‘Lơ là’ với chỉ tiêu bảo hiểm xã hội

Không đặt chỉ tiêu bảo hiểm xã hội trong các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội hàng năm đã gây khó cho việc thực hiện chính sách an sinh có ý nghĩa này của Nhà nước. Các cơ quan đã nêu lên khó khăn này trong cuộc làm việc giữa Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) hôm nay, 8/6.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc.

Không quyết liệt khó đạt chỉ tiêu đóng BHXH

Theo báo cáo, tính đến hết tháng 5/2016, cả mới có 12,3 triệu người tham gia BHXH, chiếm 23,3% lực lượng lao động và 10,5 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 19,6% lực lượng lao động.

“Việc phát triển và mở rộng bảo hiểm xã hội đối với 23% dân số còn lại là hết sức khó khăn do phần lớn trong số này là những đối tượng không được Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ đóng” trong khi Nghị quyết 21/NQ-TW của Bộ Chính trị đặt chỉ tiêu tới năm 2020 có 50% lao động tham gia BHXH và 35% tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Ông Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng giám đốc BHXH cho rằng qua các đợt khảo sát do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với BHXH Việt Nam, Bộ LĐTBXH và Tổng liên đoàn Lao động mấy năm qua thấy rằng do không giao chỉ tiêu cụ thể nên lãnh đạo một số địa phương “lơ là” trong thực hiện chỉ tiêu này.

Trong khi đó ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết có một số tỉnh thành có tỷ lệ bao phủ BHXH đạt dưới 10%, do đó chỉ tiêu 50% lực lượng lao động tham gia BHXH là thách thức rất lớn dựa trên phân tích của ông Diệp: “Số lao động có tiền lương, tiền công mới chiếm 41% lực lượng lao động, khoảng 50% là lao động ở khu vực phi kết cấu. Bộ luôn cập nhật bảng lao động thì thấy mỗi quý thêm nửa % vào số lao động có quan hệ tiền công, tiền lương nên một năm chỉ tăng khoảng 2% và 3 năm nữa thì chưa đạt tới 50% người lao động ở khối có tiền lương”.

Trước thực tế này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng thực hiện chỉ tiêu của Bộ Chính trị là khó khăn và đề nghị BHXH Việt Nam phối hợp với các Bộ, ngành đề xuất Chính phủ ban hành nghị quyết, giao chỉ tiêu bắt buộc việc thực hiện BHXH với người lao động.

Đối với phát triển BHTN, Phó Thủ tướng yêu cầu BHXH Việt Nam phải tìm các giải pháp để giữ người lao động trong hệ thống chứ không để họ rời hệ thống bảo hiểm.

Đồng thời, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu BHXH Việt Nam phối hợp với các Bộ, ngành chủ động rà soát, tích cực hoàn thiện sớm hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHXH và BHYT (sửa đổi).

Cụ thể là các nghị định: Nghị định quy định chi tiết về bảo hiểm hưu trí, nghị định quy định giao dịch điện tử trong BHXH, BHYT và bảo hiểm tự nguyên; nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp lương cho giáo viên mầm non, trợ cấp hàng tháng với người nghỉ hưu trước năm 1995.

Phối hợp thu BHXH qua cơ quan thuế

Cho ý kiến trước việc cộng đồng doanh nghiệp “than vãn” về tỷ lệ đóng bảo hiểm cao (hơn 32%) gây khó cho doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho rằng doanh nghiệp đóng bảo hiểm cho người lao động trên nền lương thấp.

“Hiện nay doanh nghiệp chỉ đóng bằng mức lương tối thiểu vùng, ví dụ mức này là 3,5 triệu đồng, cộng thêm 7% chi phí qua đào tạo là 3,6 triệu là hợp pháp nhưng 30 năm sau người lao động chỉ được hưởng tối đa 75% của mức 3,5 triệu thì người lao động ở mức nghèo khổ thì lúc đó là gánh nặng cho xã hội. Ở góc độ công đoàn, doanh nghiệp làm 2 bảng lương một là bảng lương tối thiểu gửi cho BHXH để tính đóng, còn bảng lương quyết toán thuế trả cho người lao động hiện nay là 5,5 triệu đồng, ở Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương là 6,5 triệu đồng. Khoảng chênh lệch 2 triệu đó đã chiếm 22% thu nhập nên Liên đoàn lao động đề nghị doanh nghiệp đóng quyết toán thuế bao nhiêu thì đóng cho BHXH bấy nhiêu trên nền lương”, ông Chính nói.

Ông Chính cho rằng BHXH cần phải liên thông về số liệu thu nhập với cơ quan thuế nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động và nguồn thu của BHXH.

“Nếu doanh nghiệp làm đúng thì người lao động sau 30 năm nữa mới có lương đủ sống”, ông Chính khẳng định.

Về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh cho biết cơ quan này đang cùng Bộ Tài chính và cơ quan thuế phối hợp, thí điểm thu hộ BHXH ở 5 tỉnh và trên cơ sở đó sẽ nhân rộng trên toàn quốc.

Ủng hộ cách làm này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu BHXH Việt Nam phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong chia sẻ dữ liệu thu, đảm bảo việc thu công bằng giữa các khu vực. Trong quá trình thực hiện, nếu thấy vướng mắc thì báo cáo Chính phủ xem xét, cho ý kiến.

Trong quá trình thanh tra, kiểm tra chuyên ngành BHXH, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51 để thực hiện chức năng này của BHXH Việt Nam. Do đó, BHXH Việt Nam cần cung cấp đầy đủ thông tin nợ đọng BHXH và chia sẻ với Tổng Liên đoàn Lao động để tiến hành đề nghị cơ quan tố tụng khởi tố hình sự với trường hợp doanh nghiệp có khả năng chi trả nhưng chây ỳ không đóng BHXH khi Bộ luật Tố tụng hình sự có hiệu lực từ 1/7/2016.

Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị BHXH Việt Nam và Bộ Y tế phối hợp xây dựng đề án đấu thầu giá thuốc trong danh mục chi trả của bảo hiểm y tế để góp phần giảm giá thuốc, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân.

Theo T. Chung/Báo Đại đoàn kết