Bí thư Hà Nội: Cứ tặc lưỡi “Hà Nội không vội được đâu” là... chết!

(Dân trí) - “Mục tiêu xanh, sạch đẹp phải thấm vào từng cán bộ, trở thành thương hiệu của Thủ đô. Chúng ta phải biết xấu hổ khi để Thủ đô bẩn, không văn minh. Chúng ta tặc lưỡi: Hà Nội ấy mà, Hà Nội không vội được đâu. Thế là chết!”, ông Hoàng Trung Hải - Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.

Ngày 6/4, tại Hội nghị giao ban quý I/2016 giữa thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội với các sở ngành, quận huyện, ông Hoàng Trung Hải - Bí thư Thành ủy Hà Nội dành nhiều thời gian nói về năm trật tự văn minh đô thị 2016 (năm thứ 3 liên tiếp Hà Nội thực hiện). Ông Hải cho rằng, việc này thành công hay không là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo từ thành phố đến các sở ngành.

Người dân phải có chỗ dựa khi thấy bất an

Theo ông Hoàng Trung Hải, lãnh đạo các cấp của thành phố phải coi đây là việc của mình. Quá trình thực hiện phải làm sao trở thành nếp sống, nếp tư duy của người Hà Nội. Nếu không thì phong trào thực hiện năm trật tự văn minh đô thị chỉ làm được vài hôm lại thất bại.

“Mục tiêu xanh, sạch, đẹp phải thấm vào từng cán bộ, trở thành thương hiệu của Thủ đô. Chúng ta phải thấy xấu hổ khi để Thủ đô hay một xã phường bẩn, không văn minh”, ông Hoàng Trung Hải - Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Bí thư Thành Ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chỉ đạo tại hội nghị giao ban
Bí thư Thành Ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chỉ đạo tại hội nghị giao ban

Quá trình thực hiện năm trật tự văn minh đô thị có nhiều sáng kiến được đưa ra. Tuy nhiên, ông Hoàng Trung Hải cho rằng, mọi việc nếu không gắn với ý thức từng người dân thì phong trào chỉ rộ lên được một thời gian rồi lại đi xuống. Vì vậy, lãnh đạo các cấp phải kiên trì thực hiện năm trật tự văn minh đô thị.

“Những sáng kiến rất đáng khen ngợi, thế nhưng phải làm thế nào để trở thành nếp sống, nếp nghĩ của mỗi người. Còn chỉ nghĩ làm phong trào cho xong, đối phó thì chỉ 3 hôm lại xuống. Chúng ta tặc lưỡi: Hà Nội ấy mà, Hà Nội không vội được đâu. Thế là chết!”, Bí thư Thành ủy Hà Nội lo ngại.

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan phải giải quyết triệt để tình trạng lưu manh, côn đồ ở các điểm nóng như bệnh viện, bến xe, ngoài chợ. Các đơn vị phải có trách nhiệm để người dân cảm thấy có chỗ dựa khi cảm thấy bất an, bị đe dọa.

“Những hành động cồn đồ, lưu manh không được tồn tại. Không thể để một thành phố không bình yên được”, Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo.

Cố tình “bật đèn xanh” cho dân xây dựng sai phép!

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhận xét công tác quản lý đô thị còn nhiều hạn chế, trong quý I, trật tự xây dựng đô thị kém đi. “Việc xử lý trật tự xây dựng phải làm quyết liệt hơn nữa, chứ tình hình Hà Nội rất gay. Không ngày nào, không nơi nào là không có vấn đề”, ông Hoàng Trung Hải nói.

Lãnh đạo cấp quận, huyện, xã phường cần nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, trực tiếp chỉ đạo các lực lượng thanh tra, quản lý chặt chẽ trật tự xây dựng từ khâu cấp phép đến kiểm tra, giám sát trong quá trình xây dựng.

“Bí thư, Chủ tịch quận huyện phải trực tiếp chỉ đạo lực lượng thanh tra xây dựng trên địa bàn chứ không thể để tình trạng không ai quản. Còn Sở Xây dựng phải chịu trách nhiệm chỉ đạo chuyên môn và xử lý thật nghiêm trường hợp cố tình bật đèn xanh cho các hộ dân làm, sau đó mới đi lập biên bản”, ông Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.

Theo ông Hải tình trạng “bật đèn xanh” cho người dân xây dựng sai là có. Điều này dẫn tới hậu quả trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn phải phá đi rất nhiều và nó còn khiến nhiều người bức xúc.

“Liệu có phải do thay đổi mô hình quản lý thanh tra xây dựng (hiện quản lý theo ngành dọc) dẫn đến tình hình trật tự xây dựng của Hà Nội có vấn đề hay không? Bây giờ không thể nói thanh tra xây dựng chỉ chịu trách nhiệm với "ông" Sở Xây dựng, không coi lãnh đạo địa phương ra gì là không thể được”, ông Hoàng Trung Hải nói.

Bí thư Thành ủy cho rằng, lực lượng thanh tra xây dựng nếu rời sự chỉ đạo của cấp ủy đảng địa phương là không làm tốt nhiệm vụ được giao. Vì vậy, ông Hải yêu cầu UBND TP Hà Nội sớm đề xuất Thành ủy về cơ chế này.

Quang Phong