1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nam:

Có hai anh trai liệt sỹ vẫn quyết nhập ngũ, hy sinh ở Gạc Ma

(Dân trí) - Đang học lớp 12, anh làm đơn tình nguyện nhập ngũ. Gia đình đã có 2 anh trai là liệt sỹ, xã nhất định không đồng ý, anh xuống huyện, gặp chủ tịch huyện xin đi bộ đội cho bằng được. Từ lúc anh nhập ngũ, chưa một lần anh về thăm gia đình bởi anh đã nằm lại muôn trùng khơi...

Ngày nghe tin anh hy sinh khi chiến đấu bảo vệ Gạc Ma, cả gia đình như chết lặng. Lá thư cuối cùng của anh gửi về gia đình nhận mới được vài ngày. Trong thư anh nói mình sẽ ra Trường Sa nhưng dặn gia đình không phải lo lắng, vì không có gì nguy hiểm cả. Lá thư vừa đến với gia đình, cũng là lúc anh cùng đồng đội đã hy sinh anh dũng trên đảo Gạc Ma.

Trong những ngày hướng đến 28 năm hải chiến Trường Sa (14/3/1988-14/3/2016), chúng tôi đến thăm gia đình liệt sỹ Trần Văn Bảy (SN 1966) - chiến sĩ trên tàu HQ 604, ở thôn Phương Thượng, xã Lê Hồ, huyện kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Anh Trần Văn Thu (anh trai liệt sỹ Trần Văn Bảy) xúc động khi kể về em trai
Anh Trần Văn Thu (anh trai liệt sỹ Trần Văn Bảy) xúc động khi kể về em trai

Ngôi nhà nơi liệt sỹ Trần Văn Bảy gắn bó trước lúc lên đường nhập ngũ vẫn nguyên nếp, nằm sâu trong một ngõ nhỏ. Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, anh Trần Văn Thu (anh trai của liệt sỹ Bảy) không kìm nén được lòng mình mỗi khi nhắc về người em trai mình.

Anh Thu rơm rớm nước mắt kể: “Gia đình tôi có 8 anh chị em, trong đó nhà có 4 anh em trai tham gia bộ đội, bố tôi tham gia kháng chiến chống Pháp, mẹ tôi 4 lần tiễn con đi, thì 3 lần tuôn nước mắt. Trước lúc mẹ tôi mất, mẹ dặn chúng tôi phải cố tìm được chú Bảy về”.

Liệt sỹ Trần Văn Bảy - chiến sĩ trên tàu HQ 604
Liệt sỹ Trần Văn Bảy - chiến sĩ trên tàu HQ 604

Năm 1985, chàng trai trẻ Trần Văn Bảy đang học lớp 12 nhưng vẫn viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Gia đình vốn có truyền thống Cách mạng, cha là chiến sĩ kháng chiến chống thực dân Pháp. Thời điểm đó, gia đình anh Bảy có 2 anh trai là Trần Văn Uộng và Trần Văn Uổng đã hy sinh ở Quảng Nam và Khe Sanh (Quảng Trị). Nên lúc này xã kiên quyết không đồng ý cho anh Bảy nhập ngũ. Kể cả gia đình cũng khuyên can bảo đợi học xong rồi đi, nhưng anh Bảy trả lời: “Con muốn noi gương bố và các anh làm vẻ vang gia đình mình!”. Nói là làm, anh Bảy đã xuống tận huyện, gặp Chủ tịch huyện, rồi nằng nặc xin đi bộ đội cho bằng được.

Lúc đó, anh Thu là chiến sĩ bảo vệ biên giới phía Bắc, bị thương ở trận Vị Xuyên – Hà Giang năm 1984, nên được đơn vị cho nghỉ về nhà dưỡng thương mấy tháng. Tháng 3/1985, một mình anh Thu đưa anh Bảy ra Ga Đồng Văn lên đường nhập ngũ hải quân. Trước lúc lên tàu, anh Thu chỉ dặn dò, động viên em được vài câu rồi chuyến tàu cũng chuyển bánh dần khuất xa.

