1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Bộ LĐ-TB&XH: Hướng dẫn người lao động đi làm việc tại Thái Lan theo hợp đồng

(Dân trí) - Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) vừa ban hành hướng dẫn người lao động đăng ký thủ tục đi làm việc tại Thái Lan theo hợp đồng. Lĩnh vực làm việc tạm thời được giới hạn trong ngành xây dựng và đánh bắt cá.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, quy định về lao động được áp dựng từ quý 2/2017, trên cơ sở thỏa thuận tuyển dụng lao động đã ký giữa hai Chính phủ Việt Nam và Thái Lan, căn cứ vào Biên bản làm việc giữa Bộ LĐ-TB&XH (Việt Nam) và Bộ Lao động (Thái Lan).

Chi phí người lao động chi trả

Tại Việt Nam: Chi phí làm hộ chiếu, khám sức khỏe, lệ phí visa, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, đóng góp Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định.

Tiền dịch vụ cho doanh nghiệp đưa đi không quá 1 tháng lương cơ bản cho 1 năm hợp đồng.

Nếu người lao động đi qua Trung tâm lao động ngoài nước thì chi phí hành chính phải nộp là 250USD/lao động/hợp đồng.


Ảnh VTV.VN

Ảnh VTV.VN

Tại Thái Lan: Chi phí khám sức khỏe sau khi đến Thái Lan: 500Baht, Bảo hiểm y tế: 1600Baht/năm, Giấy phép làm việc: 900Baht/năm và 100Baht lệ phí nộp đơn xin giấy phép làm việc.

Đóng góp bảo hiểm xã hội: 5% lương tháng (chỉ áp dụng với lao động trong ngành xây dựng).

Các chi phí khác do người sử dụng lao động chi trả

Người lao động không phải trả tiền môi giới, khoản tiền này chủ sử dụng lao Thái Lan sẽ trả cho công ty môi giới Thái Lan.

Vé máy bay cho người lao động từ Việt Nam sang Thái Lan khi bắt đầu hợp đồng và từ Thái Lan về Việt Nam khi hoàn thành hợp đồng sẽ do chủ sử dụng lao động chi trả.

Quy trình đưa người lao động đi làm việc tại Thái Lan

Người sử dụng lao động Thái Lan nộp đơn xin tuyển dụng lao động nước ngoài lên Văn phòng việc làm cấp tỉnh tại Thái Lan. Sau khi được Văn phòng việc làm cấp phép, các giấy tờ đó được chuyển trực tiếp cho cơ quan phái cử Việt Nam hoặc được quyền gián tiếp thông qua công ty môi giới Thái Lan.

Cơ quan phái cử Việt Nam đăng ký hợp đồng tại Cục Quản lý lao động ngoài nước. Sau khi được Cục Quản lý lao động ngoài nước chấp thuận, cơ quan phái cử Việt Nam đăng tuyển thông tin tìm lao lao động.

Sau khi có lao động, cơ quan phái cử Việt Nam gửi danh sách người lao động cho người sử dụng lao động Thái Lan hoặc công ty môi giới Thái Lan (kèm theo giấy chứng nhận sức khỏe, lý lịch tư pháp và hộ chiếu của người lao động).

Người sử dụng lao động Thái Lan lựa chọn lao động từ danh sách, ký trước hợp đồng lao động cho từng lao động và thông báo cho Cục Việc làm (Thái Lan) và cơ quan phái cử Việt Nam.

Cục Việc làm (Thái Lan) xác nhận và thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao của Thái Lan tại Việt Nam để cấp visa, đồng thời cũng thông báo cho Cục Quản lý lao động ngoài nước.

Cơ quan phái cử Việt Nam tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết, hướng dẫn người lao động ký hợp đồng lao động, ký hợp đồng lao động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài với người lao động. Đồng thời nộp tất cả tài liệu bao gồm cả danh sách lao động do Cục Quản lý lao động ngoài nước xác nhận để xin cấp visa ở Việt Nam.

Người sử dụng lao động Thái Lan chịu trách nhiệm đón người lao động tại sân bay, kiểm tra sức khỏe cho người lao động, xin giấy phép làm việc đưa người lao động tham gia chương trình giáo dục định hướng 1 ngày do Cục Việc làm Thái Lan tổ chức.

Người sử dụng lao động Thái Lan và công ty môi giới Thái Lan chịu trách nhiệm quản lý người lao động, phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan và cơ quan phái cử Việt Nam giải quyết các vấn đề phát sinh đến người lao động.

Khi lao động hoàn thành hợp đồng lao động hoặc trong trường hợp phải về nước trước thời hạn hợp đồng lao động, người sử dụng lao động Thái Lan và công ty môi giới Thái Lan chịu trách nhiệm mua vé khứ hồi và/hoặc thu xếp việc hồi hương cho người lao động, cũng như thông báo cho cơ quan phái cử Việt Nam về việc tiếp nhận lao động và thanh lý hợp đồng với người lao động.

Hoàng Mạnh