Quảng Ngãi:
Dân dựng lều phản đối ô nhiễm, nhà máy xi măng “tê liệt”
(Dân trí) - Từ cuối tháng 5 đến nay (22/6), hàng chục hộ dân thuộc thôn Tân Hy và Sơn Trà (xã Bình Đông, huyện Bình Sơn) cư ngụ gần Nhà máy nghiền Clinker Đại Việt - Dung Quất (do Công ty CP Xi măng miền Trung quản lý) tụ tập trước cổng công ty, ngăn cản hoạt động của nhà máy với lý do nhà máy gây bụi và tiếng ồn làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Qua ghi nhận của PV Dân trí, mỗi ngày, có hàng chục người dân dựng lều, võng canh trước cổng nhà máy, ngăn chặn không cho các phương tiện hoạt động ra/vào vận chuyển xi măng và nhập nguyên vật liệu.
“Nếu dân ở thì nhà máy phải đi...”
Vào tháng 6/2012, Nhà máy nghiền xi măng Đại Việt đi vào hoạt động với công suất 500.000 tấn/năm với tổng vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng, giải quyết lao động khoảng 100 người (trong đó 82 người Quảng Ngãi, riêng con em huyện Bình Sơn có 65 lao động).
Đến năm 2013, người dân địa phương sống gần hàng rào nhà máy phản ánh về bụi xi măng và tiếng ồn, đồng thời tụ tập trước nhà máy cản trở hoạt động, yêu cầu bồi thường mặt bằng và di dời đến khu tái định cư xa nhà máy. Sau đó, BQL Khu kinh tế Dung Quất thực hiện di dời 107 hộ dân (đợt 1) trong khoảng cách 50m từ nhà ở đến tường rào nhà máy, tổng số tiền nhà nước tổ chức di dời là 36 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Minh Hùng bức xúc khi nhà ở trong phạm vi 50m nhưng chưa được di dời, ông nói: “Khi nhà máy hoạt động, bụi xi măng bay phủ đầy nhà, rồi bụi rơi xuống giếng nước kèm theo tiếng ồn, tôi không thể nào sống yên ổn được. Mà tôi không hiểu tại sao, nhà tôi ở gần nhà máy như vậy mà chưa được di dời, trong khi những hộ khác đã di dời rồi. Chúng tôi mong muốn bồi thường để đi nơi khác sinh sống hoặc trả tự do để chúng tôi sửa chữa nhà cửa”.
Nỗi bức xúc trên khiến người dân địa phương ăn, ngủ không yên khi nhà máy vận hành. Ông Nguyễn Nề (SN 1940) đề nghị: “Nếu dân ở thì nhà máy phải đi hoặc nhà máy ở thì dân đi, chứ không thể cả 2 bên sống chung như vậy mãi”.
Theo kế hoạch, 236 hộ dân (bán kính từ 50 - 100m đến chân tường nhà máy, đồng thời nằm phần diện tích thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Dung Quất) thuộc đợt 2 tiếp tục được di dời, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho phép BQL Khu Kinh tế Dung Quất tạm ứng 87,2 tỷ đồng chi trả bồi thường và hoàn trả tạm ứng khi Trung ương bố trí vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án Nhà máy nhiệt điện Dung Quất (Tập đoàn Sembcorp - Singapore). Dự kiến vào đầu năm 2016, tỉnh Quảng Ngãi giao đất sạch cho Nhà máy nhiệt điện Dung Quất nhưng dự án lùi đến năm 2020 mới xây dựng, kéo theo đó, việc di dời 236 hộ dân đành “dậm chân tại chỗ” và người dân địa phương cho rằng chưa di dời là do Nhà máy nghiền Clinker Đại Việt - Dung Quất.
Nhà máy xi măng Đại Việt bị tê liệt từ ngày 26/5 đến nay (22/6).
