Kiên Giang:

Dân bức xúc thúc cán bộ "đừng hứa nữa, mau cứu lúa, cứu dân!"

(Dân trí) - “Mấy ngày nữa không có nước ngọt bơm vào lúa sẽ chết hết. Nếu vụ lúa này thất bát nữa, gia đình tôi chẳng còn con đường nào sống, sẽ chết theo lúa. Bây giờ lãnh đạo tìm cách đưa nước ngọt về cứu lúa, cứu dân… đừng hứa, đừng bàn nữa!”.

Hàng ngàn ha lúa trên địa bàn huyện Kiên Lương (Kiên Giang) đang trong giai đoạn trổ bông sắp chết vì khô hạn. Nguyên nhân do tất cả các kênh, rạch bị nhiễm mặn, người dân không thể bơm nước vào ruộng. Việc này, làm hàng trăm hộ dân đang đứng ngồi không yên vì lo lúa chết…

"Lúa chúng tôi chết, ai chịu tránh nhiệm?”

Từ phản ánh của nhiều người dân về tình trạng nước mặn tràn sâu vào nội đồng hai xã Kiên Bình, xã Hòa Điền (huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) hơn một tuần qua, khiến hàng trăm ha lúa sắp chết vì khô hạn, PV Dân trí đến tìm hiểu. Bà con trồng lúa lúc này như đang ngồi trên đống lửa… kéo nhau UBND huyện, đòi đóng cống kênh 6, tìm giải pháp đưa nước ngọt về cứu lúa.

Trước yêu cầu của hàng chục hộ dân, Ban tiếp dân huyện Kiên Lương mời người dân vào phòng họp, lắng nghe ý kiến, báo cáo lãnh đạo huyện giải quyết. Mặc dù, trước sự việc hàng ngàn ha lúa sắp chết vì hạn mặn, nhưng buổi hợp chỉ có ông Lê Văn Hiền - Phó Chánh văn phòng UBND huyện và ông Trần Bình Trọng – Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng ra tiếp dân.


Anh Trần Văn Tuấn và nhiều người dân cho rằng, nguyên nhân nước mặn tràn vào nội đồng như hiện nay là do chính quyền chậm đóng đập kênh 6

Anh Trần Văn Tuấn và nhiều người dân cho rằng, nguyên nhân nước mặn tràn vào nội đồng như hiện nay là do chính quyền chậm đóng đập kênh 6

Ông Đỗ Ngọc Thanh – xã Hòa Điền, bức xúc cho biết: “Bây giờ nước mặn đã tràn vào nội đồng chiếm 90% diện tích lúa vụ Đông Xuân 2017-2018. Lúa đang trong giai đoạn trổ nhưng không có nước ngọt bơm vào, nếu 5 ngày tới không có nước ngọt sẽ thiệt hại trên 50%, còn chậm thêm 10 ngày nữa thì bà con mất trắng. Tại sao, bà con lên đây báo việc này nhiều lần, cụ thể là vào ngày 26/2 vừa qua, chính quyền hứa đóng đập kênh 6 ngăn mặn nhưng đến nay vẫn làm chưa xong? Chính sự chậm trễ này nước mặn mới tràn sâu vào nội đồng. Lúa chúng tôi chết, ai chịu tránh nhiệm?”.

Bà Nguyễn Thị Thủy - ấp Kiên Thanh, xã Kiên Bình, vừa khóc vừa nói: “Mấy ngày nữa không có nước ngọt bơm vào 25ha lúa của tôi, lúa sẽ chết hết. Nếu vụ lúa này thất bát nữa, gia đình tôi chẳng còn con đường nào sống…sẽ chết theo lúa. Vụ mùa năm 2015, 2016, 25ha lúa cũng chết hết vì hạn mặn làm gia đình mang nợ trên 600 triệu đồng rồi. Bây giờ lãnh đạo tìm cách đưa nước ngọt về cứu lúa, cứu dân… đừng hứa, đừng bàn nữa”.


Ông Đỗ Ngọc Thanh bức xúc trước sự thất hứa của lãnh đạo huyện Kiên Lương trong việc triển khai đóng đập kênh 6 dẫn đến nước mặn tràn vào các kênh rạch hai xã Kiên Bình và Hòa Điền như hiện nay

Ông Đỗ Ngọc Thanh bức xúc trước sự thất hứa của lãnh đạo huyện Kiên Lương trong việc triển khai đóng đập kênh 6 dẫn đến nước mặn tràn vào các kênh rạch hai xã Kiên Bình và Hòa Điền như hiện nay

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, mùng 7 tết người dân đã phát hiện nước mặn tràn vào nội đồng qua kênh 6 (tuyến Rạch Giá – Hà Tiên) và chính quyền địa phương, Sở NN&PTNT Kiên Giang đã đến khảo sát. Ngày 26/02, hàng chục hộ dân kéo đến UBND huyện yêu cầu đóng kênh 6, chính quyền hứa sẽ hoàn thành việc này vào ngày 28/02 và tăng cường máy bơm tháo mặn… Tuy nhiên, đến sáng 01/3, đập kênh 6 vẫn chưa đóng xong làm bà con bức xúc.

