“Chấp nhận đơn tố cáo nặc danh sẽ tạo tiền lệ xấu”?

(Dân trí) - “Việc chấp nhận đơn tố cáo nặc danh sẽ tạo tiền lệ xấu cho những đối tượng thiếu tinh thần xây dựng, làm tiếp diễn tình trạng tố cáo tràn lan”, đại biểu Đào Tú Hoa - đoàn TP Hà Nội nói.

Chiều 30/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Tại đây, các đại biểu tập trung làm rõ những vấn đề liên quan đến việc tố cáo nặc danh.

Chạy theo giải quyết đơn thư nặc danh nhiều khi… hết hơi

Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm cảnh báo, đơn thư khuyết danh hiện đang rất phức tạp, cứ đi theo giải quyết nhiều khi… hết hơi.

“Kinh nghiệm tôi thấy cứ gần đến bầu cử, đại hội là tình trạng đơn thư tố cáo trong nội bộ, nói xấu nhau loạn lên. Ở Đảng bộ, tôi cứ nói thẳng là ông nào ký thẳng tên vào đơn thì tôi giải quyết, không thôi. Còn đưa việc này vào luật sẽ có những cái khó đấy. Vấn đề này, cần giải quyết linh hoạt trong thực tế thì hơn” - ông Lâm chia sẻ.

Đại biểu Nguyễn Đắc Quỳnh (Sơn La) cũng đề nghị nêu rõ trong luật nguyên tắc không giải quyết đơn thư tố cáo nặc danh còn thực tế công tác, nếu tiếp nhận những vấn đề thấy xác đáng, có căn cứ thì tùy từng trường hợp để chỉ đạo giải quyết.

Ông Quỳnh cũng góp ý thêm về đề xuất chấp nhận hình thức tố cáo qua điện thoại, email. Theo ông, nếu đồng ý tiếp nhận tố cáo qua các kênh này, trước hết phải đảm bảo vấn đề bảo mật vì nếu tố cáo sau đó được khẳng định là không đúng thư, băng ghi âm lời lẽ tố cáo đã bị phát tán thì rất ảnh hưởng đến cán bộ, người bị tố cáo. Đại biểu nhấn mạnh, nếu chấp nhận hình thức tố cáo qua mail thì cũng phải có chữ ký điện tử.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (đoàn TP Đà Nẵng) không đồng tình với đơn thư tố cáo nặc danh
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (đoàn TP Đà Nẵng) không đồng tình với đơn thư tố cáo nặc danh

Cùng vấn đề trên đại biểu Nguyễn Bá Sơn (đoàn TP Đà Nẵng) cũng nên quan điểm không nên giải quyết đơn thư tố cáo nặc danh. Tuy nhiên, theo đại biểu vẫn có thể sử dụng những thông tin này vì nó có thể hỗ trợ đắc lực cho các cơ quan điều tra.

Đại biểu Đào Tú Hoa (đoàn TP Hà Nội) đồng ý hình thức tố cáo bằng đơn hoặc trực tiếp vì nó xác định được trách nhiệm pháp lý của người tố cáo, tránh tình trạng tố cáo tràn lan hay lợi dụng tố cáo để cung cấp thông tin sai sự thật, ảnh hưởng đến danh dự người bị tố cáo. Các hình thức tố cáo khác như qua điện thoại, thư điện tử, bà Hoa đề nghị chỉ nên coi là kênh tiếp nhận thông tin để tham khảo.

Riêng với tố cáo nặc danh, đại biểu Hoa cho rằng đồng tình với dự thảo luật là không nên xem xét. Dẫn báo cáo của Thanh tra Chính phủ, đại biểu Hoa cho rằng trong tổng số hơn 90% số đơn thư có danh, qua giải quyết cho thấy gần 60% trong số này là đơn tố cáo sai.

“Việc chấp nhận đơn tố có nặc danh sẽ tạo tiền lệ xấu cho những đối tượng thiếu tinh thần xây dựng, làm tiếp diễn tình trạng tố cáo tràn lan. Chưa biết đúng sai thế nào nhưng đơn tố cáo nặc danh nó làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, danh dự cá nhân, gây mất đoàn kết trong đơn vị, bởi thông thường đơn nặc danh thường được tung ra vào thời điểm nhạy cảm, ảnh hưởng xấu đến cá nhân, tổ chức, xã hội” – đại biểu Hoa bày tỏ.