Trao đổi với PV Dân trí, ông Trịnh Văn Diễn - Giám đốc Công ty CP Xi măng miền Trung nói.“Người dân cho rằng nhà máy khi hoạt động phát tán bụi xi măng gây ô nhiễm môi trường, chúng tôi mời đơn vị quan trắc môi trường thì kết quả đảm bảo. Còn khoảng cách tiếng ồn, hiện nay Sở TN&MT tỉnh chưa xác định được cụ thể. Số hộ chưa di dời đợt 2 đã hiểu lầm, liên tục cản trở hoạt động nhà máy. Chúng tôi phải đóng cửa chờ giải quyết, kéo theo gần 100 nhân viên là con em địa phương bị nghỉ việc không lương. Không hoạt động ngày nào, nhà máy bị thiệt hại gần 300 triệu đồng mỗi ngày. Chúng tôi không biết làm sao bây giờ?”.
Chính quyền “đem con bỏ chợ”?
Từ ngày 26/5 đến nay, người dân địa phương liên tục tụ tập trước cổng công ty, ngăn cản hoạt động và khiến nhà máy dừng hoạt động. Trong khi đó, không có sự can thiệp của chính quyền địa phương và BQL Khu Kinh tế Dung Quất, dẫn đến việc tụ tập kéo dài gây mất an ninh trật tự.
Người dân dựng lều trước cổng nhà máy, yêu cầu chính quyền di dời đến nơi tái định cư.
Trước bức xúc trên, vào ngày 30/5/2016, ông Trần Ngọc Căng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi có văn bản (số 2673/UBND-CNXD) hỏa tốc, chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh xác định phạm vi và thống nhất thời gian hợp lý để Công ty CP Xi măng miền Trung tiếp tục hợp đồng với Trung tâm Quan trắc môi trường (Tổng cục Môi trường) thực hiện việc quan trắc môi trường, đồng thời cử cán bộ giám sát quá trình quan trắc.
Bên cạnh đó, chỉ đạo BQL Khu Kinh tế Dung Quất khẩn trương thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, an sinh xã hội cho các hộ dân xung quanh Nhà máy xi măng Đại Việt trong tổng kinh phí 9 tỷ đồng đã được UBND tỉnh bố trí, đảm bảo cho người dân yên tâm sinh sống, ổn định sản xuất tại nơi ở hiện nay.
Đồng thời, yêu cầu UBND huyện Bình Sơn chỉ đạo UBND xã Bình Đông thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ quy trình và kết quả quan trắc môi trường tại Nhà máy xi măng Đại Việt trong thời gian đến; làm tốt công tác tư tưởng, vận động người dân đang tụ tập, cản trở tại nhà máy tập trung lo sản xuất, làm ăn; xem xét hỗ trợ an sinh cho những trường hợp thật sự khó khăn để người dân yên tâm sinh sống, ổn định sản xuất.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Mỹ Liên - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi khẳng định: “Sở đã gửi công văn mời Trung tâm Quan trắc môi trường (Tổng cục Môi trường), sau khi thống nhất kế hoạch quan trắc, họ sẽ vào hỗ trợ địa phương quan trắc tại Nhà máy nghiền Clinker Đại Việt - Dung Quất”.
Đối với chính quyền, theo chỉ đạo trên, ông Võ Đình Trà - Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết giao UBND xã Bình Đông vận động và giải thích cho người dân địa phương theo thẩm quyền. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Vũ - Chủ tịch UBND xã Bình Đông (huyện Bình Sơn) khẳng định: “Tình hình ổn...”.
Trên thực tế, cho đến chiều ngày 22/6, người dân vẫn tụ tập trước cổng công ty, sẵn sàng huy động hàng chục hộ dân có mặt để ngăn cản mọi hoạt động của Nhà máy nghiền Clinker Đại Việt - Dung Quất. Tình trạng người dân không lo sản xuất, nhà máy ngừng hoạt động, công nhân bị nghỉ việc không lương, an ninh trật tự bất ổn,... diễn biến kéo dài nhưng chính quyền chỉ can thiệp trên “văn bản”?
“Nhận hỗ trợ mà còn ở lại thì chúng tôi không đồng ý. Người dân phải đi thôi...”, ông Nguyễn Nề quả quyết nói.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin diễn biến vụ việc đến bạn đọc.
Hồng Long