1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

1.000 trang mạng tên miền “.gov.vn” của cơ quan nhà nước bị tấn công

(Dân trí) - Từ năm 2010 đến nay, đã có trên 18.000 trang mạng có tên miền “.vn”, trong đó có trên 1.000 trang mạng có tên miền “.gov.vn” của các cơ quan nhà nước của Việt Nam bị tấn công. Nhiều vụ việc các phần mềm gián điệp đã vượt qua các phần mềm diệt virut, lây lan, nhiễm vào máy tính của cán bộ công tác trong các cơ quan trọng yếu của Đảng, Nhà nước...

(Ảnh minh hoạ)
(Ảnh minh hoạ)

Thông tin trên được nêu ra trong dự thảo Tờ trình Nghị định Quy định về bảo đảm an ninh không gian mạng quốc gia do Bộ Công an chủ trì xây dựng, đang lấy ý kiến rộng rãi của dư luận.

Bộ Công an cho rằng công nghệ thông tin, mạng viễn thông, mạng internet đã trở thành những ngành kinh tế, kỹ thuật hiện đại và đóng góp ngày càng lớn vào quá trình phát triển đất nước, hình thành nên không gian mạng rộng lớn, không biên giới. Không gian mạng đã trở thành một phần không thể thiếu, đóng vai trò rất quan trọng trong xây dựng xã hội thông tin và phát triển kinh tế tri thức, đem lại lợi ích to lớn cho loài người.

Tuy vậy, bên cạnh những tiện ích mang lại, không gian mạng cũng tạo ra những thách thức đe dọa nghiêm trọng tới an ninh quốc gia như tấn công mạng, tội phạm mạng, gián điệp mạng, tình báo mạng và chiến tranh mạng...

Trên thế giới, đã xuất hiện nhiều cuộc tấn công mạng có quy mô lớn và mục tiêu có thể là bí mật quân sự, an ninh, chính trị, kinh tế xã hội, các cơ sở hạ tầng trọng yếu quốc gia... gây nên những hậu quả khôn lường, như: vụ “hồ sơ Panama”, vụ “Snowden”, vụ tấn công nhà máy điện hạt nhân Busher của Iran, vụ tấn công vào hệ thống lưới điện của Ukraina...

Đối với Việt Nam, nguy cơ bị tấn công từ không gian mạng đang thực sự hiện hữu, đe dọa nghiêm trọng đến quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội, đối ngoại của đất nước. Thực tế, đã có nhiều cuộc tấn công mạng có tổ chức vào hệ thống thông tin quan trọng của Nhà nước.

Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay đã có trên 18.000 trang mạng có tên miền “.vn”, trong đó có trên 1.000 trang mạng có tên miền “.gov.vn” của các cơ quan nhà nước của Việt Nam bị tấn công. Vụ tấn công vào hệ thống máy chủ của Vietnam Airlines ngày 29/7/2016 gây thiệt hại lớn về kinh tế, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia.

Cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ việc các phần mềm gián điệp đã vượt qua các phần mềm diệt virut, lây lan, nhiễm vào máy tính của cán bộ công tác trong các cơ quan trọng yếu của Đảng, Nhà nước...

Để bảo vệ an toàn thông tin mạng, ngày 19/11/2015, Quốc hội đã thông qua Luật an toàn thông tin mạng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2016 quy định về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ, Nghị định số 142/2016 về ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng... Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh mới chỉ dừng lại ở việc bảo vệ an toàn thông tin mạng, chưa đề cập đến bảo đảm an ninh không gian mạng quốc gia.

Bộ Công an cho rằng, việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về bảo đảm an ninh không gian mạng quốc gia nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động bảo đảm an ninh không gian mạng quốc gia trong tình hình hiện nay là cần thiết.

Ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông

Theo dự thảo nghị định do Bộ Công an xây dựng, sẽ áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, biện pháp thu thập chứng cứ và các biện pháp khác theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự đối với pháp nhân, cá nhân có hành vi xâm phạm an ninh không gian mạng quốc gia.

Đối tượng áp dụng các biện pháp phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý hoạt động xâm phạm an ninh không gian mạng quốc gia là các tổ chức, cá nhân có hoạt động xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm an ninh không gian mạng quốc gia; các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu hoạt động xâm phạm an ninh không gian mạng quốc gia.

Đặc biệt, dự thảo đề nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet, cơ quan chủ quản trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử có trách nhiệm triển khai các giải pháp kỹ thuật bảo đảm an ninh thông tin, an ninh mạng; xây dựng biện pháp ứng phó thích hợp khi bị tấn công, xâm nhập mạng và phối hợp, hỗ trợ cơ quan có thẩm quyền trong quá trình điều tra tội phạm, bảo vệ an ninh không gian mạng theo quy định của pháp luật.

“Chủ động loại bỏ thông tin có nội dung chống nhà nước trên không gian mạng; tạm dừng hoặc chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông, internet đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh không gian mạng quốc gia theo yêu cầu của cơ quan chuyên trách bảo đảm an ninh không gian mạng quốc gia”- dự thảo nêu rõ.

Các nhà cung cấp phải xây dựng các phương án, giải pháp phản ứng nhanh với sự cố an ninh mạng, mối đe dọa an ninh mạng như lỗ hổng bảo mật, virut, tấn công mạng, xâm nhập mạng và những sự cố, đe dọa khác. Khi xảy ra sự cố an ninh mạng, ngay lập tức triển khai phương án khẩn cấp, biện pháp ứng phó thích hợp, đồng thời báo cáo với cơ quan chuyên trách bảo đảm an ninh không gian mạng quốc gia theo quy định.

Tạm ngừng hoặc dừng kết nối đối với các tổ chức, cá nhân xâm phạm an ninh không gian mạng quốc gia khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan chuyên trách bảo đảm an ninh không gian mạng quốc gia.

Bên cạnh đó, dự thảo đề xuất quy định các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chuyên trách bảo đảm an ninh không gian mạng quốc gia trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý hoạt động xâm phạm an ninh không gian mạng quốc gia.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm