1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bộ Công an trả lời về CSGT hóa trang thực thi nhiệm vụ

(Dân trí) - Theo Bộ Công an, khi phát hiện vi phạm, Cảnh sát giao thông hoá trang phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật. Bộ phận hóa trang và bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai trong một Tổ tuần tra, kiểm soát phải giữ một khoảng cách thích hợp bảo đảm việc xử lý vi phạm kịp thời, đúng luật.

Cảnh sát giao thông TP Vinh, Nghệ An mặc thường phục thi hành công vụ (Ảnh: Tiền Phong).
Cảnh sát giao thông TP Vinh, Nghệ An mặc thường phục thi hành công vụ (Ảnh: Tiền Phong).

Cổng thông tin điện tử Bộ Công an (www.mps.gov.vn) vừa đăng tải trả lời của Bộ này về trường hợp nào thì Cảnh sát giao thông được hóa trang để thực thi nhiệm vụ. Đây là vấn đề gây ra nhiều tranh luận trong những ngày qua, sau khi Công an TP Vinh (Nghệ An) lập các tổ tuần tra cải trang, cho phép Cảnh sát giao thông mặc thường phục kết hợp lực lượng tuần tra công khai mặc sắc phục đi kiểm tra, xử lý vi phạm.

Theo Bộ Công an, Điều 9 Thông tư số 01/2016/TT-BCA của Bộ Công an quy định các trường hợp Cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang gồm: a) Hóa trang sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; b) Đấu tranh phòng, chống tội phạm; khi tình hình an ninh, trật tự hoặc trật tự, an toàn giao thông phức tạp.

Thẩm quyền quyết định tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang: Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên quyết định việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang; Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng Công an cấp huyện quyết định việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang.

Thông tư số 01/2016/TT-BCA cũng quy định các điều kiện tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang: Phải có kế hoạch tuần tra, kiểm soát được người có thẩm quyền phê duyệt; nội dung kế hoạch phải nêu rõ phương pháp thực hiện, lực lượng, phương thức liên lạc, thời gian, địa bàn tuần tra, kiểm soát; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để tuần tra, kiểm soát. Tổ tuần tra, kiểm soát phải bố trí một bộ phận cán bộ trong Tổ để hóa trang (mặc thường phục) thực hiện nhiệm vụ giám sát tình hình trật tự giao thông, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật.

Khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật. Bộ phận hóa trang và bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai trong một Tổ tuần tra, kiểm soát phải giữ một khoảng cách thích hợp bảo đảm việc xử lý vi phạm kịp thời, đúng pháp luật.

“Như vậy, lực lượng Cảnh sát giao thông hóa trang (mặc thường phục) để giám sát tình hình trật tự giao thông, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật đã được Bộ Công an quy định rất chặt chẽ tại Thông tư trên”- Bộ Công an nêu rõ.

Trước đó, trao đổi với PV Dân trí bên hành lang Quốc hội, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu khẳng định Cảnh sát giao thông hoá trang chỉ hỗ trợ cho lực lượng công khai.

“Số anh em cảnh sát hoá trang chỉ được bắt người phạm tội quả tang, đang thực hiện hành vi phạm tội. Còn người dân vi phạm bình thường thì lực lượng cảnh sát hoá trang phải thông báo cho lực lượng cảnh sát tuần tra công khai xử lý, chứ lực lượng hoá trang không được xử lý. Cảnh sát hoá trang chỉ hỗ trợ, chứ không thể mặc thường phục mà ra đường chặn xe bất cứ chỗ nào được, bởi như thế là phản cảm, người dân làm sao biết anh mặc thường phục là ai, đúng không?”- ông Cầu nói.

Ông Cầu khẳng định tất cả những trường hợp vi phạm kế hoạch, vi phạm điều lệnh thì tuỳ theo tính chất mức độ có thể bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị giáng chức, tước danh hiệu công an nhân dân nếu mức độ vi phạm nghiêm trọng.

Thế Kha