Lương không sống được thì “nhảy” việc chứ sao!

“Năm nay tớ nhất định phải “nhảy” việc thôi. Ì ạch mãi chỗ này cũng chán. Lương thì không tăng, cuối năm chả có quà cáp gì, thưởng Tết thì nhỏ giọt” – Cái Lan, bạn cùng phòng trọ với tôi than thở khi nói về kế hoạch năm mới.

Lan quyết “nhảy” việc. Ý định này được Lan nói đi nói lại gần chục lần và Lan nói đặc biệt nhiều vào những ngày cuối năm khi nghe tin công ty thưởng Tết nửa tháng lương cơ bản. Ngoài ra, không có bất kỳ quà tặng khuyến khích nào khác.

Cuối năm nhận tiền thưởng Tết, khuôn mặt tươi tắn mỗi ngày của Lan bị thay thế bởi vẻ não nề, giọng đầy trách móc. Lan thất vọng về tiền thưởng thì ít mà lo cho cái Tết trước mắt của gia đình thì nhiều. Lan là con đầu trong một gia đình bốn anh chị em. Từ Nghệ An, Lan vào TPHCM lập nghiệp. Với trình độ tốt nghiệp phổ thông, Lan xin vào làm công nhân cho một công ty may với lời rao tuyển dụng “Lương không dưới 6 triệu đồng/tháng. Thưởng Tết đầy đủ. Được tham gia đầy đủ các chế độ bảo hiểm…”.


Không ít công nhân bức xúc vì tiền lương mà đình công - Ảnh: L.T

Không ít công nhân bức xúc vì tiền lương mà đình công - Ảnh: L.T

Đúng là lương không dưới 6 triệu đồng/tháng thật nhưng để có được mức lương đó, Lan tăng ca không ngừng nghỉ. Mức lương cơ bản công ty áp dụng đúng bằng mức lương tối thiểu vùng, tức chỉ hơn 3,5 triệu đồng/tháng, ngoài ra không có bất kỳ khoản phụ cấp nào. Cho nên để có được 6 triệu đồng/tháng gửi về cho mẹ và các em, Lan không tiếc sức mình tăng ca ngày đêm.

Vốn là con nhà nông, lại vất vả từ nhỏ nên công việc ở nhà xưởng đối với Lan không phải là vấn đề bởi Lan luôn nghĩ “không có việc gì kiếm được đồng tiền lương thiện mà dễ dàng”. Thế nên, dù vất vả, Lan vẫn gắn bó với công ty và không hề kêu ca. Vậy nhưng lần này thì Lan quyết tâm “nhảy” việc vì bất mãn với thưởng Tết. Lan bảo, nếu công ty làm ăn thua lỗ thì mình không nói làm gì, đằng này đơn hàng vẫn có.

Công ty tăng ca thường xuyên vậy mà cuối năm lấy lý do không có lời để thưởng Tết “bèo” cho công nhân. Không chỉ mình Lan thất vọng muốn “nhảy” việc mà nhiều người khác cũng có ý định nghỉ việc khi cầm trên tay tiền thưởng Tết.

Cả năm làm việc đã không có dư, chờ vào thưởng Tết để rồi thất vọng tràn trề. Tết năm nay, dù chưa có gia đình riêng nhưng Lan vẫn chọn ở lại TPHCM ăn Tết. Cái Tết đầu tiên xa nhà, Lan khóc sưng cả mắt. Tôi chẳng biết an ủi Lan thế nào. Cho bạn mượn tiền về quê rồi đầu năm bạn cũng phải xoay tiền để trả. Mà về quê đâu đơn giản chỉ là tiền tàu xe, còn bao nhiêu thứ phải lo, phải chi. Không biết làm thế nào, tôi chọn ở lại TPHCM ăn Tết với Lan.

Mấy ngày Tết, Lan nói đi nói lại quyết tâm “nhảy” việc và tôi ủng hộ Lan. Ra Tết, khi tàu xe đã vãn, giá vé xe giảm, Lan sẽ về quê làm bộ hồ sơ xin việc rồi quay ngược vào lại TPHCM. Tôi sẽ cùng đi tìm việc mới cho Lan. Tôi lên mạng, tìm đọc thông tin. Có rất nhiều địa chỉ uy tín, có những doanh nghiệp được báo chí đưa tin nhiều về công tác chăm lo, đảm bảo tiền lương thưởng Tết, phúc lợi cho công nhân…

Cũng là công nhân, tôi tự thấy ghen tỵ với những công nhân đang làm việc ở đó. Và tôi đã nghĩ kỹ rồi, không việc gì phải ghen tỵ nữa, mình sẽ thay đổi công việc, sẽ tìm đến những doanh nghiệp có chính sách chăm lo tốt cho công nhân, tìm kiếm những cơ hội mới cho mình.

Công nhân muốn ổn định, muốn gắn bó với công ty nhưng để công nhân gắn bó thì trước hết, chủ doanh nghiệp phải rộng rãi chia sẻ lợi nhuận với anh chị em, đừng bo bo giữ cho riêng mình để rồi những công nhân chăm chỉ sẽ lựa chọn phương án ra đi.

Theo Nguyễn Ngân/Báo Lao động