1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chủ tịch Quốc hội: Trưng cầu ý dân – Không để dân nói A lại công bố B

(Dân trí) - Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân được thảo luận tại UB Thường vụ Quốc hội chiều 15/10 đưa ra quy định cụ thể về những nguyên tắc xác định vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đã trưng cầu thì quyết định phải theo ý dân, nếu không đừng trưng cầu.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh nguyên tắc, đã trưng cầu, ý dân là quyết định.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh nguyên tắc, đã trưng cầu, ý dân là quyết định.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật do Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý trình bày cho biết, Điều 6 dự thảo luật đã được thể hiện theo hướng, trên cơ sở đề nghị trưng cầu ý dân của cơ quan, người có thẩm quyền, Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân về các vấn đề: 1.Hiến pháp; 2.Các nguyên tắc cơ bản của Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; 3.Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của quốc gia; 4.Vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến quốc kế dân sinh; 5.Vấn đề quan trọng khác của đất nước.

Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu băn khoăn về việc khoản 3 và 4 Điều 6 đã quy định nguyên tắc trưng cầu về những “vấn đề đặc biệt quan trọng” đến khoản 5 lại kê thêm “vấn đề quan trọng khác”.

Chia sẻ với băn khoăn này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói, các nguyên tắc cơ bản thì đã nằm ở Hiến pháp, còn tìm được vấn đề gì khác ngoài khoản 3 và 4 thì khó lắm. Vì vậy, theo ông thì không cần quy định thêm “vấn đề quan trọng khác” ở khoản 5 nữa.

Tuy nhiên, đại diện cơ quan soạn thảo luật - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng, nếu có khoản “quét” này thì thuận hơn, vì không phải vấn đề nào cũng nằm ở khoản 3 và 4, nhưng vẫn cần trưng cầu ý dân, chẳng hạn như việc có cho phép hôn nhân đồng giới hay không.

Hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân cũng là một vấn đề được đề cập tại phiên thảo luận.

Chủ nhiệm Phan Trung Lý cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân và trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện kết quả trưng cầu ý dân.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã chỉnh lý để làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tôn trọng và thực hiện kết quả trưng cầu ý dân.

Theo đó, kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân và có hiệu lực kể từ ngày nghị quyết của Quốc hội xác nhận. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân phải tôn trọng kết quả trưng cầu ý dân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức và bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh kết quả của việc trưng cầu ý dân, báo cáo tiếp thu giải trình nêu rõ.

“Dân nói là A thì cũng phải quyết là A, không thể nói A nhưng lại công bố là B. Đã trưng cầu thì ý dân là quyết định còn nếu không thì đừng trưng cầu” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh nguyên tắc cơ bản nhất.

Đồng tình việc này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nêu quan điểm, Quốc hội không được làm trái những điều dân đã quyết. Dân quyết thì Quốc hội phải ra nghị quyết và có lộ trình thực hiện ý chí của nhân dân.

P.Thảo 

 

Chủ tịch Quốc hội: Trưng cầu ý dân – Không để dân nói A lại công bố B - 2