1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

TP Huế:

40 nhà vườn Huế đặc trưng được hỗ trợ chính sách bảo vệ

(Dân trí) - Ngày 25/4, tại kỳ họp HĐND chuyên đề tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ 3 khoa VI đã thông qua một nội dung rất quan trọng được nhiều chủ nhà vườn Huế chờ đợi lâu nay.

Đó là tờ trình, đề án của UBND tỉnh và dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh về “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” đã được các đại biểu thông qua vào 14h30’ chiều cùng ngày.

Theo đó, giai đoạn từ 2015-2020 tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ để bảo vệ từ 25-40 nhà vườn Huế đặc trưng đã được khảo sát (chủ yếu là khu vực thuộc TP Huế). Các nhà vườn này đảm bảo các yếu tố như diện tích vườn phải lớn hơn 600 m2, có kiến trúc, mỹ thuật của nhà đặc trưng Huế (như nhà rường 1 gian 2 chái, 3 gian 2 chái, các cấu kiện chạm trổ công phu mang tinh thần Huế xưa…). Hầu hết các nhà vườn trên đều được xây dựng trước năm 1945 nay đã xuống cấp theo thời gian do ảnh hưởng của thiên tai, thời tiết khắc nghiệt.

40 nhà vườn Huế đặc trưng được hỗ trợ chính sách bảo vệ

Nội dung quan trọng nhất tại kỳ họp HĐND chuyên đề tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông qua về chính sách hỗ trợ bảo vệ nhà vườn Huế đặc trưng

Sẽ có 3 loại nhà vườn được hỗ trợ kinh phí trùng tu là loại 1 tối đa không quá 700 triệu đồng, loại 2 không quá 500 triệu đồng và loại 3 không quá 400 triệu đồng. Bên cạnh đó, chi phí duy trì cảnh quan cho nhà vườn cũng được thông qua như hỗ trợ thiết kế không quá 15 triệu đồng, giống cây trồng không quá 15 triệu đồng…

Riêng chính sách hỗ trợ kinh doanh đối với chủ nhà vườn, tỉnh cũng sẽ hỗ trợ như cho vay không quá 200 triệu, học nghề không quá 15 triệu, làm công trình vệ sinh không quá 20 triệu… với thời hạn 5 năm được nhà nước bù lãi suất.

Riêng tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp ở nhà vườn, Ban Kinh tế và Ngân sách thống nhất đề xuất trích ngân sách tỉnh để hỗ trợ 100% tiền thuế này với phần diện tích đất tối đa không quá 5.000m2 cho các nhà vườn tham gia chính sách.

Một ngôi nhà vườn cổ ở Huế tuyệt đẹp (ảnh: NSND Nguyễn Đăng Hạnh)

Một ngôi nhà vườn cổ ở Huế tuyệt đẹp (ảnh: NSND Nguyễn Đăng Hạnh)

Nhiều đại biểu cho rằng đây là một chính sách rất quan trọng nhằm giúp cho các nhà vườn đang xuống cấp trầm trọng, nâng cao vị thế ứng xử văn hóa, thúc đẩy du lịch vào nhà vườn. Và còn vì nhà vườn Huế là  nét đặc trưng tạo nên bản sắc, truyền thống văn hóa Huế, có ảnh hưởng lớn đến việc hình thành cốt cách, tâm hồn con người xứ Huế.

Từ năm 2006, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết 3i/2006/NQBT-HDDND5 (gọi tắt Nghị quyết 3i) về Chính sách bảo vệ nhà vườn Huế giai đoạn 2006-2010. Nhưng nghị quyết này chưa thực hiện như mong đợi do số lượng nhà vườn được đề xuất bảo tồn quá lớn (152 nhà) vượt quá khả năng cân đối ngân sách tỉnh; chính sách hỗ trợ về thuế sử dụng đất không được áp dụng cơ chế đặc thù (miễn thuế) nên các chủ nhà vườn có diện tích lớn gặp nhiều khó khăn; các ràng buộc để tham gia chính sách quá chặt.

Một ngôi nhà vườn cổ ở Huế tuyệt đẹp (ảnh: NSND Nguyễn Đăng Hạnh)
Một ngôi nhà vườn đẹp ở Kim Long bị biến đổi ít nhiều khi có một nhà lầu mọc lên nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt chủ nhà trong khi chờ chính sách hỗ trợ thời gian qua của tỉnh

Cụ thể từ 2006 đến nay, UBND TP Huế - đơn vị được UBND tỉnh giao trách nhiệm triển khai đã phê duyệt hỗ trợ tu bổ, tôn tạo nhà chính cho 6 nhà vườn Huế nhưng chỉ 2 nhà được triển khai (nhà vườn Thường Lạc Viên và Nguyễn Văn Thành) nhưng vẫn đang vướng mắc về thủ tục phê duyệt quyết toán và sử dụng vốn dự phòng; 4 nhà còn lại chưa thực hiện do chủ nhà chưa mặn mà với chính sách hỗ trợ, không đủ vốn đối ứng, hoặc do mới được phê duyệt (vào tháng 12/2014 mới đây). Chỉ có khoảng 700 triệu đồng được giải ngân từ đó đến nay.

“Nghị quyết 3i được thay thế bằng đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy nhà vườn Huế đặc trưng” là một điều rất đáng mừng vì đã 10 năm rồi nhưng vấn đề nhà vườn vẫn chưa có gì tiến triển. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đề nghị UBND tỉnh bổ sung ngay vào đề án 1 chương về Quy chế quản lý nhằm có một số biện pháp quy định, bảo vệ đối với nhà vườn được hỗ trợ nhằm hạn chế việc chia tách vườn nhà, thừa kế qua các đời làm biến đổi hiện trạng nhà vườn…” – ông Lê Trường Lưu, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết ý kiến.

Lối vào đầy bóng mát của cây mai trắng ở nhà vườn An Hiên

Lối vào đầy bóng mát của cây mai trắng ở nhà vườn An Hiên

Đồng tình với quan điểm trên, các đại biểu đã nhất trí sau khi tiến hành thực hiện chính sách hỗ trợ, phải có quy chế quản lý nhà vườn. Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, cần phải tiến hành làm ngay Dự thảo quy chế quản lý trong đó nêu rõ trách nhiệm của chủ nhà vườn. Tuy nhiên phải làm thế nào cho hợp lý vì nếu quy chế quá chặt thì người dân sẽ không đồng ý tham gia. Cơ chế dự thảo này phải được thường trực HĐND, các ban ngành của HĐND, các hộ nhà vườn liên quan đóng góp ý kiến để hoàn thiện trước khi ban hành chính thức.

Đại Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm