“Tư lệnh” ngành LĐ-TB&XH: Xử lý dứt điểm trường hợp người có công còn tồn đọng
(Dân trí) - Nhân câu chuyện liệt sĩ có bằng công nhận cách đây 39 năm chưa được hưởng chính sách hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng cần có cách làm mới trong việc xử lý hàng chục ngàn trường hợp người có công với cách mạng còn tồn đọng nhưng vẫn đảm bảo tính công khai, đồng thuận.
Trao đổi với Đoàn đại biểu Ủy Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội hôm 8/6 tại Hà Nội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Năm 1992, khi còn là Bí thư tỉnh đoàn Hà Nam Ninh (nay là Hà Nam), tôi có nghe về một trường hợp liệt sĩ có bằng công nhận nhưng chưa được giải quyết chế độ vì vướng thủ tục. Tới năm 2016, khi tôi làm Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, trường hợp đó vẫn chưa giải quyết xong. Đây là điều day dứt lương tâm. Câu chuyện trên và các trường hợp tương tự, chúng ta cần phải kết luận rõ ràng đúng hay sai, không để tồn tại mãi được”.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, VN thuộc nhóm quốc gia phải xử lý vấn đề người có công với số lượng lớn nhất trên thế giới, cụ thể: Khoảng 8,8 triệu người có công với cách mạng; 3 triệu người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội; 13.000 hồ sơ thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đang chờ để xử lý; hàng ngàn hồ sơ người có công với cách mạng đang chờ xác minh và công nhận…
“Về cơ bản, chúng ta đã giải quyết đầy đủ chính sách cho nhóm 8,8 triệu người có công. Qua đợt tổng rà soát năm 2015, các cơ quan chức năng phát hiện chỉ có 0,09 % trường hợp thực hiện chưa đúng; 0,4 % trường hợp nợ đọng chưa giải quyết, chủ yếu thuộc về đối tượng nhiễm chất độc màu da cam và gia đình liệt sĩ, thương binh không còn hoặc thất lạc hồ sơ” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Đề xuất hướng giải quyết dứt điểm những tồn đọng, “tư lệnh” ngành LĐ-TB&XH cho rằng cần phải sớm tìm ra cách giải quyết, không để duy trì quá lâu ảnh hưởng tới đối tượng được hưởng và chính sách đền ơn đáp nghĩa của Nhà nước.
“Trước những tồn tại về đối tượng người có công với cách mạng từ hàng chục năm qua, quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH hiện nay là chấp nhận quy trình giải quyết theo từng tình huống mới có thể gỡ được. Còn chỉ căn cứ theo những quy định hiện hành thì mãi mãi không thể giải quyết hết.
Thậm chí đối tượng mất hồ sơ nhưng nếu nhân dân ở vùng nơi đối tượng sinh sống và các tổ chức chính trị xã hội chấp nhận, đồng thời tổ chức công khai trong nhân dân thì có thể xem xét tháo gỡ. Nếu chúng ta không làm thế thì sẽ không biết đến bao giờ mới có thể giải quyết được những trường hợp tồn đọng kéo dài hàng chục năm qua” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất.
Tuy nhiên, “tư lệnh” ngành LĐ-TB&XH cho rằng, để làm được điều này cần chú trọng vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc VN và các đoàn thể nhân dân địa phương nơi đối tượng thụ hưởng.
“Giải mã” các tồn đọng về đối tượng chính sách từ nhiều năm tại Thái Bình
Trong tháng 5/2016, khi làm việc với UBND tỉnh Thái Bình về trường hợp 1.342 đối tượng người có công với cách mạng chưa được nhận hỗ trợ trong nhiều năm qua, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ quan điểm cần có đột phá trong “giải mã” những tồn đọng về chính sách người có công trong tỉnh. “Nếu không làm được điều này, sẽ khó đến bao giờ mới có thể trả nợ hết cho nhân dân” - ông Đào Ngọc Dung nói.
Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH và tỉnh Thái Bình thống nhất nguyên tắc xử lý 1.342 trường hợp tồn đọng về chính sách người có công với cách mạng trong theo hướng: Trường hợp nào đủ chính sách sẽ giải quyết nhanh. Trường hợp nào còn thiếu, các bên ban hành quy trình có tính nguyên tắc và giải quyết cá biệt trường hợp. Dự kiến trong tháng 6, UBND tỉnh Thái Bình sẽ gửi tới Bộ LĐ-TB&XH một quy trình xử lý các trường hợp thiếu giấy tờ liên quan.
Ghi nhận những cách làm hay ở nhiều địa phương trong công tác người có công, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Những trường hợp không đủ giấy tờ hoặc mất giấy tờ, các địa phương giải quyết bằng cách trao đổi trong nhân dân và chi bộ Đảng. Đồng thời công khai về chủ trương chính sách trong việc xử lý. Sau một thời gian nhất định, nếu người dân không có đơn từ kiện cáo thì có thể xem xét việc giải quyết cá biệt”.
Hoàng Mạnh
TIN VẮN:
Đồng Nai: 4.700 xin hưởng trợ cấp thất nghiệp trong tháng 5/2016
Theo TT DVVL tỉnh Đồng Nai (Sở LĐ-TB&XH Đồng Nai), trong tháng 5/2016, toàn tỉnh đã có tới trên 4.700 người nộp đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Kết quả trên đã đưa tổng số người xin hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 5 tháng đầu năm lên tới hơn 14.300 người. Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh, trong 5 tháng qua, số tiền chi cho công tác BHTN là 138,7 tỉ đồng cho trên 11.700 người đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Đánh giá của Phòng Bảo hiểm thất nghiệp (TT DVVL Đồng Nai) cho thấy, mỗi tháng trung bình có từ 2.800-3.000 người tới đăng ký hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, trong đó 90% là lao động phổ thông. Người lao động đến làm thủ tục chủ yếu có độ tuổi từ 25-40 tuổi. Trong khi đó, độ tuổi ngoài 40 xin hưởng trợ cấp thất nghiệp không nhiều. Cũng theo đánh giá của TT DVVL Đồng Nai, trong 5 tháng đầu năm, TT DVVL đã hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của 479 trường hợp. Nhiều trường hợp có việc làm mới nhưng không khai báo mà vẫn tiếp tục nhận chế độ trợ cấp thất nghiệp. Hành vi này được coi là trục lợi chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên điều khó khăn cho các cơ quan chức năng là tới nay, hệ thống pháp luật vẫn chưa có chế tài để ngăn chặn hiệu quả tình trạng lạm dụng này.
Q.M