1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chuẩn hoá quy định về bí mật nhà nước với kết luận thanh tra nhạy cảm

(Dân trí) - Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Thanh tra Chính phủ cụ thể hoá những trường hợp nhạy cảm, bí mật khi công bố kết luận thanh tra và có quy định rõ ràng đối với một số lĩnh vực như ngân hàng, chứng khoán.

Ông Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi giám sát việc công khai kết luận thanh tra tại Thanh tra Chính phủ (Ảnh: TTCP)
Ông Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi giám sát việc công khai kết luận thanh tra tại Thanh tra Chính phủ (Ảnh: TTCP)

Hôm nay (25/4), Đoàn Giám sát do Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc về công tác giám sát việc công khai kết luận thanh tra tại Thanh tra Chính phủ.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn cho biết, toàn ngành thanh tra đã triển khai gần 8.500 cuộc thanh tra hành chính và 290.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện về vi phạm kinh tế trên 100.000 tỷ đồng, 4.200 ha đất, đã kiến nghị thu hồi 46.730 tỷ đồng, gần 1.400 ha đất.

Toàn ngành thanh tra đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện trên 4.200 kết luận và quyết định xử lý sau thanh tra, thu hồi và xử lý khác trên 10.600 tỷ đồng; đôn đốc xử lý gần 1.000 tập thể, 2.100 cá nhân, chuyển cơ quan chức năng khởi tố 18 vụ, 23 đối tượng.

Thông qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước và trả lại cho công dân trên 76 tỷ đồng, 44 ha đất, trả lại quyền lợi cho 1.700 người, kiến nghị xử lý hành chính 541 người.

Theo ông Huẩn, việc công khai thực hiện giám sát của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị- xã hội và báo chí trong việc công khai và thực hiện kết luận sau thanh tra được Thanh tra Chính phủ thực hiện thường xuyên, đầy đủ, rõ ràng, minh bạch.

Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị thời gian tới Thanh tra Chính phủ cần đánh giá việc thực hiện công khai, tỷ lệ công khai, các hình thức công khai trong hệ thống thanh tra và chính quyền các cấp; để từ đó đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện công bố công khai kết luận thanh tra.

Thanh tra Chính phủ cũng cần hoàn thiện cơ chế, chế tài hướng dẫn việc thực hiện công khai các kết luận thanh tra và làm rõ trách nhiệm pháp lý của người ra quyết định thanh tra và người ký kết luận thanh tra.

Khi tổng kết thi hành Luật Thanh tra 2010, sửa đổi Luật Thanh tra trong thời gian tới cần quan tâm đồng bộ với Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Tổ chức Chính phủ và những quy định liên quan đến bí mật nhà nước.

Ngoài ra, đối với những trường hợp nhạy cảm, bí mật khi công bố kết luận thanh tra, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị phải cụ thể hóa và có quy định rõ ràng đối với một số lĩnh vực như ngân hàng, chứng khoán. Việc quy định các trường hợp nhạy cảm, bí mật phải xác định cụ thể cấp nào ra quy định nhằm tránh sự tùy tiện.

UB Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ phối hợp với Thanh tra Chính phủ từng bước làm tốt việc công khai hóa kết quả thanh tra, tiến tới đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra. Theo đó MTTQ Việt Nam sẽ chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ, các tổ chức chính trị - xã hội, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn luật sư Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam tiến hành giám sát tại 5 Bộ và địa phương nhằm bước đầu đánh giá đúng thực trạng việc thực hiện công khai kết luận thanh tra.

Từ đó kiến nghị, đề xuất những vấn đề nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn để MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân, các cơ quan truyền thông có thể tiếp cận đầy đủ, phục vụ quá trình giám sát thanh tra và việc thực hiện kết luận thanh tra của các cơ quan Nhà nước.

Kha Xuân Lộc