1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ Tư pháp đang là “đại diện pháp lý” cho Chính phủ trong 2 vụ kiện quốc tế

(Dân trí) - Năm 2017, Bộ Tư pháp đã thực hiện tốt nhiệm vụ “đại diện pháp lý” cho Chính phủ trong 4 vụ tranh chấp nhà đầu tư nước ngoài tại Hội đồng trọng tài quốc tế; trong đó 2 vụ kiện phía Việt Nam đã giành thắng lợi, được Hội đồng trọng tài tuyên bố chấm dứt vụ kiện và 2 vụ đang trong quá trình tố tụng.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Chia sẻ với báo chí dịp đầu năm 2018, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, với quan điểm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, năm 2017, Bộ Tư pháp đã hoàn thành tốt nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao rà soát, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập của các quy định hiện hành về môi trường đầu tư, kinh doanh, các chính sách an sinh xã hội của các bộ, cơ quan, địa phương. Từ đó đề xuất nhiều giải pháp về xây dựng và hoàn thiện pháp luật. Từ đó, nhiều Bộ, ngành đã chủ động rà soát, cắt bỏ thủ tục hành chính, lên kế hoạch cải cách điều kiện đầu tư, kinh doanh, theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

2017 cũng là năm tạo nhiều dấu ấn mạnh mẽ khi tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây, đặc biệt là không còn văn bản nợ đọng thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Một điểm mới đáng chú ý khác là việc Bộ Tư pháp tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ “đại diện pháp lý” cho Chính phủ trong 4 vụ tranh chấp nhà đầu tư nước ngoài tại Hội đồng trọng tài quốc tế; trong đó 2 vụ kiện phía Việt Nam đã giành thắng lợi, được Hội đồng trọng tài tuyên bố chấm dứt vụ kiện và 2 vụ đang trong quá trình tố tụng.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, qua xử lý các vụ việc trên đã truyền đi thông điệp của Việt Nam, luôn chào đón và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tiến hành đầu tư, kinh doanh một cách hợp pháp theo pháp luật trong nước và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, Việt Nam cũng không chấp nhận các đòi hỏi, yêu cầu hay khiếu kiện vô căn cứ của nhà đầu tư và sẵn sàng tham gia xử lý những vấn đề pháp lý, tranh tụng quốc tế để bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của quốc gia.

Trăn trở của Bộ trưởng Tư pháp

Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định, những bức xúc của người dân về quy định “trên trời”, thiếu tính khả thi, xa rời thực tế cuộc sống cũng đã giảm rất đáng kể, chỉ còn hy hữu vì chất lượng thẩm định văn bản được nâng cao.

Năm qua, Bộ Tư pháp đã thẩm định 240 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chất lượng và đẩy nhanh tiến độ thẩm định chùm nghị định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các Bộ, ngành. Việc xử lý các văn bản trái pháp luật được đôn đốc, thực hiện quyết liệt, kịp thời hơn, nhất là những văn bản liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp.

Bộ trưởng Lê Thành Long trăn trở, chất lượng một số văn bản luật còn thấp, còn tình trạng nợ đọng thông tư của các Bộ, tình trạng nhiều bản án dân sự, hành chính chưa thi hành nghiêm… Đặc biệt liên quan đến đời sống người dân, còn tình trạng lạm dụng bản sao chứng thực, lạm dụng yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2; việc giải quyết thủ tục hành chính trong công tác hộ tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp còn có sai sót, bị dư luận lên tiếng. Tuy vậy, việc tháo gỡ những vấn đề này không chỉ từ một cá nhân, một ngành mà phải có sự đồng hành của các cơ quan trong hệ thống chính trị.

Trong năm 2018, Bộ Tư pháp sẽ ưu tiên cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế kinh tế thị trường, cải cách hành chính, cải cách tư pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh ưu tiên tạo cơ chế thuận lợi trong giải quyết những việc liên quan đến đời sống người dân. Đặc biệt sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp, thực hiện chuẩn hóa quy trình tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp.

Thế Kha