1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hà Tĩnh:

Đê “dát vàng” tan hoang chỉ sau vài tháng bàn giao: Ông trời lại gánh tội?

(Dân trí) - Một tuyến đê biển được xem là "dát vàng" với nhiệm vụ ngăn mặn và chắn sóng, thế nhưng chỉ sau một cơn bão đã tan hoang. Các ngành chức năng mặc nhiên kết luận lỗi do ông trời…

Như Dân trí đã phản ánh Dự án Củng cố, nâng cấp tuyến đê biển Lộc Hà (Hà Tĩnh) có tổng chiều dài 1,26km, thuộc địa bàn xã Thạch Bằng, do UBND huyện Lộc Hà làm chủ đầu tư. Tổng vốn đầu tư là 89 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh.

Đê “dát vàng” tan hoang chỉ sau vài tháng bàn giao: Ông trời lại gánh tội? - 1
Dự án vừa bàn giao được 4 tháng đã hư hỏng như thế này
Dự án vừa bàn giao được 4 tháng đã hư hỏng như thế này

Dự án do Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Mỹ Hưng (đóng tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà) thi công.

Đây được xem là tuyến đê “dát vàng”. Thế nhưng khi dự án chỉ mới được nghiệm thu, bàn giao sử dụng vào cuối tháng 8, đầu tháng 9/2017 thì đã bị xuống cấp trầm trọng.

“Đê gì mà nhanh hư hỏng vậy? Gần cả trăm tỷ đồng tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân đấy”, nhìn vào tuyến đê những người dân nơi đây ngán ngẩm mà thốt lên những lời đầy bức xúc.

Để tìm hiểu về nguyên nhân, trách nhiệm liên quan đến sự việc này, PV Dân trí đã có buổi làm việc với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản huyện Lộc Hà (đại diện chủ đầu tư dự án).

Tại đây ông Nguyễn Xuân Trường, Trưởng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản huyện Lộc Hà thừa nhận thực trạng nhiều vị trí tại tuyến đê bị xuống cấp trầm trọng. Tuy nhiên, phía chủ đầu tư lại cho rằng đê hư hỏng là do ông trời?.

“Dự án đê này bị hư hỏng một số vị trí là do cơn bão số 10 vừa qua. Đê này chỉ chịu đựng được bão cấp số 10”, ông Trường cho biết.

Cũng theo ông Trường thì dự án đê biển này cũng đã thiết kế sức chịu đựng cấp số cao nhất là bão cấp số 10.

Đê “dát vàng” tan hoang chỉ sau vài tháng bàn giao: Ông trời lại gánh tội? - 3
Nhiều người nghi ngờ và đặt câu hỏi về chất lượng của công trình này
Nhiều người nghi ngờ và đặt câu hỏi về chất lượng của công trình này

“Theo quy chuẩn Việt Nam thì đê biển chỉ được thiết kế đến cấp 10 thôi. Còn bão vượt cấp thì bất khả kháng”, ông Trường nói.

Tuy nhiên theo một cán bộ kỹ thuật của Ban Quản lý các dự án ODA ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp Hà Tĩnh) thì cho rằng cần phải đánh giá lại tổng thể toàn bộ dự án, chứ không thể đổ lỗi do bão được.

“Cái này là do nhiều yếu tố tạo nên, chứ không thể đổ lỗi cho bão được. Có thể trong quá trình thi công anh không làm đúng thiết kế, ví dụ anh thi công, anh giám sát, anh đắp lớp đất có đúng theo thiết kế, tiêu chuẩn đắp hay không”, vị này nói.

“Việc thiết kế theo cấp 10, cao nhất thì đê này cơ bản đảm bảo, sóng không thể xô được, không thể hư hỏng như thế được. Cái này cần phải làm rõ quy trình lúc thi công, chứ nếu thi công đúng thiết kế, đúng tiêu chuẩn thì nó đảm bảo hơn nhiều”, vị này phân tích thêm.

Còn liên quan đến trách nhiệm trong việc này thì ông Nguyễn Xuân Trường, Trưởng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản huyện Lộc Hà cho biết:“Về vấn đề bảo hành thì bão dưới cấp độ 10 thì mới bão hành. Chúng tôi đang làm tờ trình để xin tỉnh tiếp tục hỗ trợ khoảng 3 tỷ đồng. Sau đó sẽ thuê một đơn vị thi công để sửa chữa lại”

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc này.

Xuân Sinh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm