Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:

“Năm 2018 đổi mới và tạo chuyển biến giáo dục nghề nghiệp”

(Dân trí) - Nhân dịp Xuân Mậu Tuất 2018, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Dân trí về công tác điều hành lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, người có công và xã hội năm 2017, kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2018.


Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao quà tới người có công tại xã Trực Khang (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh liệt sỹ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao quà tới người có công tại xã Trực Khang (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh liệt sỹ.

Đền ơn đáp nghĩa - điểm nhấn

Thưa Bộ trưởng, một trong những hoạt động lớn của ngành lao động thương binh xã hội năm 2017 là việc tổ chức thành công chuỗi các sự kiện kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh-Liệt sỹ. Tới lúc này, ông có thể đánh giá một cách ngắn gọn điểm nhấn lớn nhất của chuỗi hoạt động trên?

- Bộ LĐ-TB&XH đã chọn các hoạt động của năm 2017 có chủ đề chính là “Đền ơn đáp nghĩa”, hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017). Các hoạt động kỷ niệm đã được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tổ chức trọng thể, sâu rộng và thiết thực trên quy mô cả nước nhằm tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng.

Đánh giá về công tác tổ chức 70 năm Ngày thương binh - Liệt sĩ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hoan nghênh Bộ LĐ-TB&XH, các cấp, các ngành đã có nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, thiết thực chăm sóc người có công, trở thành phong trào quần chúng lan toả sâu rộng, đến từng ngõ xóm, làng xã và từng gia đình.

Việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng đã khơi dậy niềm tự hào, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha ông trong kháng chiến để đất nước được hòa bình, thống nhất phát triển như ngày hôm nay.

Điểm nhấn lớn nhất và xuyên suốt của chuỗi các hoạt động là sự đồng lòng vào cuộc của các ban, bộ, ngành trung ương, ủy ban nhân dân các địa phương và từ các gia đình người có công với cách mạng.

Trong chuỗi các hoạt động đền ơn đáp nghĩa năm 2017, cả nước đã tập trung triển khai giải quyết từng phần hồ sơ tồn đọng với phương châm để mọi người có công đều được hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước. Trên cơ sở đó tiến tới giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng về liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đang tồn tại ở các Sở LĐ-TB&XH, trong quân đội và lực lượng công an với tinh thần quyết liệt, chủ động sáng tạo và công khai minh bạch.


Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao tặng bằng khen tới 2 lão nông dũng cảm tố cáo tham nhũng tại Bắc Ninh.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao tặng bằng khen tới 2 lão nông dũng cảm tố cáo tham nhũng tại Bắc Ninh.

Tại Lễ truy tặng bằng Tổ Quốc ghi công tới thân nhân các liệt sỹ cuối tháng 12/2017, Bộ trưởng cho biết có nhiều trường hợp hy sinh tới hơn nửa thế kỷ những vẫn chờ được công nhận. Vậy, ông có thể chia sẻ hành trình để xác nhận, công nhận liệt sỹ đó như thế nào?

- Công tác xác nhận đòi hỏi phải rất kiên trì, công tâm và cả sự tỉnh táo. Bởi hầu hết các liệt sĩ hy sinh đã rất lâu, có trường hợp tới 70-80 năm. Theo nguyên tắc, việc giải quyết các trường hợp công nhận là liệt sĩ hoặc thương binh phải dựa trên hồ sơ.

Trong Hội nghị tổng kết ngành LĐ-TB&XH năm 2017, diễn ra hôm 18/1 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao việc thực hiện vượt mức nhiều chỉ tiêu được giao của Bộ LĐ-TB&XH, đặc biệt là công tác tổ chức hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh liệt sĩ đã lay động tới tấm lòng của mọi người dân, trước hết là gia đình thương binh liệt sĩ. Thủ tướng nhấn mạnh về một Bộ LĐ-TB&XH đoàn kết và quyết tâm, cá nhân Bộ trưởng sâu sát bền bỉ và thuyết phục.

Song không phải trường hợp nào cũng có hồ sơ, hoặc nếu có thì hồ sơ thiếu nhiều giấy tờ xác thực. Nhiều trường hợp liệt sĩ có tên trong bia mộ, bảng vàng Tổ Quốc ghi công, được phụng thờ hương khói mấy chục năm cũng vẫn chưa được công nhân. Đó là điểm “nghẽn, nút thắt” cần giải quyết.

Trước hết, cần nhìn nhận công việc giải quyết hồ sơ tồn đọng người có công với cách mạng là việc lớn và hệ trọng, nhưng cũng là việc cực kỳ khó khăn. Khi tiếp cận các hồ sơ tồn đọng, tôi rất trăn trở, suy nghĩ tìm hướng giải quyết. Nếu cứ theo quy trình hướng dẫn lập hồ sơ công nhận liệt sĩ, chắc chắn việc công nhận sẽ rơi vào bế tắc không thể giải quyết nổi.

Sau khi xin ý kiến và được sự chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 về quy trình giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công theo tính chất đặc thù, nhằm căn bản giải quyết xong hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công (liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh) tại các tỉnh, thành phố và trong cơ quan quân đội, công an.

