“Bắt bệnh” quản lý đường thuỷ nội địa
(Dân trí) - Theo Bộ Giao thông vận tải, một số công trình xây dựng, khai thác khoáng sản liên quan đến giao thông đường thủy nội địa khi quy hoạch, lập dự án đầu tư không xin ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước giao thông chuyên ngành, đặc biệt trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia. Hoạt động khai thác khoáng sản trên sông chưa được các cơ quan trung ương và địa phương phối hợp quản lý chặt chẽ.
Bộ Tư pháp đang chuẩn bị tổ chức cuộc họp thẩm định dự thảo Nghị định về quản lý đường thủy nội địa do Bộ Giao thông vận tải xây dựng.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, những quy định về phân cấp, ủy quyền quản lý luồng tuyến, cảng, bến thủy nội địa hiện nay chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng một số địa phương mong muốn đưa tuyến sông, kênh địa phương lên đường thủy nội địa quốc gia sau đó nhận được sự ủy quyền quản lý. Ngược lại có tuyến đường thủy nội địa quốc gia có tính liên vùng cần được thống nhất quản lý ở Trung ương thì địa phương lại đề nghị được ủy quyền cho địa phương quản lý. Điều này dẫn đến sông, kênh bị “cắt khúc” chưa phù hợp quy hoạch.
Mặt khác, việc xây dựng, phê duyệt quy hoạch giao thông đường thủy nội địa, nhất là quy hoạch bến thủy nội địa chậm được thực hiện. Khai thác giao thông đường thủy nội địa đang được các Bộ ngành, địa phương cấp phép khai thác như xây dựng công trình thủy điện, thủy lợi (ngăn mặn), khai thác nguồn nước sẵn có, khai thác khoáng sản, các công trình ven sông nhiều (khu dự án đô thị, bến nhỏ lẻ, nhà ở ven sông, khu đậu đỗ tự phát). Một số công trình đường bộ, đường sắt không kết nối quy hoạch giao thông đường thủy nội địa làm hạn chế chiều cao, trọng tải tàu, phương tiện vận tải đường thủy nội địa.
“Công tác phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân chưa tốt, hiện tượng xâm phạm kết cấu hạ tầng xảy ra: Tình trạng khai thác khoáng sản trên sông, phương tiện đậu đỗ ra luồng; xây dựng công trình ven sông lấn chiếm hành lang bảo vệ luồng, làm khuất tầm nhìn người điều khiển phương tiện giao thông tại khu vực phía Nam; đổ thải ra luồng làm ảnh hưởng lớn đến môi trường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông đường thủy nội địa”- Bộ Giao thông vận tải đánh giá.
Thậm chí, một số công trình xây dựng, khai thác khoáng sản liên quan đến giao thông đường thủy nội địa khi quy hoạch, lập dự án đầu tư không xin ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước giao thông chuyên ngành, đặc biệt trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia. Hoạt động khai thác khoáng sản trên sông chưa được các cơ quan trung ương và địa phương phối hợp quản lý chặt chẽ.
Trong khi đó, công tác xây dựng, phê duyệt quy hoạch cảng, bến thủy nội địa của nhiều địa phương triển khai chậm. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn quốc mới có 20 địa phương có quy hoạch về giao thông đường thủy nội địa, 5 địa phương có quy hoạch bến thủy nội địa, nên công tác cấp giấy phép hoạt động đối với bến thủy nội địa, bến khách ngang sông gặp nhiều hạn chế.
Phần lớn các địa phương chưa có quy hoạch chi tiết bến thủy nội địa hoặc có quy hoạch nhưng chưa sát với thực tiễn, nên còn khó khăn trong quá trình cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa cho các tổ chức, cá nhân.
Bộ Giao thông đánh giá, tình trạng mở bến trái phép, lấn chiếm hành lang bảo vệ luồng hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật liên quan gây mất an toàn trên đường thủy nội địa tại một số địa phương vẫn chưa được giải quyết triệt để. Công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành cùng các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương chưa có các biện pháp xử lý triệt để, để giải tỏa các bến hoạt động trái phép theo quy định.
