Chôn cả tấn thuốc trừ sâu gần nguồn nước sinh hoạt

Mới đây, Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Quảng Trị lại đưa một lượng lớn thuốc trừ sâu của xã Cam Thủy và Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh về chôn tại bãi rác của thị xã Đông Hà. Hố chôn thuốc trừ sâu nằm phía trên nguồn nước sinh hoạt của thị xã….

Đây là những loại thuốc kém phẩm chất, quá hạn sử dụng, ngoài danh mục, chủ yếu do Trung Quốc sản xuất. Việc làm này đã gây bức xúc trong người dân.

 

200 m³ đất nhiễm độc

 

Theo Sở TN-MT Quảng Trị, nhận được đơn kêu cứu của xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) về sự tồn tại quá lâu của hai hố chôn thuốc trừ sâu, hội đồng khoa học xử lý lượng hóa chất độc hại này đã được thành lập và quyết định chọn bãi rác phường 3, thị xã Đông Hà để chôn số thuốc này.

 

Phương pháp xử lý là chôn lấp kết hợp với phân hủy hóa học, kinh phí thực hiện là 500 triệu đồng. Ông Võ Văn Dũng, Phó Phòng Môi trường Sở TN-MT, cho biết: “Số lượng thuốc trừ sâu còn lại ở 2 hố chôn tại xã Cam Thủy trên 200 kg. Tổng lượng đất bị nhiễm độc ở 2 hố chôn này khoảng 200 m³”.

 

Toàn bộ lượng thuốc trừ sâu còn lại và đất bị nhiễm độc được chở về chôn tại bãi rác phường 3. Cũng theo ông Dũng, lượng thuốc trừ sâu (chủ yếu thuốc DDT và 666) quá hạn của Trung tâm Y tế Dự phòng Quảng Trị lên đến 2,805 tấn. Đợt này Sở mới chôn được 960 kg.
 
Chôn cả tấn thuốc trừ sâu gần nguồn nước sinh hoạt - 1

Cạnh cột mốc bê tông là hố chôn thuốc trừ sâu

 

Hố chôn không được bảo vệ bằng bê tông 

 

Là chủ đầu tư, sau khi chọn vị trí và phương pháp xử lý, Sở TN-MT Quảng Trị mời Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường - Bộ Tư lệnh Hóa học thực hiện việc tiêu hủy lượng thuốc trừ sâu nói trên.

 

Theo đó, hố xử lý sâu 3 m, rộng 10 m. Đáy hố được san phẳng, dầm nền rồi đổ lớp đất trộn chất bentoni lèn chặt tạo bề mặt bằng phẳng. Sau đó, rải lớp vải địa kỹ thuật chứa chất liệu hấp thu bentoni nhằm ngăn chặn hóa chất độc hại thẩm thấu xuống lòng đất.

Sau khi đổ các loại thuốc trừ sâu cùng bao bì, đất nhiễm độc vào hố, công đoạn tiếp theo là cho hóa chất xử lý vào, phủ lớp vật liệu cách ly bề mặt đồng thời hàn nối với lớp vải phủ thành hố.

 

Tuy vậy, hố chôn này không được bảo vệ bằng tường bê tông xung quanh. Theo Sở TN-MT Quảng Trị, các lớp đất nhiễm và thuốc trừ sâu sẽ được... “gói” kín. Bước cuối cùng là phun hóa chất tiêu độc lên bề mặt xung quanh hố xử lý.

 

Với cách làm này, Sở TN-MT Quảng Trị cho rằng sẽ “hạn chế được rủi ro và sự cố môi trường, không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân địa phương, bảo đảm an toàn về môi trường...”.

 

Song Sở TN-MT Quảng Trị không nói rõ mất bao lâu số thuốc độc này sẽ được tiêu hủy hoàn toàn, mà chỉ nói cần 2 năm quan trắc để phân tích độ tồn lưu và rò rỉ của lượng thuốc trừ sâu này. 

 

Hiện nay, cách hố chôn thuốc trừ sâu chừng 200 m, nhiều nhà máy, cơ sở kinh doanh đang mọc lên rất nhiều. Khi biết một lượng lớn thuốc trừ sâu và đất nhiễm độc đã chôn tại bãi rác của thị xã Đông Hà, nhiều người dân ở đây bức xúc.

 

Anh Nguyễn Văn Toàn, ngụ phường 5, cho biết: “Lâu nay, chúng tôi phản đối việc bãi rác của thị xã Đông Hà nằm phía trên nguồn nước sinh hoạt của thị xã, đe dọa sức khỏe của người dân và môi trường. Nay cơ quan chuyên môn lại chôn thuốc trừ sâu ngay tại bãi rác là thiếu trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng”.

 

Bà Nguyễn Thị Phụng, Chủ tịch UBND phường 3, thị xã Đông Hà, nói: “Tôi hoàn toàn không biết vụ chôn thuốc trừ sâu này. Tôi không bình luận về phương pháp xử lý của Sở TN-MT nhưng không thể chôn thuốc trừ sâu trên địa bàn mà không báo cho chính quyền địa phương biết”.

 

Khó bảo đảm an toàn hố chôn

 

Thượng tá Hồ Sĩ Cường, Trưởng Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh Quảng Trị, nói: “Khi thực hiện việc tiêu hủy số thuốc trừ sâu trên, Sở TN-MT không phối hợp với chúng tôi. Chưa nói đến nhiều vấn đề khác,  riêng yếu tố tác động của thời tiết đến vị trí hố tiêu hủy rất nguy hiểm, mưa lũ có thể bất ngờ gây xói lở hố hay vật liệu nổ còn sót lại phát nổ thì khó bảo đảm an toàn cho hố này”.

 

Theo Linh An

 Người Lao Động