1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Tránh trục lợi BHYT: Được tra cứu lịch sử 6 lần khám gần nhất

(Dân trí) - “Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) được quyền khai thác từ Cổng tiếp nhận của hệ thống, tra cứu thông tin thẻ BHYT và lịch sử 6 lần khám bệnh, chữa bệnh gần nhất của người có thẻ BHYT đến khám bệnh, chữa bệnh tại đơn vị....”

Tránh trục lợi BHYT: Được tra cứu lịch sử 6 lần khám gần nhất - 1

Đây là một trong nhiều nội dung của Quyết định số 1553/QĐ-BHXH do Bảo hiểm xã hội VN mới ban hành. Mục tiêu của quyết định nhằm giúp minh bạch quá trình khám chữa bệnh theo thẻ BHYT, hạn chế tối đa tình trạng trục lợi BHYT, đang diễn ra nhức nhối hiện nay.

Theo Quyết định 1553/QĐ-BHXH, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT được quyền khai thác các thông tin từ Cổng tiếp nhận của Hệ thống, bao gồm: Tra cứu, kết xuất dữ liệu danh mục dùng chung toàn quốc, danh mục dùng chung tại tỉnh, danh mục dùng chung tại đơn vị; bổ sung, điều chỉnh, xóa dữ liệu danh mục và dữ liệu khám bệnh chữa bệnh của đơn vị trên cổng tiếp nhận của Hệ thống.

Đồng thời, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT có thể tra cứu thông tin thẻ BHYT, lịch sử 6 lần khám bệnh, chữa bệnh gần nhất của người có thẻ BHYT đến khám bệnh, chữa bệnh tại đơn vị. Bên cạnh đó, cơ sở khá, chữa bệnh BHYT có thể gửi dữ liệu chi tiết đề nghị thanh toán BHYT lên Cổng tiếp nhận ngay khi người bệnh kết thúc lần khám bệnh, đợt điều trị ngoại trú hoặc nội trú.

Cở sở khám chữa bệnh như trên còn được điều chỉnh, xóa, gửi lại dữ liệu chi tiết đề nghị thanh toán BHYT chưa gửi cơ quan BHXH giám định.

Ngoài ra, cơ sở khám chữa bệnh BHYT còn gửi dữ liệu danh mục thuốc, vật tư y tế trong vòng 5 ngày làm việc khi có kết quả trúng thầu hoặc mua sắm bằng các hình thức hợp pháp khác hoặc khi có thay đổi, điều chỉnh danh mục, giá thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật; tra cứu, kết xuất thông báo kết quả giám định, báo cáo quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT...

Trước đó, thống kê nhanh của BHXH VN tới tháng 8/2017, số chi khám chữa bệnh theo BHYT đã lên tới trên 50.000 tỷ đồng, chiếm 70% quỹ sử dụng trong năm 2017.

Đặc biệt, cả nước có 51 tỉnh đã bội chi lớn, như: Nghệ An trên 900 tỷ đồng, Thanh Hóa trên 800 tỷ, Quảng Nam trên 300 tỷ đồng…

Với tình trạng sử dụng quỹ BHYT như tốc độ trên, ông Lê Văn Phúc - Phó trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH VN), dự báo hết năm 2017, mức bội chi sẽ trên 10.000 tỷ đồng.

Cũng liên quan tới trình trạng khám chữa bệnh theo thẻ BHYT, ông Đàm Hiếu Trung - Phó Giám đốc Trung tâm giám định BHYT và thanh toán đa tuyến khu vực phía bắc (BHXH VN), cho biết: Qua 7 tháng đầu năm 2017, có 91.160.654 lượt khám bệnh theo thẻ BHYT với đề nghị thanh toán là 46.686 tỉ đồng.

“Có 15 tỉnh, thành tăng trên 20% số lượt khám chữa bệnh: Bình Phước 39,9%; Khánh Hòa 34,2%; Hậu Giang 33%. Có 31 tỉnh gia tăng chi phí khám chữa bệnh trên 40% so với cùng kỳ 2016. Đặc biệt có một số tỉnh gia tăng trên 70%: Kon Tum; Lạng Sơn; Khánh Hòa” - ông Đàm Hiếu Trung cho biết.

Cũng theo BHXH VN, tỉnh Bạc Liêu tần suất khám, chữa bệnh với 2,06 lần/thẻ cao nhất toàn quốc, tỉnh Đồng Nai là 1,57 lần/thẻ (tính chung toàn quốc 1,14 lần/thẻ)...

Hoàng Mạnh

Tin liên quan:

Chế độ thai sản của người mẹ nhờ mang thai hộ ra sao?

Bạn Lương Tuấn Cường (Bắc Ninh) hỏi: Tôi có một người bạn đang định nhờ người mang thai hộ. Vậy xin hỏi chế độ thai sản của người mang thai hộ trong pháp luật BHXH được quy định ra sao?

Theo Điều 4 của Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH, chế độ thai sản đối với người mẹ nhờ mang thai hộ theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

Người mẹ nhờ mang thai hộ đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm nhận con thì được hưởng các chế độ sau: Trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ mang thai hộ sinh con trong trường hợp lao động nữ mang thai hộ không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc không đủ điều kiện quy định tại Khoản 3 Điều 3 của Nghị định này; Trường hợp lao động nữ mang thai hộ, người mẹ nhờ mang thai hộ không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc không đủ điều kiện quy định tại Khoản 3 Điều 3 của Nghị định này thì người chồng đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ ốm đau, thai sản của người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh cho mỗi con; Được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi. Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ thêm 01 tháng;

Trường hợp người mẹ nhờ mang thai hộ không nghỉ việc thì ngoài tiền lương vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định…

K.A