Ảnh liệt sỹ Trần Văn Bảy gửi về cho gia đình
Ảnh liệt sỹ Trần Văn Bảy gửi về cho gia đình

Mấy tháng đầu nhập ngũ, anh Bảy đang huấn luyện tân binh nên mỗi khi rảnh rỗi là anh lại viết thư gửi cho gia đình và anh Thu. Tháng 11/1987, anh Bảy viết thư về cho gia đình thông báo sẽ ghé Hải Phòng lấy hàng trước khi lên đảo.

Biết em về Hải Phòng nên hai anh trai của anh Bảy là anh Trần Văn Thu và Trần Văn Thịnh lặn lội xuống thăm em. Đêm hôm đó 3 anh em tâm sự, động viên anh Bảy cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Trước khi đi, anh Bảy tặng anh trai một con ốc biển lớn, dặn đi dặn lại: “Nhớ cất kỹ, sau này, mỗi lần nhìn con ốc là nhớ đến em”.

Một ngày đầu tháng 3/1988, gia đình nhận được lá thư của anh Bảy gửi về, trong thư anh hỏi thăm sức khỏe của mọi người trong gia đình, anh còn viết: “…Tình hình công tác của con mồng 1 tháng 3 là tàu rời Sài Gòn đi Cam Ranh, chở hàng từ Cam Ranh đi Trường Sa, cho nên ngày mai tàu con rời bến đi đảo, nói đi đảo Trường Sa có lẽ bố mẹ buồn, nhưng không có gì nguy hiểm cả. Tất cả con đã nói với anh hết rồi. Tết vừa rồi gia đình và các anh chị ăn tết có to không?. Chắc là gia đình mong con lắm phải không?, con không về thì gia đình cũng buồn. Bệnh tình của mẹ sao rồi, có nguy hiểm lắm không?…”.


Tàu HQ 604 - nơi liệt sĩ Nguyễn Văn Phương cùng đồng đội quyết tử với kẻ thù trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma (Ảnh: tư liệu lữ đoàn HQ 125).

Tàu HQ 604 - nơi liệt sĩ Nguyễn Văn Phương cùng đồng đội quyết tử với kẻ thù trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma (Ảnh: tư liệu lữ đoàn HQ 125).

Khi viết lá thư ấy, anh Bảy đang công tác tại tàu HQ 604. Đúng hơn 1 tuần sau, anh Bảy cùng đồng đội đã hy sinh anh dũng, tạo thành một “vòng tròn bất tử” trên đảo Gạc Ma.

Một chiều tháng 3/1988 cả nhà đang chuẩn bị ăn cơm thì anh Thu nghe thấy trên Radio phát đi danh sách 64 chiến sỹ hy sinh trên đảo Gạc Ma. Lúc nghe đến tên Trần Văn Bảy, anh Thu làm rơi bát cơm xuống đất. Anh nín lặng bỏ bữa cơm chạy ra ngoài, không dám báo hung tin cho bố mẹ.

Ngôi nhà nơi liệt sỹ Trần Văn Bảy gắn bó trước lúc lên đường nhập ngũ vẫn nguyên nếp
Ngôi nhà nơi liệt sỹ Trần Văn Bảy gắn bó trước lúc lên đường nhập ngũ vẫn nguyên nếp

“Từ lúc chú Bảy lên đường nhập ngũ cho đến lúc chú ấy hy sinh, chú ấy chưa một lần được về thăm lại nhà, căn nhà này là nơi chú ấy gắn bó từ nhỏ, mấy anh chị em chúng tôi vẫn giữ nguyên nếp, không dám làm lại. Trước lúc bố mẹ tôi mất, ông bà chỉ có di nguyện làm sao đưa 2 anh và chú Bảy được trở về nhà”. – anh Thu tâm sự.

Những kỷ vật của liệt sỹ Trần Văn Bảy được gia đình thống nhất gửi về các bảo tàng, trong đó lá thư cuối cùng của liệt sỹ Trần Văn Bảy được trưng bày tại bảo tàng tỉnh Hà Nam.

Đức Văn