Cùng vấn đề trên đại biểu Nguyễn Chiến (đoàn TP Hà Nội), Phó Chủ nhiệm Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cũng đồng ý chỉ đồng ý hình thức tố cáo bằng đơn và trực tiếp để tránh tình trạng lợi dụng tố cáo tràn lan, sai sự thật, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người bị tố cáo, cơ quan bị tố cáo.

“Nếu đồng ý gửi đơn tố cáo qua thư điện tử, điện thoại thì sẽ khó khăn trong việc giải quyết, vì vậy không nên đưa vào luật”- ông Chiến nói.

Về tố cáo nặc danh, vị đại biểu đồng thời là luật sư cho rằng trong thực tiễn, có rất nhiều tố cáo nặc danh làm ảnh hưởng uy tín của nhiều tập thể, cá nhân.

“Người bị tố cáo thì có danh, người đi tố cáo thì không có danh. Do đó người tố cáo phải có danh chính và phải chịu trách nhiệm với đơn tố cáo của mình. Còn tố cáo nặc danh có cơ sở, kèm theo chứng cứ thì có thể coi đó là tin báo tội phạm để xem xét của cơ quan có thẩm quyền chứ không nên đưa vào luật này”- đại biểu Nguyễn Chiến bày tỏ.

Đại biểu Chiến cũng đồng ý với việc cần phải có quy định rõ ràng để có cơ chế bảo vệ người tố cáo nhằm bảo đảm được an toàn tính mạng, tinh thần của người tố cáo và gia đình họ.

Không chấp nhận tố cáo nặc danh có thể bỏ lọt tội phạm

Ngược lại, đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) cho rằng, nhiều thông tin dù là tố cáo nặc danh vẫn giàu giá trị, có thể sử dụng. Nêu thực tế, hiện ngành giáo dục đang quyết liệt chống việc học thêm, dạy thêm, “cấm” thầy cô giáo dạy thêm nhưng tình trạng dạy thêm vẫn phổ biến.

Bà Thúy khái quát, ngay cả học sinh ngay lớp 1 bây giờ, dù đã học cả ngày ở trường rồi, thầy cô vẫn thường mở lớp, khuyến cáo phụ huynh kiểu phải kèm thêm, rèn thêm, con còn kém chỗ này, đuối chỗ kia… Phụ huynh sau cùng đành phải cho con theo các lớp học thêm của thầy cô ở lớp mà không dám tố cáo vì nếu nói ra thì sợ con mình bị trù dập.

Đại biểu Ma Thị Thúy phát biểu tại tổ
Đại biểu Ma Thị Thúy phát biểu tại tổ

“Vậy thì những phản ánh rất thực tế này, nếu có giấu tên cũng rất đáng phải xem xét, nghiên cứu chứ” - đại biểu nói.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị) cũng băn khoăn, không chấp nhận tố cáo giấu tên có thể làm bỏ lọt nhiều vấn đề có cơ sở thực tế, có chứng lý.

Theo ông Thắng, luật nên có cơ chế mở ghi rõ, cơ quan có trách nhiệm trong trường hợp nhận được nhiều tố cáo của người dân dù giấu tên nhưng về cùng một việc, một người mà có cơ sở, logic thì cần phải xem xét, đánh giá cụ thể.

Cùng quan điểm trên đại biểu Nguyễn Hữu Chính, Chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Nội, cho rằng hình thức tố cáo có thể bằng nhiều con đường như trực tiếp, bằng đơn, qua fax, email, qua điện thoại đều hợp pháp. Điều này phù hợp với một số luật như Luật phòng chống tham nhũng.

Về tố cáo nặc danh, đại biểu Chính cho rằng về nguyên tắc không xem xét đơn tố cáo nặc danh. Tuy nhiên, nếu tố cáo nặc danh mà có những nội dung, chứng cứ xác đáng (hình ảnh, ghi âm…) thì nên được xem xét bởi nhiều khi họ sợ bị trả thù hoặc không đảm bảo về quyền lợi hoặc bị đe dọa tính mạng, sức khỏe nên họ phải nặc danh.

Về bảo vệ người tố cáo, đại biểu Chính cho rằng dự thảo còn nói rất chung chung, chưa xác định cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo; chưa làm rõ cơ chế phối hợp.

“Tôi cho rằng đây là điều quan trọng nhất. Chúng ta muốn người ta tố cáo để tìm ra sự thật khách quan thì điều đầu tiên phải bảo vệ người tố cáo. Nếu không có quy định rõ ràng thì sẽ có thể nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người tố cáo” - đại biểu Chính bày tỏ, đồng thời đề mạnh dạn đề nghị để cơ quan công an là lực lượng bảo vệ người tố cáo.

Phương Thảo – Quang Phong