Ông Trần Văn Đựng - ở Chợ Mới, An Giang qua Kiên Giang làm 90ha đất, nói: “Hạn mặn 2015, 2016 cán bộ thấy dân thiệt hại thế nào và sự thiệt hại đó còn ảnh hưởng đến đời sống bà con chúng tôi đến ngày hôm nay. Nếu năm nay lúa chết nữa thì bà con sống sao nổi? Cống là để điều tiết nước cho phù hợp, không phải cố định đóng hay mở. Nhưng trong những đợt hạn mặn vừa qua, chính quyền không làm được việc điều tiết nước giúp dân. Cống kênh 6 là cửa ngõ còn lại để nước mặn vào nhưng vì sao chính quyền không đóng đập sớm?

Hàng chục ngàn ha lúa ở Kiên Giang sắp chết vì nước mặn "bao vây"

Chính quyền thủng thẳng?

Như người dân phản ánh, khi phát hiện nước mặn tràn vào nội đồng, bà con nhiều lần kéo nhau lên UBND huyện xin gặp lãnh đạo huyện nhưng đến nay vẫn chưa gặp được vị nào. Bà con không tin vào những lời hứa của cán bộ tiếp dân, phòng kinh tế hạ tầng, vì hứa nhiều với dân nhưng không thực hiện.

Ông Trương Văn Minh – xã Hòa Điền, đưa ra giải pháp tháo nước mặn: “Tôi đề nghị chính quyền cần đóng nhanh đập T6. Khi đập T6 được đóng xong, cho người canh nước 24/24 tại các cống, khi thấy có sự chênh lệnh mực nước là mở cống ngay để tháo nước mặn ra biển. Chỉ cần thực hiện việc này sớm thì mấy ngày qua, nước mặn trong nội đồng sẽ không còn”.

Bà Nguyễn Thị Thủy - ấp Kiên Thanh, xã Kiên Bình và hàng trăm hộ dân khác vô cùng sốt ruột khi lúa sắp chết vì bị nước mặn bao vây
Bà Nguyễn Thị Thủy - ấp Kiên Thanh, xã Kiên Bình và hàng trăm hộ dân khác vô cùng sốt ruột khi lúa sắp chết vì bị nước mặn "bao vây"

Sau khi nghe người dân phản ánh, ông Trần Bình Trọng – Trưởng phòng kinh tế hạ tầng, cho biết: “Trước sự việc hôm nay tôi xin lỗi bà con và tán thành với đề xuất của ông Minh. Và xin thông tin cho bà con an tâm là hiện tại, đập kênh 6 đã được đóng xong. Giải pháp tiếp theo là huyện sẽ cho mở tất cả các cống Lung Lớn 1, 2, Cống Cái Tre. Riêng cống Ba Hòn, tối nay sẽ mở để tháo mặn. Ngoài ra, huyện đã chuẩn bị 4 máy bơm công suất lớn để bơm nước mặn ra ngoài nếu mở cống không được”.

Trả lời câu hỏi vì sao đập kênh 6 không được đóng sớm hay làm kiên cố bằng bê tông, ông Trọng cho biết: “Việc này huyện chỉ kiến nghị lên UBND tỉnh và tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT thực hiện việc đóng đập tạm. Riêng việc xây cống kênh 6 kiến cố, phía huyện đã đề xuất nhiều năm qua nhưng do kinh phí xây cống quá lớn, trên 200 tỷ nên chưa thực hiện được”.


Trước sự chậm trễ đóng đập tạm kênh 6, ông Trần Bình Trọng - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Kiên Lương xin lỗi người dân

Trước sự chậm trễ đóng đập tạm kênh 6, ông Trần Bình Trọng - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Kiên Lương xin lỗi người dân

Cũng theo ông Trọng, việc đóng đập kênh 6 tạm đã thực hiện 3 năm qua bằng việc ép cừ thép Larsen, tổng vốn mỗi lần làm đập tạm kênh 6 khoảng 6 tỷ đồng. Khi hết nước mặn, cừ thép sẽ được tháo lên để các tàu chở cát đá ra Hà Tiên, Phú Quốc…

Theo ông Trọng cho biết, trong vụ lúa Đông Xuân 2017-2018, toàn huyện Kiên Lương có trên 23.000ha lúa, hiện nước mặn đang bao vây hai xã Kiên Bình và Hòa Điền với hơn 20.000ha lúa đang bị khô hạn, cần nước ngọt vào ruộng. “Hiện tại, qua khảo sát của huyện, chưa ghi nhận diện tích lúa thiệt hại”- Ông Trọng cho biết.

Anh Phan Công Danh ăn ngủ không yên vì diện tích lúa nhiễm mặn chết cứ tăng dần
Anh Phan Công Danh ăn ngủ không yên vì diện tích lúa nhiễm mặn chết cứ tăng dần

Tuy nhiên, tại ruộng lúa anh Phan Công Danh - ấp Cống Tre, xã Kiên Bình - ghi nhận nhiều diện tích lúa bị chết do khô hạn và lúa bị nhiễm mặn. Anh Danh cho biết, do lúa khô hạn quá nên anh bơm nước ngoài sông vào mặc dù biết nước đã bị nhiễm mặn. Hiện 40ha đất trồng lúa Nhật của anh đang trong giai đoạn trổ những đã xuất hiện tình trạng chết cây. Nếu trong 5 ngày tới, không có nước ngọt bơm vào, tỷ lệ lúa chết sẽ tăng lên cấp số nhân.

Trước giải pháp của chính quyền địa phương lần này, hàng trăm hộ dân còn đang cầu trời cho mưa xuống cứu dân, cứu lúa…

Nguyễn Hành