Công tác tổ chức triển khai lực lượng Cảng vụ Đường thủy nội địa địa phương chưa phủ kín trên các tuyến đường thủy nội địa, đặc biệt là các cảng, bến trên các tuyến đường thủy nội địa địa phương. Đến nay mới có 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tổ chức Cảng vụ đường thủy nội địa, đó là Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp, Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau. Trong đó chỉ có 3 Cảng vụ là cơ quan sự nghiệp có thu, các Cảng vụ còn lại là cơ quan hành chính, thậm chí tổ chức cảng vụ còn được ghép với tổ chức đăng kiểm, như Cà Mau, nên gặp khó khăn về kinh phí cũng như lực lượng để triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Từ đó, Bộ Giao thông vận tải cho rằng phải xây dựng nghị định quy định quản lý đường thủy nội địa để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, nâng cao ý thức trách nhiệm, tuân thủ, chấp hành quy định về đầu tư xây dựng, khai thác công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa của các tổ chức, cá nhân; tạo kết nối và phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành liên quan và UBND các cấp trong việc quản lý nhà nước về kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa…
Nhiều kiến nghị về các dự án nạo vét đường thuỷ
Góp ý vào dự thảo nghị định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Giao thông vận tải quan tâm tới thẩm quyền quyết định dự án đầu tư xây dựng luồng đường thủy nội địa, vì chuyện này sẽ bao hàm nội dung quy định về thẩm quyền quyết định hình thức đầu tư.
Trong khi đó, Sở Giao thông vận tải tỉnh Kiên Giang đề nghị bổ sung quy định lấy ý kiến thống nhất của địa phương khi tiến hành các hoạt động xây dựng, nạo vét duy tu luồng quốc gia đi qua địa phương, gồm: Địa điểm đổ vật liệu nạo vét, đánh gía tác động môi trường, phương án điều tiết giao thông thủy; quy định rõ quy chế phối hợp các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương trong việc bảo vệ công trình, môi trường trên đường thủy nội địa.
Sở Giao thông vận tải tỉnh Vũng Tàu cho rằng phải có quy định trình tự đầu tư xây dựng, cơ quan chủ trì, phối hợp, thủ tục và cơ quan cấp phép xây dựng cho phù hợp Luật Đầu tư, Luật Xây dựng. Đồng thời cụ thể hóa các vấn đề liên quan đến nạo vét luồng theo hình thức xã hội hóa như: Công tác quản lý, thủ tục đầu tư, thiết kế, giám sát và tổ chức thực hiện; cụ thế hoá các vấn đề liên quan đến nạo vét vùng nước cảng, bến do doanh nghiệp quản lý…
Bộ Giao thông vận tải hứa sẽ tiếp thu những ý kiến góp ý này trong quá trình xây dựng dự thảo nghị định.
25 địa phương có khai thác cát sỏi gây bức xúc dư luận
Tại buổi toạ đàm do Báo Tiền Phong tổ chức ngày 31/3 vừa qua về giải pháp ngăn chặn “cát tặc”, ông Từ Lương - Phó trưởng Ban Tuyên giáo MTTQ Việt Nam cho biết, qua theo dõi của cơ quan này được biết có 25 tỉnh thành, phố trên cả nước để xảy ra vấn đề khai thác cát sỏi trái phép, bức xúc nhất là ở Hà Nội và Bắc Ninh.
“Đề nghị Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) cần đánh giá, nhìn nhận khách quan và đứng về phía người dân, cộng đồng trước khi cấp phép trở lại cho các doanh nghiệp khai thác”- ông Lương nói.
Ông Lương cũng kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền 25 tỉnh, thành phố công khai trên cổng thông tin điện tử của địa phương và gắn định vị cho các phương tiện khai thác này. Cắm biển sơ đồ dự án ở điểm đầu, cuối để người dân tham gia giám sát, nếu khai thác sai phải xử lý nghiêm. Đối với các tàu chở cát thì phải có hợp động vận chuyện, với bãi tập kết. Nếu để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép thì lực lượng CSGT phải chịu trách nhiệm.
“Tránh để xảy ra tình trạng người dân, báo chí thường xuyên phản ánh về vấn đề khai thác cát sỏi trái phép mà vẫn để vi phạm tái diễn” - ông Từ Lương nói.
Thế Kha