1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Dấu tích Sài Gòn xưa bên dưới những vỉa hè loang lổ

(Dân trí) - Những ngày cuối năm 2015 vừa qua, quá trình thi công nâng cấp vỉa hè đường Hai Bà Trưng (quận 1, TPHCM) đã làm phát lộ nhiều bó vỉa đá xanh hàng trăm năm tuổi, dấu tích của Sài Gòn một thời xưa cũ… khiến nhiều người bồi hồi.

Trong những ngày cuối năm 2015, thành phố thi công nâng cấp vỉa hè đường Hai Bà Trưng (quận 1). Các đội thi công làm miệt mài theo chỉ định của các nhà thầu mà không hề để ý đến những thanh đá xưa cũ bên dưới. Họ đào lên rồi vội vàng lấp lại, trát lớp vữa xi măng cho bằng độ cao cốt nền theo hướng dẫn của cai thầu mà không hề để ý những thanh đá xưa cũ ấy lại là những dấu tích quan trọng của thành phố này.

Những thanh đá xanh Biên Hòa nổi tiếng dùng bó vỉa nhiều đường phố Sài Gòn xưa trên đường Hai Bà Trưng được phát lộ khi làm đường
Những thanh đá xanh Biên Hòa nổi tiếng dùng bó vỉa nhiều đường phố Sài Gòn xưa trên đường Hai Bà Trưng được phát lộ khi làm đường

Chỉ khi có người tinh ý mới bỏ công tìm hiểu và phát hiện ra những thanh đá cũ kỹ ấy là đá xanh Biên Hòa nổi tiếng một thời, từng được dùng để xây dựng các công trình kiến trúc quan trọng trong những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Đá xanh Biên Hòa cũng từng được dùng làm bó vỉa nhiều tuyến đường ở đô thị Sài Gòn trước đây, nay là khu trung tâm của TPHCM (quận 1, quận 3).

Một công nhân tham gia sửa vỉa hè trên đường Hai Bà Trưng cho biết, những thanh đá này đã tồn tại từ rất lâu. Mỗi thanh đá dài khoảng 1m, rộng khoảng 18 – 20 cm, cao khoảng 30 –  40 cm; được đục đẽo hoàn toàn thủ công.

Cũng theo các công nhân đang thi công nâng cấp vỉa hè đường Hai Bà Trưng, hiện nay còn khá nhiều thanh đá như thế trên đường này nhưng bị chôn vùi bên dưới các lớp bê tông. Cứ mỗi khi nâng đường, người ta lại lấp thêm một lớp bê tông đè lên khiến các thanh đá bị chôn vùi theo năm tháng.

Một công nhân được thuê đục vỉa hè cũ để thay mới, lộ ra những thanh đá
Một công nhân được thuê đục vỉa hè cũ để thay mới, lộ ra những thanh đá

Hai Bà Trưng là một trong những con đường xưa nhất Sài Gòn. Theo sách “Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu” của tác giả Trần Hữu Quang, vỉa hè của các đường phố chính ở khu trung tâm được xây dựng xong vào năm 1874. Việc trải nhựa đường được thử nghiệm lần đầu tiên ở Sài Gòn vào năm 1904 trên một đoạn đường Hai Bà Trưng ngày nay.

Từ khi xi măng, nhựa đường trở thành vật liệu chính để thi công đường xá, đá xanh đi vào dĩ vãng. Có lẽ từ đó, sau mỗi lần duy tu, những thanh đá xanh Biên Hòa bó vỉa các con đường đô thị Sài Gòn bị bồi lấp, mai một dần.

Những thanh đá cổ bị chôn vùi qua năm tháng
Những thanh đá cổ bị chôn vùi qua năm tháng

Tuy nhiên, nếu ai yêu thích mảnh đất Sài Gòn có thể phát hiện nhưng thanh đá xanh Biên Hòa dùng làm bó vỉa hiện vẫn còn nhiều ở thành phố này. Dù đã trải qua hơn 100 năm, những bó vỉa đá xanh ấy vẫn còn tồn tại ở một số công trình như dọc vỉa hè công viên 30/4 hay quanh Nhà thờ Đức Bà…

Kể từ khi phát hiện những bó vỉa xưa này, nhiều người chỉ trích vì sao thành phố không tận dụng những thanh đá xanh ấy khi cải tạo đường phố mà lại vùi lấp chúng xuống lòng đất. Bởi nếu so sánh có thể thấy đá xanh Biên Hòa làm bó vỉa rất bền vững, sử dụng hàng trăm năm vẫn còn cứng cáp.

Dải đá bó vỉa xung quanh Nhà thờ Đức Bà (khánh thành năm 1880) vẫn “thi gan cùng tuế nguyệt”
Dải đá bó vỉa xung quanh Nhà thờ Đức Bà (khánh thành năm 1880) vẫn “thi gan cùng tuế nguyệt”

Hầu hết các tuyến đường khu trung tâm đều đã dùng bê tông, xi măng để bó vỉa. Nhiều đoạn đường sau thời gian ngắn sử dụng thì bó vỉa bị xuống cấp, bê tông bung bét ra lại phát lộ những bó vỉa bằng đá xanh xưa vẫn còn tốt. Như ở vỉa hè khu vực công viên 30/4, nhiều đoạn bê tông bị bung để lộ ra dải đá xanh bó vỉa vẫn bền vững nằm bên dưới.

TS Võ Đại Nhật – Trường Đại hoc Bách Khoa TPHCM cho biết, ưu điểm của loại đá xanh là cứng, chắc, chịu lực tốt, bền vững với môi trường. Loại đá này thường được sử dụng nhiều như những nơi thờ cúng linh thiêng, lăng mộ hay vỉa hè… Đá xanh đẹp nên người ta cũng sử dụng với mục đích trang trí, tăng vẻ đẹp cho công trình.

Tuy nhiên, theo TS Nhật thì đứng về mặt xây dựng công trình, người ta sẽ phân loại về quy mô, mức độ quan trọng, mục đích sử dụng, nhu cầu và nguồn kinh phí mà xem xét có sử dụng đá xanh hay không chứ không phải tốt hơn là chọn.

Qua thời gian, những lớp bê tông được đắp chồng lên đá đã bị xuống cấp, hư hỏng, nhưng những thanh đá vẫn trơ trơ
Qua thời gian, những lớp bê tông được đắp chồng lên đá đã bị xuống cấp, hư hỏng, nhưng những thanh đá vẫn trơ trơ

“Nguồn tài nguyên đá xanh ít, giá thành cao thì tại sao phải sử dụng? Một công trình cứ sử dụng những vật liệu khác vẫn đạt yêu cầu và tiêu chuẩn, chi phí rẻ hơn thì không nhất thiết phải sử dụng vật liệu đá xanh”, TS Nhật phân tích.

TS Nhật cho biết thêm, hiện nay có rất ít công trình sử dụng đá xanh do gặp phải một số khó khăn. Thứ nhất là vấn đề giá cả. Đá xanh thường có giá cao hơn so với đá xây dựng bình thường. Tùy theo quy mô và khối lượng vật liệu sử dụng, chi phí có thể cao gấp đôi. Thứ hai là nguồn tài nguyên có hạn. Hiện nay số lượng mỏ đá xanh trên cả nước rất hạn chế.

Đình Thảo – Quốc Anh

 

Dấu tích Sài Gòn xưa bên dưới những vỉa hè loang lổ - 6