1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cơ quan chuyên môn thuộc quận, huyện, thị xã được tổ chức lại như thế nào?

(Dân trí) - Bộ Tư pháp đang chuẩn bị tổ chức thẩm định dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương

Tờ trình của Bộ Nội vụ (cơ quan chủ trì soạn thảo) gửi tới Bộ Tư pháp cho thấy dự thảo nghị định có nhiều nội dung mới theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW. Trong đó, về số lượng Phó Trưởng phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện có 2 phương án.

- Phương án 1: Đối với phòng thuộc UBND cấp huyện thuộc TP Hà Nội, TPHCM thì Phòng có từ 7-9 biên chế được bố trí 1 Phó Trưởng phòng; phòng có từ 10-14 biên chế được bố trí không quá 2 Phó Trưởng phòng; phòng có từ 15 biên chế trở lên được bố trí không quá 3 Phó Trưởng phòng.

Đối với phòng thuộc UBND cấp huyện thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại: Phòng có từ 5-7 biên chế được bố trí 1 Phó Trưởng phòng; phòng có từ 8 biên chế trở lên được bố trí không quá 2 Phó Trưởng phòng;

- Phương án 2: “Quy định thống nhất mỗi phòng bình quân có không quá 2 Phó Trưởng phòng. Căn cứ vào số lượng phòng chuyên môn được thành lập và tổng số Phó Trưởng phòng, UBND cấp huyện quyết định cụ thể số lượng Phó Trưởng phòng của từng phòng chuyên môn cho phù hợp”.

Trong 2 phương án nêu trên, Bộ Nội vụ đề xuất chọn phương án 1.

HĐND-UBND huyện Ba Vì, TP Hà Nội (Ảnh minh hoạ).
HĐND-UBND huyện Ba Vì, TP Hà Nội (Ảnh minh hoạ).

Tổ chức lại các phòng chuyên môn

Bộ Nội vụ cho biết trên cơ sở kế thừa những quy định còn phù hợp tại Nghị định số 37/2014, dự thảo đề xuất danh mục phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện gồm 15 phòng, trong đó bổ sung, điều chỉnh về chức năng của một số phòng.

Từ cơ sở đó, Bộ Nội vụ đưa ra phương án sắp xếp, kiện toàn các phòng chuyên môn hiện có và xác định tiêu chí thành lập đối với các cơ quan chuyên môn đặc thù, chuyên ngành.

Cụ thể, đối với 10 phòng chuyên môn được tổ chức thống nhất trong cả nước hiện nay, chia thành 3 nhóm sau:

-Nhóm 1: Các phòng được tổ chức thống nhất trên phạm vi cả nước, gồm 5 phòng chuyên môn: Tư pháp; Tài chính - Kế hoạch; Tài nguyên và Môi trường; Văn hóa và Thông tin; Giáo dục và Đào tạo để bảo đảm giữ ổn định và phát huy hiệu quả của mô hình tổ chức phòng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực hoặc quản lý chuyên ngành chuyên sâu có tính ổn định cao.

-Nhóm 2: Các phòng chuyên môn do UBND cấp huyện trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định giữ ổn định hoặc hợp nhất, gồm 2 phòng chuyên môn: Nội vụ; Lao động - Thương binh và Xã hội.

Trường hợp hợp nhất Phòng Nội vụ với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thì có tên gọi là Phòng Nội vụ, Lao động và Xã hội;

-Nhóm 3: 1 phòng chuyên môn do UBND cấp huyện trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định giữ ổn định hoặc sáp nhập (Phòng Y tế).

Đối với 3 phòng chuyên môn được tổ chức phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn và đặc thù, chuyên ngành (không được tổ chức thống nhất giữa các địa phương) thì các phòng chuyên môn được tổ chức phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn gồm 2 phòng là Kinh tế; Quản lý đô thị (đối với các quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương) hoặc Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Kinh tế và Hạ tầng (đối với các huyện).

