1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

6 Bộ tiến hành kiểm tra toàn diện vấn đề môi trường tại Vũng Áng

(Dân trí) - Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã ký quyết định về việc kiểm tra liên ngành về bảo vệ môi trường đối với các đơn vị đang hoạt động tại Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trong chuyến thị sát tại Khu kinh tế Vũng Áng vừa qua (Ảnh: Tiến Hiệp)
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trong chuyến thị sát tại Khu kinh tế Vũng Áng vừa qua (Ảnh: Tiến Hiệp)

Theo quyết định của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường làm Trưởng đoàn kiểm tra. Hai Phó đoàn gồm có ông Lương Duy Hanh - Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường (Tổng cục Môi trường) và ông Phạm Lam Sơn - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh.

Thành phần đoàn kiểm tra có sự tham gia của đại diện Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Năng lượng và Nguyên tử Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Xây dựng Hà Nội và một số đơn vị chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế…

“Đoàn kiểm tra có nhiệm vụ kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các đơn vị đang hoạt động tại Khu kinh tế Vũng Áng; đơn vị tham gia phân tích mẫu môi trường và đo đạc các mẫu liên quan; nội dung báo cáo của các đơn vị được kiểm tra”- thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ.

Theo quyết định của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đoàn công tác sẽ chia làm 6 tổ công tác:

Tổ 1 do PGS.TS Trịnh Văn Tuyên - Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) làm Tổ trưởng. Tổ 1 sẽ kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với Xưởng phân tách khí, Nhà máy luyện Cốc, Nhà máy luyện thép, luyện gang và các hạng mục công trình khác có liên quan.

Tổ 2 do PGS Vũ Đức Lợi - Phó viện trưởng Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) làm Tổ trưởng, sẽ đi kiểm tra về bảo vệ môi trường với nội dung nhập khẩu, mua, bán và sử dụng hóa chất, hoạt động xúc, rửa đường ống của Dự án và các nhà thầu tham gia có liên quan.

Tổ 3 do PGS.TS Nguyễn Việt Anh - Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật môi trường (Đại học Xây dựng Hà Nội) làm Tổ trưởng, sẽ đi kiểm tra về bảo vệ môi trường với các công trình thu gom vận chuyển và xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải sinh hóa, nước thải công nghiệp; việc nhập khẩu và sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý nước thải; xưởng xử lý nước cấp; hệ thống thoát nước mưa và nước thải của toàn bộ dự án.

Tổ 4 do TS Trịnh Thành - Phó viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội) làm Tổ trưởng, sẽ đi kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với Nhà máy Nhiệt điện - Tổ máy số 1 của Formosa và các công trình phụ trợ khác của Formosa và Công ty Điện lực Duầ khí Vũng Áng.

Tổ 5 do ông Nguyễn Xuân Quang - Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường làm Tổ trưởng, sẽ đi kiểm tra bảo vệ môi trường đối với xưởng bảo dưỡng thiết bị; cảng Sơn Dương, Nhà máy cán thép-phôi nhập khẩu, các công trình phụ trợ của Formosa và Trung tâm dịch vụ và Hạ tầng Khu kinh tế Vũng Áng.

Tổ 6 là Tổ tham mưu tổng hợp do ông Vũ Kim Tuyến - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Môi trường làm Tổ trưởng, hoạt động theo phân công của Trưởng đoàn Kiểm tra.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với lực lượng cảnh sát môi trường và các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, thanh tra đối với các cơ sở, khu công nghiệp, khu kinh tế còn lại đang hoạt động xả nước thải ra biển trên địa bàn.

“Đề nghị UBND các tỉnh nêu trên xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật, báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Tài nguyên và Môi trường (gửi qua Tổng cục Môi trường) trước ngày 25/5 để Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định”- Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chủ tịch UBND các địa phương theo quy định của pháp luật, rà soát tất cả cơ sở sản xuất có xả thải, đồng thời tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất công nghiệp ven biển, không được để tình trạng xả thải ra biển mà không được quan trắc theo quy định của pháp luật về môi trường; yêu cầu phải giám sát chặt chẽ việc xả nước thải làm ảnh hưởng môi trường biển.

Đặc biệt, Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Hà Tĩnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc cấp phép, giám sát hệ thống xả thải của Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa, trong đó làm rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có liên quan; đồng thời triển khai ngay trạm quan trắc tự động từ điểm xả thải của nhà máy Formosa đến trạm quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh để kiểm tra và lấy mẫu phân tích tự động nhằm kiểm soát việc xả thải của nhà máy.

Thủ tướng đánh giá việc hải sản chết bất thường hàng loạt tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế là sự cố nghiêm trọng về môi trường, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân 4 tỉnh ven biển miền Trung. Do đây là sự cố bất thường, lần đầu tiên xảy ra ở nước ta, nên ban đầu việc xử lý còn thiếu thông tin, bị động, lúng túng.

Thế Kha