Đề xuất điều kiện với doanh nghiệp đưa lao động sang Ả rập xê út
(Dân trí) - Bộ LĐ-TB&XH đang soạn thảo dự thảo nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người lao động VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có điều kiện với doanh nghiệp XKLĐ sang Ả rập Xê út.
Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị định, gồm: Quy định về tiền ký quỹ, khu vực, ngành, nghề và công việc cấm đi làm việc ở nước ngoài, điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, hoạt động đưa người lao động Việt nam sang làm việc ở một số thị trường lao động lớn, trong đó có Ả rập Xê út.
6 điều kiện cho doanh nghiệp XKLĐ
Dự thảo Nghị định nêu 6 điều kiện đối với doanh nghiệp về cơ sở vật chất phục vụ công tác bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho lao động giúp việc gia đình đi làm việc tại Ả-rập Xê-út, bao gồm:
Có phòng thực hành kỹ năng nghề giúp việc gia đình với các trang thiết bị, dụng cụ cần thiết để thực hành công việc dọn dẹp vệ sinh, giặt là và làm bếp … phù hợp với văn hóa, tập quán các nước khu vực Trung Đông;
Có cán bộ chuyên trách thị trường Ả-rập Xê-út đáp ứng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 11 Nghị định này với ít nhất 01 năm kinh nghiệm trong hoạt động đưa người lao động sang các nước khu vực Trung Đông;
Có tối thiểu 01 cán bộ quản lý lao động thường trực tại Ả-rập Xê-út đối với mỗi công ty môi giới mà doanh nghiệp ký hợp đồng cung ứng. Cán bộ này phải thông thạo tiếng Ả rập Xê út hoặc có chứng chỉ tiếng Anh trình độ tối thiểu B1 (Khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung của Châu Âu - CEFR) hoặc tương đương với ít nhất 01 năm kinh nghiệm quản lý lao động ở nước ngoài;
Có tối thiểu 01 cán bộ dạy tiếng Ả-rập Xê-út;
Có tối thiểu 01 cán bộ đào tạo kỹ năng nghề giúp việc gia đình.
Đào tạo tối thiểu 45 ngày
Về thời gian đào tạo, dự thảo quy định doanh nghiệp phải tổ chức đào tạo người lao động tối thiểu là 45 ngày tại cơ sở đào tạo đã báo cáo và được Bộ LĐ-TB&XH chấp thuận, cụ thể:
Bồi dưỡng kiến thức cần thiết theo quy định (tối thiểu 74 tiết), đảm bảo người lao động nắm vững quy định luật pháp liên quan của Ả-rập Xê-út, các điều kiện hợp đồng lao động, phong tục tập quán và đặc điểm khí hậu tại Ả-rập Xê-út;
Đào tạo kỹ năng nghề giúp việc gia đình (tối thiểu là 145 tiết), trừ những lao động đã có kinh nghiệm làm giúp việc gia đình tại các nước khu vực Trung Đông;
Dạy tiếng Ả-rập cơ bản (tối thiểu là 145 tiết), trừ những lao động đã có kinh nghiệm làm giúp việc gia đình tại Ả-rập Xê-út.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định doanh nghiệp phải cử cán bộ quản lý lao động thường trực tại Ả rập Xê út trước khi đưa lao động đi và báo cáo bằng văn bản tới Bộ LĐ-TB&XH và Cơ quan đại diện Việt Nam tại Ả Rập Xê út.
Nguyên nhân khiến lao động làm việc tại Ả rập Xê út phải về nước sớm
Theo Bộ LĐ-TB&XH, tại Ả rập Xê út, từ năm 2014 phát sinh một số vụ việc dẫn đến phải đưa người lao động về nước. Năm 2014 có 60 vụ việc liên quan đến lao động giúp việc gia đình, chiếm 1,2% số lao động giúp việc gia đình đang làm việc; 6 tháng đầu năm 2015, có 40 vụ việc, khiếu nại của người lao động, chiếm 0,8% số lao động đang làm việc. Các khiếu nại chủ yếu liên quan đến thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, điều kiện ăn uống, chủ sử dụng ngược đãi; một số sức khoẻ không đảm bảo, muốn về nước trước hạn.
Nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp tuyển chọn chưa kỹ, không đúng đối tượng (đưa người từng làm nghề massage, người nhiều tuổi - trên 55 tuổi) không đào tạo, giáo dục định hướng đầy đủ nên người lao động không giao tiếp được với chủ sử dụng, khó hòa nhập môi trường sống mới với văn hoá khác biệt. Một số doanh nghiệp không phổ biến kỹ cho người lao động về các khác biệt văn hóa, phong tục tập quán giữa Việt Nam và Ả rập Xê út dẫn đến người lao động lầm tưởng là sang làm việc tại các gia đình Ả rập Xê út là dễ dàng (nhất là với các lao động nông thôn, vùng sâu vùng xa, ít hiểu biết về xã hội và thế giới).
Do người lao động vẫn có nhu cầu đi làm việc tại thị trường này nên việc cấm đưa loại hình này sang Ả rập Xê út không phải là biện pháp tối ưu, thay vì đó cần đưa ra những quy định chặt chẽ để chỉ những doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu, thực hiện tốt việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động mới tham gia cung ứng loại hình lao động giúp việc gia đình sang Ả rập Xê út.
Hoàng Mạnh