Riêng đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tốc độ đô thị hóa cao, có tỷ trọng nông nghiệp thấp, không thành lập Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì 2 phòng chuyên môn đặc thù này được tổ chức thống nhất theo mô hình các phòng chuyên môn tại đơn vị hành chính quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.

Trường hợp ở cấp tỉnh vẫn có Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhưng tại các huyện trong tỉnh có tốc độ đô thị hóa cao, có tỷ trọng nông nghiệp thấp, UBND huyện trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định việc thành lập hoặc không thành lập Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong trường hợp không thành lập Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì giao nhiệm vụ cho Phòng Kinh tế và Hạ tầng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Ngoài ra, 1 Phòng chuyên môn đặc thù, chuyên ngành do Chính phủ quy định tiêu chí thành lập (Phòng Dân tộc); giao UBND cấp huyện trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định thành lập hoặc sáp nhập hoặc không thành lập (kể cả khi đã đáp ứng đủ các tiêu chí thành lập).

Theo Bộ Nội vụ, quy định về tổ chức các phòng chuyên môn tại các huyện đảo giữ ổn định như quy định tại Nghị định số 37/2014 là không quá 10 phòng. Căn cứ vào các điều kiện cụ thể của từng huyện đảo, giao UBND huyện trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định số lượng và tên gọi các phòng chuyên môn thuộc UBND huyện đảo.

Tờ trình của Bộ Nội vụ cũng đưa ra thông tin các phòng được giữ ổn định hoặc thí điểm hợp nhất với các cơ quan của Đảng có chức năng, nhiệm vụ tương đồng ở cấp huyện:

+ Thanh tra cấp huyện: Trường hợp địa phương thực hiện thí điểm hợp nhất Ủy ban Kiểm tra huyện ủy (quận ủy, thị ủy, thành ủy) với Thanh tra cấp huyện theo Nghị quyết số 18-NQ/TW thì có tên gọi là Kiểm tra - Thanh tra huyện, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức nêu trên theo quy định của Đảng và của pháp luật.

+ Phòng Nội vụ: Trường hợp địa phương thực hiện thí điểm hợp nhất Ban Tổ chức huyện ủy (quận ủy, thị ủy, thành ủy) với Phòng Nội vụ thì có tên gọi là Phòng Tổ chức - Nội vụ hoặc thí điểm hợp nhất với Phòng Nội vụ, Lao động và Xã hội thì có tên gọi là Phòng Tổ chức, Nội vụ, Lao động và Xã hội, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức nêu trên theo quy định của Đảng và của pháp luật.

+ Văn phòng Hội đồng nhân dân và UBND huyện: Trường hợp địa phương thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng cấp uỷ với Văn phòng Hội đồng nhân dân và UBND cấp huyện thì có tên gọi là Văn phòng Đảng, Hội đồng nhân dân và UBND cấp huyện, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức nêu trên theo quy định của Đảng và của pháp luật.

Đảm bảo phù hợp với quy định khung của Chính phủ

Theo Bộ Nội vụ, trên cơ sở phân nhóm các phòng chuyên môn, dự thảo Nghị định quy định theo hướng giao địa phương quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng phòng chuyên môn, bảo đảm phù hợp với quy định khung của Chính phủ, quy định của Thủ tướng Chính phủ (trong trường hợp hợp nhất, sáp nhập các phòng chuyên môn để tinh gọn tổ chức bộ máy hoặc điều chỉnh chức năng giữa các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện khác với quy định tại Nghị định này) và hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực về nhiệm vụ, quyền hạn của phòng chuyên môn ở cấp huyện.

Để bảo đảm phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương, không bỏ sót chức năng giữa các phòng và khuyến khích địa phương thực hiện việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy hơn so với quy định tại Nghị định, dự thảo đã bổ sung quy định: "Trường hợp hợp nhất, sáp nhập các phòng chuyên môn để tinh gọn tổ chức bộ máy hoặc điều chỉnh chức năng giữa các phòng chuyên môn khác với quy định tại Nghị định này thì UBND cấp tỉnh báo cáo Bộ Nội vụ để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định"

Thế Kha