuê, trước đó công ty này đã đền bù cho người dân. “Nếu đúng ra, sau khi cho công ty Việt Anh thuê, huyện và xã phải hướng dẫn các hộ dân bị thu hồi đất đăng ký biến động đất đai, rồi điều chỉnh ngay biến động này. Nhưng thời đó (từ những năm 2000) huyện, không làm, rồi xã cũng để kéo dài không ai hay, nên giờ người dân vẫn nghĩ là đất đó là vẫn của họ, phải trả cho họ”- ông Vin cho hay.
Văn bản Thông báo kết quả rà soát, kiểm tra trả lời kiến nghị của một số hộ dân xã Kỳ Nam trong việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ dự án nuôi tôm của công ty Việt Anh do PCT UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn ký ngày 4/7/2016 cũng đã nói rất rõ thông tin mà ông Vin cung cấp.
Ngoài chỉ ra thiếu sót này của huyện Kỳ Anh (cũ) và xã Kỳ Nam, thông báo của UBND tỉnh Hà Tĩnh còn yêu cầu thị xã Kỳ Anh và xã Kỳ Nam phải tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu rõ, đồng thời chấp thuận các quy định pháp luật về đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư.
Mặc dù vậy, như ông Vin thừa nhận, dù đã nhiều lần tuyên truyền, đối thoại, nhưng người dân vẫn không chấp hành. “UBND xã đã nhiều lần làm việc với các hộ dân. Đến nước tôi đã nói với họ là chúng ta làm thế doanh nghiệp ai người ta vào đầu tư, nhưng họ vẫn chưa chấp thuận”- ông Vin nói.
Theo ông Vin, hiện vụ việc đã vượt quá sức giải quyết của địa phương nên xã đang chờ hướng xử lí của thị xã và tỉnh.
Ông Nguyễn Quốc Hà, Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cho biết, thị xã xác định đây là một trong những vụ việc chính quyền thị xã đang tập trung giải quyết vừa bảo đảm môi trường, quyền lợi nhà đầu tư, vừa đảm bảo ổn định địa phương, đời sống cho nhân dân. .
Ông Hà nêu hai phương án nhằm sớm chấm dứt việc người dân ngăn cản Công ty Growbest triển khai dự án. Trước mắt thị xã huy động hệ thống chính trị, trong đó đã điều động một cán bộ nhiều kinh nghiệm xử lí các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng về đảm nhiệm chức vụ Bí thư xã Kỳ Nam, nhằm tuyên truyền để người dân hiểu rõ. Tiếp đó, thị xã đang lập dự án hỗ trợ chuyển đổi nghề cho một bộ phận người dân ở xã Kỳ Nam.
Đấy cũng là lí do Công ty Growbest vừa có văn bản khẩn cấp cầu cứu Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.
Hà Phương