1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Lao động mất việc trong cách mạng 4.0: Con số đáng lo

Mặt bằng công nghệ của Việt Nam là 2.0 mà tiến lên 4.0 là quá cao, nên cần hết sức tranh thủ cái gì làm được ngay thì làm.

Dệt may, da giầy bị tác động đầu tiên

Theo báo cáo chi tiết về chủ đề Việt Nam với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thì Việt Nam là nước chịu tác động rất mạnh mẽ bởi cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hay còn được gọi là cách mạng 4.0.

Báo cáo dự đoán, sẽ có 74% số lao động ngành chế biến, chế tạo của Việt Nam có mức độ rủi ro cao, dễ bị thay thế do tự động hóa. Con số này cao hơn so với các nước trong khu vực như Phillipines (54%), Thái Lan (58%) và Indonesia (67%).

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 7/2, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết: "Các nghiên cứu khác nhau, như Tổ chức lao động quốc tế (ILO) đã công bố 86% lao động ngành dệt may, da giầy của Việt Nam sẽ mất việc trong vòng 15 năm tới.

Lao động mất việc trong cách mạng 4.0: Con số đáng lo - 1

Các con số được đưa ra thấy rõ các ngành nào mà chỉ làm công việc lắp ráp, giản đơn, lao động giá rẻ, rất dễ bị thay thế bởi người máy.

Ngành bị tác động đầu tiên sẽ là dệt may, da giầy, rồi tới các ngành lắp ráp. Trong khi các ngành này chiếm tỷ lệ lao động tương đối cao với thị trường Việt Nam".

Theo ông Doanh, thực tế chuyện loại bỏ người lao động đã xảy ra, ví dụ trong ngành dệt may việc cắt vải được thay thế bằng người máy. Trong các ngành được lắp ráp cũng có nhiều trang thiết bị thay thế, cái này được thực hiện ở các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước lớn.

Vị chuyên gia cho biết, tỷ lệ người máy được sử dụng trên 10.000 công nhân của Việt Nam tương đương với tỷ lệ của Trung Quốc. Tức là số người máy được vận dụng tại Việt Nam không hề nhỏ. Người Trung Quốc quá đông nên dù họ rất mạnh về người máy, tỷ lệ số người máy được sử dụng trên 10.000 công nhân của Việt Nam, hiện vẫn tương đương với Trung Quốc.

Sắp tới Trung Quốc vận động phát triển nhiều hơn, có lẽ Việt Nam lại tụt hậu lại đằng sau.

Công nghiệp chế biến không ngoại lệ

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, TS Lưu Bích Hồ - Chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho rằng, việc cải tiến công nghệ, áp dụng tự động hóa trong quy trình sản xuất, cách mạng 4.0 sẽ tác động đầu tiên đến công nghiệp chế biến.

Tất cả các nước đều bị ảnh hưởng bởi vấn đề dư thừa lao động, đào tạo lại lao động, không còn thích ứng khi áp dụng công nghệ mới, thay thế lao động thủ công, trình độ chất lượng công nghệ thấp, nên chắc chắn dư thừa. Mà dư thừa tức có rủi ro nếu không thích ứng được thì trở thành rủi ro lớn.

"Cách mạng công nghiệp đang tập trung vào công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, tiến tới trí tuệ nhân tạo, mũi nhọn nhất là công nghệ sinh học. Nhưng với tình hình cơ cấu kinh tế của nền kinh tế nước ta, thì rất nhiều ngành bị ảnh hưởng không riêng một vài ngành.

Đặc biệt, chỉ nhìn thấy rõ trong hệ thống việc sẽ phải làm, ngành Ngân hàng, công nghệ thông tin sẽ mạnh hơn, còn trong các ngành sản xuất kinh doanh chưa rõ ràng, chỉ biết sản phẩm nông nghiệp rất dễ thay thế, như có một số cơ sở sản xuất sữa áp dụng công nghệ này, tất cả quy trình sản xuất trồng cỏ, nuôi bò, chế biến sửa, tự động hóa mức tối đa", ông Hồ phân tích.

Phải chấp nhận học hỏi cả đời

Đưa ra những giải pháp để đối phó, ông Hồ phân tích: "Trước hết, tập trung cho công nghệ, chỗ nào năng suất lao động thấp thì đi thẳng đến những nơi công nghệ hiện đại không cần tuần tự, từng ngành phải nghiên cứu.

Chúng ta nói nhiều mà chưa hành động. Để đối phó, cần tập trung nguồn nhân lực, có chất lượng cao thích ứng công nghệ mới, quan trọng nhất là như vậy, thách thức càng lớn hơn khi nền giáo dục của chúng ta tuy đã đang đẩy mạnh cải cách nhưng chưa có hiệu quả cao. Phải thực hiện cần nhiều giải pháp phải đồng bộ".

Về phía TS Lê Đăng Doanh, ông cho rằng, phải chủ động đầu tư vào khoa học công nghệ, tổ chức hệ thống đào tạo lại công nhân, người lao động phải chấp nhận học suốt đời, khi mất việc này thì không cam chịu mà đi học việc khác, sẵn sàng đi nơi khác làm việc, chứ không nhất thiết chỗ quen, chỗ gần.

Ở đây là giải pháp đồng bộ, người lao động sẵn sàng, còn nhà nước tổ chức, tạo điều kiện, chứ không chỉ người lao động, dù người lao động muốn mà không có tổ chức, không tạo điều kiện thì không biết học ở đâu.

Việt Nam hoàn toàn có khả năng tổ chức việc học, người mất việc lại học lại việc khác, tìm các chỗ làm việc mới, đó là điều các nước khác như Đức đã làm rất tốt.

"Vai trò của nhà nước rất quan trọng chính là hợp tác giữa nhà nước, doanh nghiệp và người lao động, vì nếu công ty không chuẩn bị tốt thì sẽ đẩy người lao động ra rồi thất nghiệp.

Đã có trường hợp người lao động xông vào đập phá người máy thì họ bị mất việc, việc trên đã xảy ra tại nước ngoài. Phải có sự hợp tác giữa nhà máy với nhà nước, với công đoàn, với người lao động", ông Doanh phân tích.

Theo Báo Đất Việt