Nhiều hồ sơ tồn đọng từ khá nhiều năm, tư liệu, nhân chứng lịch sử không đầy đủ hoặc không còn nên các địa phương đã phải bằng mọi cách tích cực nhất, khai thác tối đa các nguồn thông tin từ nhiều kênh khác nhau.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, các danh sách đề nghị công nhận liệt sĩ đều được đưa ra lấy ý kiến của các bậc lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa, những người hoạt động kháng chiến, các cụ cao niên và được niêm yết, đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các trường hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp bằng Tổ Quốc ghi công đều đạt sự nhất trí hoàn toàn của các đại biểu tham dự trong tất cả các cuộc họp và đến nay không có bất kỳ ý kiến nào khác qua việc niêm yết, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Nhiều nơi đã phải thu thập thông tin từ hồ sơ để lại của các nhà tù của địch trước đây hoặc từ những tài liệu, sổ sách, những quyển nhật ký và mọi giấy tờ có liên quan; có nơi như: Long An, Vĩnh Long, An Giang, Hải Phòng, Bắc Ninh phải tổ chức họp hoặc đến tận nhà xin ý kiến các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, các đồng chí lãnh đạo của tỉnh qua các thời kỳ.

Để công nhận liệt sĩ, tổ chức và địa phương đã phải xác minh tại nhiều quân khu, đơn vị và địa phương; những hồ sơ còn có những điểm chưa rõ hoặc thiếu cơ sở vững chắc đều được tổ chức xác minh làm rõ và kết luận…

Giáo dục nghề nghiệp - lựa chọn khâu đột phá nào?

Năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH sau khi tiếp nhận toàn bộ hệ thống trường nghề, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã có những bước điều chỉnh nhất định. Tuy nhiên, dư luận vẫn kỳ vọng nhiều hơn vào những động thái quyết liệt của Bộ trưởng trong việc sắp xếp, đổi mới hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu quả? Bộ trưởng từng phát biểu, nếu cần thiết sẽ đóng cửa những trường nghề tuyển sinh, hoạt động không hiệu quả?

- Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH xác định việc chăm lo bồi dưỡng, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.


Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gặp gỡ bạn trẻ tìm việc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gặp gỡ bạn trẻ tìm việc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

Năm 2018, Bộ sẽ tập trung cao độ vào việc chỉ đạo đổi mới và nâng chất lượng giáo dục nghề nghiệp, trước hết là việc rà soát, sắp xếp quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp theo hướng linh hoạt, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động. Với những địa bàn có nhu cầu, những nghề và trường có chất lượng sẽ duy trì, phát triển. Những trường, trung tâm giáo dục nghề nghiệp hoạt động không hiệu quả sẽ củng cố sắp xếp lại theo hướng sáp nhập, thậm chí giải thể.

Cụ thể, Bộ sẽ ban hành tiêu chí, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện sắp xếp các trường trung cấp vào trường cao đẳng, trước hết là những trường trung cấp có trên 50% số ngành, nghề đào tạo trùng với ngành nghề đào tạo của trường cao đẳng trên địa bàn cấp tỉnh. Những trường không đủ điều kiện hoạt động tối thiểu theo quy định. Về cơ bản, các tỉnh, thành nhất là các tỉnh vùng miền núi sẽ thu gọn đầu mối, sáp nhập trường trung cấp vào trường cao đẳng.

Về lâu dài, Bộ sẽ trình Chính phủ quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp theo hướng, mỗi tỉnh ở khu vực trọng điểm kinh tế, nhu cầu nhân lực lớn sẽ có từ 1-2 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập có quy mô lớn và đủ sức “dẫn dắt” lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Trong trường cao đẳng có thể có nhiều trường trung cấp, nhiều trung tâm vệ tinh bên trong, và có cả trường đào tạo 3 trình độ: cao đẳng, trung cấp và sơ cấp. Riêng với những trường cao đẳng, trung cấp hoạt động không hiệu quả, 3 năm liên tiếp tuyển sinh không đạt 50% chỉ tiêu sẽ bị giải thể hoặc sáp nhập….

Còn việc thúc đẩy trao quyền tự chủ cho các trường nghề, cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ như thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Năm 2018, toàn hệ thống triển khai tập trung triển khai Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, cùng với các khâu đột phá như: kết nối doanh nghiệp và chuẩn hoá tự chủ trong giáo dục nghề nghiệp là một khâu đột phá.

Tự chủ trong hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp được hiểu là các trường sẽ được chủ động giao quyền tự quyết về bộ máy, như: lựa chọn giáo viên, giáo trình, chủ động liên kết đào tạo. Riêng về tài chính, tự chủ ở đây không có nghĩa là khoán trắng hay cào bằng.

Đơn cử như trường nghề ở khu vực đô thị, có khả năng thu hút học sinh sẽ được giao quyền tự chủ nhiều hơn so với trường đóng ở địa bàn khó khăn. Rồi với các ngành nghề có tính đặc thù như dạy múa, dạy nhạc, có khi 2-3 trò/thầy hoặc 1 thầy, một 1 trò sẽ khó đòi hỏi tự chủ toàn bộ được, Nhà nước vẫn phải có trách nhiệm hỗ trợ, đầu tư. Tương tự, các ngành như hát chèo, tuồng… muốn duy trì văn hóa truyền thống, Nhà nước vẫn phải đầu tư.

Tinh thần là đẩy mạnh giao quyền, phân cấp tự chủ cho các trường nghề có điều kiện. Đây là xu hướng hiện nay, cần thực hiện quyết liệt, nhưng cũng phải có lộ trình. Không phải hôm nay nói tự chủ là ngày mai các trường phải tự lo tất cả. Tuỳ từng điều kiện cụ thể, có trường tự chủ toàn phần, có trường tự chủ từng phần...

- Xin cảm ơn Bộ trưởng

Đến cuối năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ cấp, đổi trên 50.000 bằng Tổ Quốc ghi công làm cơ sở để giải quyết chính sách; toàn quốc đã xác nhận 2.500 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; đặc biệt đã thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xác nhận và cấp bằng Tổ Quốc ghi công đối với với 1250 liệt sĩ...Kết quả đó mở ra hướng đi mới để giải quyết về cơ bản hồ sơ tồn đọng người có công nói chung.

Thanh Phúc - Hoàng Mạnh (thực hiện)