1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thanh Hóa:

Cá nuôi lồng trên sông Mã chết hàng loạt

(Dân trí) - Hàng chục hộ dân nuôi cá lồng trên sông Mã, đoạn qua xã Lâm Xa, huyện Bá Thước xuất hiện tình trạng cá chết. Các ngành chức năng đã tiến hành lấy mẫu nước, mẫu cá phân tích và nhận định bước đầu về nguyên nhân cá chết.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Thanh Hóa về việc cá nuôi lồng bị chết trên địa bàn huyện Bá Thước thì tổng số lồng bị thiệt hại là 16 lồng/16 hộ, với số lượng cá chết là hơn 1,1 tấn gồm: Cá trắm cỏ, cá lăng, cá chiên, cá chép.

Cá nuôi lồng trên sông Mã chết hàng loạt
Cá nuôi lồng trên sông Mã chết hàng loạt

Trước đó, ngày 9/1, sau khi nhận được báo cáo của Trạm thú y huyện Bá Thước, Sở NN-PTNT chỉ đạo Chi cục thú y, Phòng nuôi trồng thủy sản kiểm tra và thực hiện công tác thu mẫu cá, mẫu nước tại khu vực cá chết ở xã Lâm Xa, huyện Bá Thước. Mẫu nước, mẫu cá chết được gửi ra Trung tâm chẩn đoán thú y Trung ương - Cục thú y để phân tích, kiểm tra.

Kết quả xét nghiệm bệnh phẩm của 3/3 mẫu đều âm tính với bệnh nấm gây lở loét, vi rút gây xuất huyết mùa xuân trên cá, bệnh do vi khuẩn Edwadsiella ictaluri (bệnh gan thận bị mủ), Aeromonas hydrophila (bệnh xuất huyết). Kết quả phân tích 6 mẫu môi trường, các chỉ tiêu về Amoni, nitrit, sulfua đều trong giới hạn trong nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Chỉ tiêu COD và BOD5 cao hơn so với giới hạn cho phép 1,3 lần tiêu chuẩn về chất lượng nước nuôi trồng thủy sản nước ngọt.

Tại thời điểm kiểm tra mực nước sông Mã tại khu vực cá lồng chết rất thấp, nước có mùi hôi, dòng chảy chậm; thời điểm cá chết vào khoảng 3h sáng, là thời điểm lượng oxy hòa tan trong nước thấp nhất trong ngày.

Trên cơ sở kết quả phân tích các chỉ tiêu về môi trường, bệnh phẩm, dòng chảy và mực nước khu vực nuôi cá lồng có thể nhận định nguyên nhân cá nuôi lồng chết tại xã Lâm Xa, huyện Bá Thước không phải do tác nhân vi khuẩn, vi rút, nấm. Cá nuôi lồng chết là do thiếu oxy, cụ thể mực nước thấp, dòng chảy không đảm bảo, môi trường nước có biểu hiện ô nhiễm hữu cơ, quá trình phân hủy các chất hữu cơ sẽ lấy đi một phần lượng ô xy hòa tan trong nước dẫn đến hàm lượng oxy hòa tan trong nước thấp.

Đồng thời, Chi cục thú y có văn bản báo cáo tình hình và hướng dẫn các biện pháp khắc phục thiệt hại cá nuôi lồng; UBND huyện Bá Thước đã thành lập đoàn kiểm tra để nắm tình hình thiệt và thống kê thiệt hại, báo cáo về UBND tỉnh Thanh Hóa.

Sở NN-PTNT Thanh Hóa cũng đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Bá Thước phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra đánh giá các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn có xả thải ra môi trường vùng nuôi cá lồng để có những biện pháp khắc phục, xử lý theo quy định.

Duy Tuyên